4 tháng ở Pháp và những nhầm lẫn khi nghĩ về du học

(Dân trí) - “Tròn 4 tháng bước lên máy bay xa nhà. Hôm nay đi học làm bài tập nhóm, mặc dù đã quen rồi, nhưng bỗng dưng cảm thấy lạc lõng, không hiểu mọi người trong nhóm đang bàn về cái gì, tự hỏi mình quyết định đến đây, ở lại đây làm gì, khi sống giữa những người không hiểu nổi mình và mình cũng không hiểu họ. 4 tháng đủ để quen, đủ để mạnh mẽ nhưng chưa đủ để thân và hiểu...”

Dưới đây là những chia sẻ trên trang cá nhân của bạn Trần Thu Trang, DHS Việt Nam tại Pháp về quãng thời gian 4 tháng xa nhà để bắt đầu một cuộc chinh phục tri thức mới tại đất nước hình lục lăng. Cựu SV ĐH Ngoại thương Hà Nội này hiện đang theo học Thạc sĩ tại trường Nice-Sophia Antipolis (Nice, Pháp). Đồng thời Trang cũng đang là phó Chủ tịch hội SV Việt Nam tại thành phố Nice.


Trần Thu Trang - Nữ du học sinh Việt tại Pháp.

Trần Thu Trang - Nữ du học sinh Việt tại Pháp.

“Giờ này 4 tháng trước, mới trải qua 1 đêm ngủ tại sân bay, đang hào hứng khám phá sân bay Hongkong và lo lắng cho đống đồ ký gửi không biết đi đâu về đâu.

4 tháng tăng lên 4 cân đã thấy vui chưa =)))), cứ coi như là béo lên sẽ xinh lên đi.

4 tháng thấy lớn lên nhiều. Mặc dù nhớ nhà vẫn khóc, thái hành cay mắt cũng chảy nước mắt, đôi lúc vẫn thấy cô đơn giữa đám đông và lạc lõng giữa đám bạn ở lớp, lâu lâu vẫn thấy tự ti chỉ muốn biến mất.

Bài này mình sẽ viết về những sai lầm trong suy nghĩ của cá nhân mình cũng có thể là của nhiều người trước khi đi du học. Đây là những trải nghiệm của mình về cuộc sống ở bên này, công việc, tài chính, du lịch và bạn bè.

Du học sinh có 4 giai đoạn: honey moon (mọi thứ đều mới mẻ, lạ lẫm và hay ho), khủng hoảng (bắt đầu cảm thấy mọi thứ không được như ý, nhớ nhà, khác biệt văn hóa, mất tự tin), thời kỳ nỗ lực thích ứng, kết quả là sẽ hòa nhập được hay không. Và khi quay lại Việt Nam sẽ có thêm 1 giai đoạn nữa là sock văn hóa ngược. Hiện tại mình đang ở giữa thời kỳ khủng hoảng và nỗ lực thích ứng.

1. Muốn đi du học là để đi du lịch/đi chơi là chính ấy mà

Hoàn toàn không phải, so với tự đi du lịch và việc đi du học, đi du học tốn nhiều tiền hơn rất nhiều: từ học phí, bảo hiểm, thuê nhà, chi phí sinh hoạt không hề rẻ. Nếu đã xác định đi du học thì bạn phải xác định mục đích chính sang đây để học, và thực hiện/sắp xếp được mục đích chính rồi mới đến các việc khác.

Thứ hai, du học sinh sang đây đủ thứ để lo, chi phí ăn ở ở đây quá cao, đối với những nhà không quá điều kiện và dư giả thì không có tiền mà đi du lịch ấy chứ. Mỗi lần bố mẹ đưa tiền là phải đưa cả trăm triệu, mỗi tháng tiêu hơn chục triệu, mà đó không phải tiền của bạn kiếm ra mà tiền mồ hôi, công sức của bố mẹ, bạn có dám dùng tiền ấy để mà đi chơi, đi du lịch không trong khi bản thân còn lo chưa xong.

Thứ ba, vào năm học, lịch học, làm tiểu luận, lịch thi chồng chéo, không còn thời gian mà đi du lịch nữa. Mặc dù, mình cũng đi khá nhiều nơi, và có tự đùa mình là du lịch sinh thì cuộc sống bên này cũng như việc đi du lịch vẫn chưa bao giờ là dễ dàng.  Khi vào năm học, bạn bè đều bận học và điều kiện kinh phí để đi du lịch hầu hết đều khó khăn nên rất khó có thể rủ được bạn bè đi du lịch cùng.

4 tháng ở Pháp và những nhầm lẫn khi nghĩ về du học - 2

2. Dễ kiếm việc làm, lương cao. Có thể tự chi trả kinh phí bản thân/trả nợ/gửi tiền về nhà

Không hề dễ dàng. Mình ở Nice, thành phố du lịch lớn thứ 2 nước Pháp, chỉ sau Paris, có rất nhiều nhà hàng, dịch vụ dành cho khách du lịch, là nơi dễ xin việc hơn rất nhiều so với các thành phố khác. Nhưng thực tế thì không hề dễ như những gì mình đã tưởng tượng.

Đối với những bạn mới sang, tiếng pháp chưa thành thạo, xin việc rất khó. Ở Việt Nam, mình có bằng DELF B2 tiếng Pháp, điểm cũng không tồi. Nhưng sang đây, mình thấy bằng đấy chẳng có ích gì, vì chắc có DELF C1 thì mới không bỡ ngỡ và có thể giao tiếp được ổn với bên này. Nếu bạn giao tiếp không ổn, đừng mong sẽ được nhận vào làm phục vụ bàn.

Mình học tiếng Pháp và sang Pháp thì sẽ dễ dàng hơn những người học tiếng Anh và sang Pháp rất nhiều, vì người Pháp đa phần không giỏi và rất ngại nói tiếng Anh, đó chính là rào cản lớn để xin việc tại Pháp nếu không biết tiếng Pháp.

Vào mùa đông, khách du lịch giảm bớt, thêm vào tình hình an ninh của Pháp hiện nay bất ổn do vụ khủng bố đánh bom 13/11 vừa rồi, các nhà hàng đến mùa đông cũng sẽ cắt giảm biên chế hoặc không tuyển phục vụ bàn. Ở Pháp, người dân bản địa còn khó xin việc, vậy các bạn mới sang đừng mong mọi chuyện sẽ quá dễ dàng với mình.

Và tất nhiên, xin việc làm thêm là khó, nhưng không phải bất khả thi. Bằng chứng là hiện tại mình đang có 3 công việc cũng khá ổn ở bên này: đó là dắt chó đi dạo, nhân viên KFC và đi thực tập. Mình đã xin việc như thế nào ? Đối với dắt chó đi dạo, vẫn phải nộp CV, mất tiền cho trung tâm việc làm trên mạng để có được số điện thoại của chủ chó và trải qua phỏng vấn, nhiều đối thủ hơn các công việc ở Việt Nam.

Đối với KFC, trước đó, mình đã cầm CV đi rải khắp nhà hàng, đưa tận tay người quản lý của các nhà hàng và bị từ chối không ít, vì người ta không cần tuyển, nhà hàng quy mô nhỏ, quy mô gia đình, không cần tuyển, không thích tuyển người nước ngoài.

Việc cầm CV đi rải từng nhà hàng, lúc đầu mình cũng cảm thấy ngại và có ảnh hưởng 1 chút đến lòng tự trọng của mình vì hồi ở Việt Nam, mình chưa bao giờ phải đi làm nhà hàng và cầm CV đến tận nơi xin như thế này. Nhưng mọi việc trải qua rồi thì thấy cũng bình thường và việc gì thì cũng sẽ học tập được nhiều thứ.


Trang hiện đang là phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Nice.

Trang hiện đang là phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Nice.

3. Không chơi với người Việt. Chỉ chơi với người Pháp để còn học tiếng

Đây là suy nghĩ cực kỳ sai lầm của mình khi mới sang. Khoảng thời gian đầu, mình ngồi thu lu trong phòng, không đi đến đâu vì không biết đi như thế nào, ở chung nhà với các bạn Trung Quốc cũng không dám nhờ người ta dẫn đi.

Nếu không có các bạn người Việt thì mình không biết nhiều được như ngày hôm nay, hướng dẫn đi lại, giấy tờ và sau đó, mình lại tiếp tục hướng dẫn các bạn khác mới sang. Chỉ là ở xa quê thế này, cùng quê thì hiếm gặp nên cần biết trân trọng và giúp đỡ lẫn nhau.

Đối với mình, trong khoảng thời gian đầu, nếu không chơi với người Việt thì chẳng ai chơi với mình, khác biệt về văn hóa giữa người Việt và Pháp rất lớn, mất 1 khoảng thời gian để có thể hòa nhập. Và 1 bác Việt kiều sau này đã giới thiệu cho mình 1 chỗ thực tập, chẳng có lý do gì mà không chơi với người Việt cả, trong khi đây là lực lượng sẽ giúp đỡ thực sự khi bạn gặp khó khăn nhất.

Không tham gia hội sinh viên vì thấy phí thời gian: Sai lầm. Bởi vì, nếu không tham gia hội sinh viên, trong thời gian rảnh đó bạn sẽ làm gì ? Nếu bạn đi làm, học bài sẽ là điều tốt nhưng nếu bạn dành thời gian đi ngủ, xem phim vậy bạn có quyền nói lên “phí thời gian” không ? Bạn đang có nhiều điều kiện hơn rất nhiều người khác, nên cần biết tận dụng nó. Trên hết, nếu sau này muốn trở về Việt Nam, cộng đồng sinh viên bên này chính là alumni sáng giá- có rất nhiều mối quan hệ sẽ giúp được cho công việc của bạn sau này.

Cuối cùng, mình luôn quan niệm rằng cái gì cho đi, nhất định sẽ được nhận lại một cái gì đó, hội sinh viên bên này đã đem lại cho mình bạn bè- những người nhất định sẽ xuất hiện khi mình gặp khó khăn, những người lúc nào cũng giục mình phải giao tiếp với người Pháp nhiều hơn nữa; học cách viết hồ sơ tài trợ; học tư duy ở bên này. Cho đi và nhận lại cũng là do cách nhìn của mỗi người, không quá so đo được-mất, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều (và gặp nhiều may mắn như mình)

Về bạn bè Pháp, hồi ở Việt Nam, mình có rất nhiều bạn bè Pháp. Nhưng người Pháp khi ở Việt Nam, mình là chủ nhà, họ là khách, khác với người Pháp khi ở Pháp. Người Pháp ở bên này, ở vùng miền Nam và Nice nơi mình đang sống thì bên ngoài hơi lạnh lùng một chút và khó để tiếp cận, để thân thì càng khó hơn, và chuyện bất đồng ngôn ngữ-văn hóa không thể giải quyết trong một sớm, một chiều.

4. Cưa trai/gái Tây

Khó. Bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hóa.

Bên này trai xinh, gái đẹp nhiều vô kể. Quan niệm cái đẹp ở Việt Nam như thế nào thì sẽ thấy tất cả điều đó ở đây: mũi cao, nhỏ, dáng người cao, mắt to, lông mi cong,… Nhưng vấn đề ở chỗ làm sao để nói chuyện với họ và có một cuộc nói chuyện thú vị.

Giờ mới thấy thấm câu của duhocsinhmy: nếu bạn nghĩ rằng bạn mình giỏi tiếng Anh, thì bạn phải làm được việc tán đổ được 1 em Mỹ. Nếu chưa làm được thì chưa giỏi như bạn tưởng (haha).

5. Du học sinh “đi hay về”

Dạo gần đây, báo chí nước nhà, hot blogger nước nhà tự dưng lại có trào lưu viết về du học sinh, đưa ra những lời khuyên nên đi, hay nên ở. Mình thì không quan tâm lắm, tại sao phải tranh cãi về chuyện này, vì có thêm mấy bài này cũng chẳng ảnh hưởng đến quyết định đi hay ở của mình.

Về thì dễ, ở mới khó. Những người trong nước hình như đang có 1 sự ảo tưởng về khả năng của du học sinh bên này. Khi đi học ở một nước không phải tiếng mẹ đẻ của mình, học cùng với người bản xứ, để hòa nhập được không phải điều dễ dàng, sang bên này, mình đã chứng kiến du học sinh Việt học không theo kịp lớp, đúp 1,2 năm là chuyện bình thường.

Không phải ai học cũng giỏi, thành tích đứng thứ 1,2 ở trường như báo chí đưa, đó phần lớn là các bạn Việt kiều sống bên này từ nhỏ, có khi tiếng Việt còn không biết nói. Du học sinh sang đây học hành chật vật hơn ở nhà gấp trăm lần.

Phần lớn du học sinh đều có điều kiện gia đình ở Việt Nam đều có thể gọi là khá giả hơn bình thường. Khi về nhà, có bố mẹ, gia đình chống đỡ, có bằng có giá trị khi về Việt Nam. Muốn ở lại bên này, phải chật vật xin việc, cạnh tranh với người bản địa và tình hình kinh tế khó khăn sẽ bị sa thải lúc nào không hay.

Mình cũng lờ mờ nhận ra rằng, nếu ở lại Pháp thì mình khó có thể làm được công việc mình thích, việc thăng tiến trong công việc sau này là chuyện khó hơn. Và tất nhiên là khó, chứ không phải là không thể.

Người lựa chọn ở lại sẽ đối mặt với nỗi cô đơn, khi phần lớn những người xung quanh đều trở về (mình không biết du học sinh ở chỗ khác thế nào, nhưng ở Pháp phần lớn đều trở về, trong khi Pháp không phải là một nước có chính sách nhập cư khắt khe như Anh, Mỹ), cố gắng gấp trăm lần so với người trở về.

Báo chí trong nước hay đề cập đến tình hình an toàn thực phẩm và tỉ lệ mắc ung thư ở Việt Nam như 1 cái cớ để không quay về. Nhưng chúng ta hay đọc thông tin mà ít khi kiểm chứng, Việt Nam chưa bao giờ đứng trong top những quốc gia có tỉ lệ mắc ung thư cao ở trên thế giới cả.

Chúng ta không chịu làm việc, thời gian trên mạng quá nhiều, thời gian dành cho sợ hãi cũng quá nhiều. Quốc gia nào cũng có mặt tốt và mặt xấu, không có ở đâu là hoàn hảo hay thiên đường.

Một du học sinh sẽ rất khó khăn để có thể ở lại tại một đất nước không phải nơi mình sinh ra, không phải muốn ở là ở được, vậy người ở nhà còn việc gì khác ngoài lên mạng bàn tán chúng tôi nên về hay nên ở hay không ? Vì sau cuộc tranh luận/chuyện phiếm này đâu có ảnh hưởng gì đến quyết định của du học sinh.

Viết đến đây thì cũng đã muộn rồi, mình cần đi ngủ để cả ngày mai ở lớp thật tỉnh táo, mình sẽ update tiếp vào bài này hoặc sẽ có một bài khác về những suy nghĩ sau 5 tháng du học chẳng hạn.”

Một số hình ảnh và chia sẻ của Thu Trang tại Pháp:


Trang tại quảng trường Masséna, trung tâm của thành phố Nice. Đằng sau là tượng thần mặt trời Apollo, là nơi hẹn lý tưởng mỗi khi cần tập trung đông người và ở trung tâm.

Trang tại quảng trường Masséna, trung tâm của thành phố Nice. Đằng sau là tượng thần mặt trời Apollo, là nơi hẹn lý tưởng mỗi khi cần tập trung đông người và ở trung tâm.


Lấm lem bột màu khi đi tình nguyện tại Color Azur là 1 kiểu giống như Color Me Run ở nhà

Lấm lem bột màu khi đi tình nguyện tại Color Azur là 1 kiểu giống như Color Me Run ở nhà


Tưởng niệm vụ khủng bố 13/11 tại Lyon ngày 14/11/2015

Tưởng niệm vụ khủng bố 13/11 tại Lyon ngày 14/11/2015


Nghề dắt chó đi dạo ở bên này. Kiếm không nhiều lắm, nhưng vì mình cũng thích chó và cảm thấy làm nghề này rất vui còn được chủ cún quý và tin tưởng.

Nghề dắt chó đi dạo ở bên này. Kiếm không nhiều lắm, nhưng vì mình cũng thích chó và cảm thấy làm nghề này rất vui còn được chủ cún quý và tin tưởng.


Không khí Noel ở Nice

Không khí Noel ở Nice

Trần Thu Trang

(Từ Nice, Pháp)