9X từng trượt môn ĐH giành 3 suất học bổng toàn phần thạc sĩ Mỹ

(Dân trí) - Có “tiền sử rớt môn” ở đại học, các điểm chuẩn hóa lại chỉ ở mức vừa đủ nhưng nhờ đam mê nghiên cứu ứng dụng điện tử vào năng lượng tái tạo và kinh nghiệm làm kỹ sư nghiên cứu phát triển giải pháp năng lượng xanh, Vĩnh Khương đã thực hiện được giấc mơ du học Mỹ.

Thông tin cá nhân

Họ và tên: Nguyễn Vĩnh Khương

Sinh năm: 1992

Tốt nghiệp Chương trình Tiên Tiến ngành Điện - Điện Tử (Khóa 2010 – 2014), Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh

Thành tích cá nhân:

- Giấy khen của Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa năm 2014

- Giấy khen của Bí thư Đoàn Trường Đại học Bách Khoa năm 2013

- 6 lần đạt học bổng khuyến khích học tập trong các học kì chuyên ngành

- Học bổng toàn phần thạc sĩ tại Đại học Seoul National University of Science and Technology (SeoulTech) và Đại học National Taiwan University of Science and Technology (NTUST)

- Nghiên cứu sinh cao học tại University of Arkansas, Hoa Kỳ theo chương trình học bổng toàn phần VEF Fellowship 2016 của Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation – VEF)

- Từng là trợ giảng Chương trình Tiên tiến tại Đại học Bách Khoa TP.HCM.


Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, Khương trở thành kỹ sư nghiên cứu phát triển giải pháp năng lượng xanh trước khi giành học bổng du học Mỹ.

Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, Khương trở thành kỹ sư nghiên cứu phát triển giải pháp năng lượng xanh trước khi giành học bổng du học Mỹ.

Giấc mơ một ngày bước ra thế giới học tập những điều mới mẻ có từ khi học phổ thông, tuy nhiên vì điều kiện gia đình không cho phép, Vĩnh Khương đành chờ thời cơ của riêng mình.

Khi trúng tuyển vào chương trình Tiên tiến ngành Điện - Điện tử của ĐH Bách Khoa TP.HCM, Khương may mắn được học và làm việc với nhiều thầy cô có chuyên môn cao đã học tập ở nước ngoài trở về và cả các giáo sư đến từ đại học Illinois Urbana-Champaign (UIUC), Hoa Kỳ.

Giấc mơ ngày nào tiếp tục quay lại đầy thôi thúc và Khương lựa chọn thời điểm sau tốt nghiệp ĐH để du học vì cậu cho rằng đó là thời điểm bản thân đủ nội lực để bước ra thế giới.

Nhận thấy Mỹ và các nước châu Âu thường không “mặn mà” cấp học bổng bậc thạc sĩ cho sinh viên bởi với thời gian 2 năm học, chàng trai 9X biết mình chỉ có thể tìm cơ hội bằng cách đi theo hướng nghiên cứu.

“Với những nước như Mỹ, họ chắc chắn rất thực dụng. Có nghiên cứu thì tức là sẽ có làm được một cái gì đó như họ mong muốn, chứ chẳng ai dại gì giao tiền cho một người mà chỉ sang Mỹ học cho đủ giờ để thi tốt nghiệp rồi cầm tấm bằng trở về nước và chưa đóng góp được gì cho họ cả”, Vĩnh Khương lý giải.

Tiếp sau đó, anh chàng chọn nộp hồ sơ chương trình học bổng VEF (Vietnam Education Foundation) của Chính phủ Hoa Kỳ dành riêng cho sinh viên ngành STEMM (Khoa học - Công Nghệ - Kỹ Thuật - Toán Học - Y Khoa) theo học sau đại học tại các trường đại học hàng đầu tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, nhìn lại bộ hồ sơ đã từng rớt 3 môn ở bậc đại học; điểm trung bình chỉ vừa đủ 7.01, (điểm chuẩn để nộp hồ sơ VEF là 7.0/10), IELTS vừa đủ 6.5 và GRE cũng chỉ lại…vừa đủ 294 (điểm chuẩn là 290), Khương đã có lúc hoang mang vì rõ ràng sự “vừa đủ” đó khó lòng cạnh tranh với các ứng viên xuất sắc đa phần là “vua bất bại” trong học tập.


Nghiên cứu sinh cao học tại University of Arkansas, Hoa Kỳ theo chương trình học bổng toàn phần VEF Fellowship 2016.

Nghiên cứu sinh cao học tại University of Arkansas, Hoa Kỳ theo chương trình học bổng toàn phần VEF Fellowship 2016.

Một lần nữa, Khương biết mình phải chọn hướng đi riêng, đó là thực hiện nghiên cứu khoa học. Nhờ có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học về các đề tài ứng dụng điện tử công suất vào năng lượng tái tạo (Power electronics applications in Renewable energy), cậu đã thuyết phục được các giáo sư của VEF lựa chọn mình trở thành ứng viên chính thức của quỹ học bổng này.

Vì định hướng theo đuổi nghiên cứu khoa học nên trong bài luận, chàng trai Việt chủ yếu chia sẻ về mảng học thuật.

“Tôi kể về lần đầu tiên được làm trợ giảng cho giáo sư Alvarez đến từ đại học Illinois, lời khuyên của thầy về nghiên cứu khoa học, sau đó là quá trình tôi làm luận văn tốt nghiệp cũng như nghiên cứu khoa học tại khoa Điện – Điện tử ở trường.

Kế đến là kinh nghiệm làm kỹ sư nghiên cứu phát triển giải pháp năng lượng sạch của tại một doanh nghiệp hàng đầu về mảng năng lượng xanh tại Việt Nam trong 1 năm rưỡi”, Khương chia sẻ.

Khương lưu ý, học bổng du học Mỹ thường đòi hỏi ứng viên phải có tiềm năng lãnh đạo (Leadership), mà tiềm năng này được xây dựng nên từ cả một quá trình tham gia hoạt động ngoại khóa, không phải “ngày một ngày hai” nên các ứng viên liệt kê hết các hoạt động này vào hồ sơ xin học bổng.

Để tăng tính thuyết phục, anh chàng không quên trình bày mong muốn của mình ở ngôi trường mới – University of Arkansas, về định hướng nghiên cứu, về giáo sư mong muốn được làm việc cùng và cuối cùng là sự cam kết khi được nhận vào học tại trường với tư cách là một ứng viên từ quỹ học bổng VEF.


Khương và bố mẹ trong ngày nhận học bổng của quỹ VEF.

Khương và bố mẹ trong ngày nhận học bổng của quỹ VEF.

Học bổng này có thể xem là sự chia sẻ giữa quỹ học bổng VEF và đại học Arkansas (Hoa Kỳ). Tổng học bổng trong một năm Vĩnh Khương nhận được là gần 48.000 USD bao gồm toàn bộ học phí, bảo hiểm, vé máy bay và thù lao hàng tháng để chi trả sinh hoạt phí, tiền nhà ở.

Ngoài University of Arkansas, chàng trai Việt còn được nhận học bổng có giá trị xấp xỉ tương đương từ Mississippi State University và University of North Carolina at Charlotte.

Chăm chỉ, cầu thị cùng đam mê với nghiên cứu khoa học, Khương được giáo sư hướng dẫn quý mến tin tưởng. Vị giáo sư này muốn chờ đợi kết quả của chàng trai Việt ở bậc thạc sĩ thế nào để quyết định cấp tiếp học bổng cho anh chàng học lên bậc tiến sĩ.

Mong muốn của chàng trai 9X là tiếp tục theo đuổi tiến sĩ ngành Điện – điện tử vì Khương có ước mơ được trở thành một giảng viên trong lĩnh vực điện tử công suất và năng lượng xanh, một lĩnh vực mới mẻ nhưng đầy triển vọng phát triển tại Việt Nam trong tương lai không xa.

“Mỗi người đều có điểm mạnh – điểm yếu riêng của mình, các bạn đừng tự ti vì bộ hồ sơ “vừa đủ” của mình.

Điều ta cần là sự khác biệt, một sự khác biệt có thể thuyết phục nhà trường chọn ta. Mà sự khác biệt đó chẳng ai có thể sao chép hoặc bắt chước bạn, vì chỉ có bạn thực sự biết nó là gì mà thôi”, Khương chia sẻ.

Lệ Thu

Ảnh: NVCC