An toàn giáo dục

(Dân trí) - Trong dinh dưỡng học, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm gì cũng không tốt cho sức khoẻ. Giáo dục cũng thế, làm gì quá mức cũng không hay… Sao có khẩu hiệu "An toàn thực phẩm" mà không có khẩu hiệu "An toàn giáo dục" nhỉ?

Báo Dân trí xin được đăng nguyên văn bài viết của anh Trương Phạm Hoài Chung, hiện đang làm Thạc sĩ Chính sách giáo dục tại Đại học Harvard về vấn đề an toàn giáo dục:


Tác giả Hoài Chung bày tỏ góc nhìn khi các quan điểm giáo dục không mới nhưng “đi ngược” cách làm của nhiều phụ huynh đang rộ lên.

Tác giả Hoài Chung bày tỏ góc nhìn khi các quan điểm giáo dục không mới nhưng “đi ngược” cách làm của nhiều phụ huynh đang rộ lên.

Giáo dục là chủ đề luôn được quan tâm trên Facebook, và càng nghiên cứu càng thấy ngành này giống ngành dinh dưỡng học.

Có chuyên gia bảo ăn cái này tốt, uống cái kia có hại, nhưng cuối cùng lời khuyên sáng suốt nhất cho mọi người (kể cả bà bầu) là ăn uống điều độ, đủ chất, cân bằng. Hơn nữa, cũng tuỳ vào thể trạng và sở thích của mỗi người mà có chế độ ăn uống cho phù hợp: ăn thêm, ăn bớt chất gì, tập thể dục ra sao...

Dạo này rộ lên những quan điểm giáo dục cũng không mới mẻ, nhưng đi ngược với cách làm của nhiều phụ huynh:

- Để con tự do phát triển

- Không nên quan trọng điểm số đánh giá

- Không nên so sánh con với những đứa trẻ khác

- Không nên chạy đua vào trường danh tiếng

Những cái như điểm số, giải thưởng, trường Top không phải xuất hiện sau một đêm mà có bề dày lịch sử dựa trên nhu cầu giáo dục trong quá khứ. Phủ nhận sự cần thiết của những thước đo năng lực này không làm cho một đứa trẻ vững vàng hơn khi bước vào đời sống xã hội thực, nơi mà sự cạnh tranh luôn khốc liệt dựa trên những tiêu chuẩn có sẵn. Ai không theo kịp thì bị đào thải, dù bạn có làm nhân viên cấp thấp hay ông chủ doanh nghiệp hay hoạt động tự do.

Hợp lý hơn có lẽ là xem việc giáo dục như chọn lựa thực đơn ăn uống sao cho đầy đủ và cân bằng:

- Phát triển tự do, nhưng toàn diện

- Điểm số thành tích không quan trọng, nhưng điểm thấp hoài thì phải xem lại mình có đang học được cái gì với thời gian mình bỏ ra không

- So sánh để dìm hàng đứa trẻ là không tốt, nhưng so sánh để biết người khác có thể làm được gì với cùng quỹ thời gian để giúp trẻ nhìn lại cách quản lý thời gian của mình là một điều cần làm

- Trường Top có những cái lợi thế đi kèm với danh tiếng mà những trường khác phải cạnh tranh để xây dựng. Đây là sự thật. Nhưng tất nhiên chọn trường phù hợp với năng lực là điều đáng lưu tâm.

Trong dinh dưỡng học, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm gì cũng không tốt cho sức khoẻ. Giáo dục cũng thế, làm gì quá mức cũng không hay.

Và mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt, việc ăn - việc học cũng không thể quy đồng.

Sao có khẩu hiệu "An toàn thực phẩm" mà không có khẩu hiệu "An toàn giáo dục" nhỉ?

Trương Phạm Hoài Chung

(Thạc sĩ Chính sách giáo dục, Đại học Harvard)