Bỏ Tết cổ truyền để hội nhập với thế giới?

(Dân trí) - Theo Ngô Di Lân, chàng trai Việt đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ cho rằng các luận điểm mà nhiều người dựa vào đó ủng hộ việc xóa sổ Tết ta hoặc gộp Tết tây với Tết ta nếu xét kỹ đều không thuyết phục.

Năm hết, Tết đến, cũng là một lần nữa chúng ta lại cùng “đánh vật" với một câu hỏi vô cùng hóc búa: liệu có nên bỏ Tết cổ truyền để hội nhập với thế giới hay không? Có vẻ như ngày càng có nhiều người cho rằng chúng ta nên gộp Tết tây với Tết ta làm một để tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất làm việc. Với họ, bỏ Tết ta là một việc làm hợp thời, hợp thế. Mặc dù là một người trẻ và là một du học sinh nhưng tôi không đồng tình với quan điểm này.


Tác giả bài viết Ngô Di Lân - nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Brandeis, Hoa Kỳ.

Tác giả bài viết Ngô Di Lân - nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Brandeis, Hoa Kỳ.

Theo tôi hiểu thì những người ủng hộ phương án xóa sổ Tết cổ truyền thường dựa vào mấy luận điểm chính như sau. Thứ nhất, vì nghỉ Tết rất dài nên làm giảm năng suất làm việc, làm lỡ mất thời cơ kinh doanh, giao thương với những nước không nghỉ Tết như ta. Thứ hai, nghỉ Tết làm ảnh hưởng đến vụ lúa đông-xuân của người nông dân, gây ảnh hưởng về mặt kinh tế. Thứ ba, nghỉ Tết gây gián đoạn và ảnh hưởng tiêu cực tới việc học tập của học sinh-sinh viên. Cuối cùng, Tết tạo điều kiện cho người dân ăn chơi nhậu nhẹt.

Nói tóm lại thì nghỉ Tết ta có thể có ý nghĩa về mặt tinh thần nhưng quá tốn kém về mặt thời gian và tiền bạc, lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Nếu đúng như vậy thật thì có lẽ cũng nên xem xét gộp hai cái Tết vào làm một. Tuy nhiên nếu xem xét những luận điểm này kĩ thì đều thấy chúng không thuyết phục.

Thứ nhất, nghỉ Tết không có nghĩa là cuộc sống xung quanh bạn đóng băng. Giờ nhiều khi ngày mùng 1 cũng đầy các loại hang quán vẫn mở, cuộc sống vẫn nhộn nhịp như thường. Nói cách khác, nghỉ Tết không có nghĩa là không thể giao thương buôn bán với nước ngoài. Có luật nào cầm chúng ta làm việc trong ngày tết đâu? Trong thời buổi công nghệ thông tin hiện đại ngày nay thì bạn cũng không nhất thiết phải lên cơ quan mới làm việc được nếu thật sự cần có việc gì đó phải giải quyết. Kể cả nghỉ Tết có tổn thất về mặt kinh tế đi nữa thì chúng ta cũng đừng quên rằng dịp Tết cũng là dịp người dân đi mua sắm rất nhiều. Có anh bạn của mình thậm chí còn nhận xét rằng dịp Tết ở nhà không khác gì mấy ngày lễ mua sắm “Black Friday” ở Mỹ. Nếu đúng vậy thật thì kể cả về mặt kinh tế, chưa chắc Tết đã có hại nhiều hơn có lợi. Cũng đừng quên rằng một trong những nước cũng có truyền thống nghỉ Tết nguyên đáng giống Việt Nam là Trung Quốc hiện đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Có vẻ như việc nghỉ Tết không ảnh hưởng đến việc giao thương buôn bán với nước ngoài của Trung Quốc cho mấy?

Thứ hai, tôi cho rằng những người ủng hộ phương án bỏ Tết ta đang thổi phồng lợi ích của việc bỏ kì nghỉ lễ này. Họ cứ nói như thể chuyện thành bại trong kinh doanh hay mọi thứ phụ thuộc vào mấy ngày nghỉ Tết. Không biết các bạn nghĩ sao nhưng tôi nghĩ một người nhân viên mà sáng chín giờ mới mò đến cơ quan xong lại ra cà phê cà pháo đến gần trưa mới quay về cơ quan, ngồi chưa ấm chỗ đã lại bỏ đi ăn trưa thì việc họ nghỉ bớt hay thêm vài hôm cũng chẳng thay đổi điều gì. Ý của tôi ở đây là nếu chúng ta có những thói quen làm việc không hiệu quả thì việc nghỉ thêm bớt mấy hôm không ảnh hưởng đến hiệu suất công việc đáng kể.

Thứ ba, chuyện gây gián đoạn đến việc học tập thì tôi xin nói luôn là ở các nước phương Tây, việc học sinh – sinh viên được nghỉ ba bốn tuần vào dịp lễ Giáng Sinh là điều hết sức bình thường. Từ trải nghiệm của cá nhân tôi thì sau kì nghỉ các bạn sinh viên thường trở lại với tinh thần hăng hái, phấn chấn hơn, có nhiều động lực để học tập hơn chứ không rệu rã như đợt cuối năm trước kỳ nghỉ. Hơn nữa, nghỉ học không có nghĩa là chỉ ở nhà, ăn với ngủ. Tôi biết rất nhiều bạn dùng quãng thời gian được nghỉ để làm rất nhiều việc có ích như đi du lịch khám phá, học một ngoại ngữ mới, tham gia vào một dự án thiện nguyện, đóng những cuốn sách mà các bạn chưa có thời gian đọc trong năm, v.v… Nếu học sinh nghỉ hai tuần mà sau đó “chữ thầy trả thầy” hết thì đó là sự thất bại của các thầy cô và nền giáo dục, xin đừng đổ lỗi cho ngày Tết!

Còn đúng là tôi chưa bao giờ vác cuốc ra ngoài đồng thật nên cũng không dám nói thay người nông dân. Nhưng tôi tin rằng nếu họ thấy thật sự nghỉ Tết dài quá mà ảnh hưởng đến vụ lúa của họ thì họ cũng tự biết điều chỉnh sao cho phù hợp chứ nhà nước đâu có ra luật nào buộc người nông dân phải ở nhà không được ra ngoài đồng trong ngày Tết đâu.

Cuối cùng, nói về chuyện cờ bạc rượu chè thì tôi thấy luận điểm này nó nực cười vì những người như bố mẹ tôi cả đời không đánh ván tá lả nào thì Tết hay không họ vẫn không đụng vào cờ bạc còn những ông bợm nhậu, những con bạc khát tiền thì ngày nào chẳng như ngày nào, cần gì phải chờ đến Tết?

Tôi không phải nhà nghiên cứu văn hóa cũng không phải là sử gia nên tôi không dám chắc Tết có phải “quốc hồn quốc túy” hay không và Tết đã du nhập vào Việt Nam từ mấy thế kỷ trước. Tôi nhìn Tết từ góc nhìn của một người bình thường và tôi thấy Tết là một dịp để gia đình sum vầy đầm ấm bên nhau. Tết đem lại cho người ta cảm giác ấm áp, sum vầy không phải vì đến Tết thì người thân trong gia đình mới gặp nhau, mới yêu thương nhau mà bởi Tết không chỉ là một ngày lễ, nó là một ý niệm, một cảm xúc trong tim của mỗi chúng ta. Tết đến khiến cho chúng ta nhớ đến cái cảm giác được ngồi gói bánh chưng với cả nhà, khiến chúng ta nhớ đến cái cảm giác ngồi sau yên xe của mẹ khi đi chọn cành đào, cành quất. Tết giúp chúng ta nhớ mình là ai, mình đến từ đâu, gia đình của mình ở đâu. Tôi biết chắc rằng dù một ngày kia chúng ta có quyết định bỏ Tết đi chăng nữa thì chúng ta vẫn sẽ tồn tại, người Việt Nam và đất nước Việt Nam vẫn sẽ còn đó. Nhưng mỗi người trong chúng ta sẽ mất đi điều gì đó trong tim mình.

Tôi không nghĩ rằng những người đề xuất bỏ Tết nguyên đán họ có ác ý gì cả. Thậm chí tôi nghĩ rằng ít nhất phần lớn trong số họ là những người luôn mong muốn cho đất nước tốt đẹp hơn. Nhưng tôi cho rằng họ đang vô tình đánh đồng hai thứ khác nhau đấy là ngày Tết và cách mà chúng ta nghỉ Tết. Chúng ta có thể nghỉ ngắn đi một đôi ngày, chúng ta có thể bớt ăn nhậu đi một chút, chúng ta có thể dành thời gian nghỉ Tết một cách có hiệu quả hơn một chút, đó là những sự điều chỉnh mà mỗi cá nhân chúng ta đều có thể thực hiện ngay Tết này. Nhưng điều đó không yêu cầu phải xóa sổ Tết cổ truyền của dân tộc.

Mong lắm một ngày được về nhà ăn Tết với bố mẹ và cả nhà!

Ngô Di Lân

(Nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Brandeis, Hoa Kỳ)