Bốn bài luận ấn tượng nhất năm 2017 của du học sinh Việt

(Dân trí) - Với rất nhiều bạn trẻ có ý định du học Mỹ, viết luận luôn là phần đau đầu và tốn thời gian nhất bởi bài luận được ví là “linh hồn” của bộ hồ sơ, giúp ứng viên ghi điểm với hội đồng tuyển sinh các trường đại học. Dưới đây là 4 bài luận ấn tượng nhất năm 2017 của các bạn du học sinh Việt.

Bài luận về chiếc áo ngực

Năm 2017 vừa qua, cộng đồng hỏi đáp lớn nhất thế giới Quora “xôn xao” chia sẻ một bài luận vô cùng đặc biệt của nữ sinh gốc Việt – Tô Mỹ Ngọc. Đó cũng chính là bài luận giúp Ngọc đỗ vào ĐH Harvard danh tiếng. Trong bức thư mời nhập học, đại diện của Đại học Harvard đã viết: "Tôi thực sự thích đọc bài tiểu luận về áo ngực của bạn".

Bài luận mở đầu: "Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên mình mặc áo ngực. Khi ấy tôi học lớp 5, tôi vừa từ trường về thì mẹ đưa cho tôi một miếng vải màu trắng để mặc bên trong áo sơ mi.

“Bây giờ con đã là một cô gái lớn”, mẹ nói. “Con cần phải mặc cái này”. Và từ giây phút ấy, cuộc sống của tôi đã thay đổi mãi mãi.

Cũng cùng năm ấy, tôi được dạy rằng một ngày nào đó mặt trời sẽ chết. Và khi cảm nhận sức ép từ thứ vải dưới lớp áo của mình, tôi nhận ra rằng tuổi thơ của tôi, cuối cùng cũng sẽ tan biến như mặt trời vậy”.

Tô Mỹ Ngọc - cô gái gốc Việt gây sốt cộng đồng hỏi đáp Quora năm 2017 với bài luận về chiếc áo ngực từng giúp cô đỗ Harvard.
Tô Mỹ Ngọc - cô gái gốc Việt "gây sốt" cộng đồng hỏi đáp Quora năm 2017 với bài luận về chiếc áo ngực từng giúp cô đỗ Harvard.

Tô Mỹ Ngọc kể về những chiếc áo ngực từ đầu tiên, rồi thứ hai, thứ ba, và chiếc thứ tư - loại áo ngực trưởng thành mà mẹ vẫn thường mặc. Với mỗi chiếc áo mới, cô lại loại đi những chiếc áo cũ. Và ở góc sâu nào đó trong tủ quần áo tối tăm của cô, có một đống những chiếc áo ngực cũ - những sợi vải đã sờn bị bỏ rơi. Trước đây, chúng từng rất rực rỡ khi còn là món đồ hữu dụng; nhưng rồi dần phai mờ khi trở thành những thứ đồ cũ thừa thãi của quá khứ.

Kết lại bài luận, cô thôi băn khoăn buồn rầu vì những chiếc áo ngực cũ bị bỏ rơi ở xó tủ. Bởi lẽ, “những điều mới được tạo ra chỉ là sự tái hiện của quá khứ trong một hình thù, một hình thức khác để phù hợp với hiện tại. Khi mặc một chiếc áo ngực mới không có nghĩa là tôi đang vứt bỏ đi con người cũ của mình, mà là đang định hướng lại bản thân để thích ứng với những sự thay đổi”.

“Vì sao tôi tên Nguyễn Đình Tôn Nữ”?

Năm 2017, Nguyễn Đình Tôn Nữ (sinh năm 1999, cựu học sinh lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) đã phải thuyết phục ban tuyển sinh Đại học Harvard danh tiếng cấp học bổng "khủng" lên tới 7 tỷ đồng bằng bài luận mang tên chính mình.

9X Việt đã kể cho các vị giáo sư tại đại học Harvard nghe một câu chuyện khá thú vị, đó là vì sao cô mang tên "Nguyễn Đình Tôn Nữ".

Tôn Nữ gửi gắm ước vọng của bố mẹ và văn hóa người Việt qua bài luận về chính tên mình.
Tôn Nữ gửi gắm ước vọng của bố mẹ và văn hóa người Việt qua bài luận về chính tên mình.

"Nguyễn Đình là họ, Tôn Nữ là cháu gái. Tên mình nghĩa là người con gái của dòng họ Nguyễn Đình. Trong bài luận gửi đến Harvard mình viết về việc bố đặt tên mình là Tôn Nữ, không phải chỉ vì nó là một cái tên lạ, mà hơn thế, bố muốn gửi gắm mong ước rằng mình sẽ nối nghiệp của gia đình có nhiều đời là giáo viên và người có học. Suốt cuộc đời mình, mỗi lần tên "Nguyễn Đình Tôn Nữ" vang lên, mình sẽ được nhắc nhở rằng bất kể học được cái gì, đạt được cái gì, nó chỉ có ý nghĩa khi mình có thể phục vụ cộng đồng và đất nước", Tôn Nữ giải thích.

Chia sẻ về bài luận, Tôn Nữ nói: “Em viết với một văn phong không cầu kỳ, cố gắng đơn giản nhất có thể... Nguyễn Đình là họ, Tôn Nữ là cháu gái. Tên em nghĩa là người con gái của dòng họ Nguyễn Đình. Đây là nội dung bài luận Harvard của em.

Ngoài ra, một thông điệp khác mà em muốn gửi gắm trong bài luận này: Đời sống văn hóa của mỗi người Việt Nam nói riêng hay người Phương Đông nói chung được thể hiện từ những điều nhỏ nhất, có thể bắt đầu chỉ là những cái tên”.

Bài luận về cô bán vé số

Chưa từng đạt một giải thưởng học thuật nào trong suốt 12 năm đến trường, Nguyễn Hoàng Long (sinh năm 1999, học sinh lớp 12 trường Phổ thông Năng khiếu thuộc ĐHQG TP.HCM) vẫn được đại học New York, phân hiệu Abu Dhabi cấp học bổng lên đến 7 tỷ đồng trong năm 2017 vừa qua. Cậu được ban tuyển sinh đánh giá cao nhờ tấm lòng nhân hậu khi viết bài luận về cô bé kém may mắn mình gặp trước cổng trường.

Trong bài luận dài hơn 600 chữ, nam sinh 9X này đã hoá thân thành cậu bé lên 5 với những cảm xúc khi gặp một cô bé nghèo cùng tuổi nhưng phải bán vé số mưu sinh trước cổng trường. Hoàng Long chọn cách trải nghiệm cuộc sống qua chính đôi mắt và đó cũng là mở đầu cho bài luận của mình. Đôi mắt của thằng bé 5 tuổi bắt gặp cô bé bán vé số dưới mưa lạnh mùa thu để rồi tuôn trào những cảm xúc...

Bài luận về cô bán vé số giúp Hoàng Long chinh phục học bổng 7 tỷ đồng.
Bài luận về cô bán vé số giúp Hoàng Long chinh phục học bổng 7 tỷ đồng.

“Cặp mắt con nít của tôi chạm phải cô bé dưới làn mưa lạnh của mùa thu, đầu tôi choáng váng và tim tôi đập liên hồi như mọi lần tôi bắt gặp những người ăn xin với quần áo rách rưới và chân tay què cụt”, Long mở đầu bài luận của mình.

Hình ảnh cô bé nghèo ấy với cơ thể gầy gò, mái tóc lõa xõa cáu ghét, rong ruổi khắp các nẻo đường phố Sài Gòn, nhưng không thể giấu đi đôi mắt sáng, như những bông hoa rực rỡ trong một khu vườn đang hấp hối... được đưa vào bài luận thông qua cái nhìn của một câu bé lên 5.

Và mỗi ngày đến trường cậu bé ấy đều sẽ bước qua cô bé bán vé số mà chẳng làm bất cứ việc gì nhưng cảm thấy tội lỗi đã gặm nhấm lương tâm mình.

Rồi một ngày, cậu bé đã lấy hết can đảm, bước lại cô bé, hít thật sâu và nở một nụ cười. Cả hai cùng nói chuyện hồn nhiên với niềm vui đong đầy trong mắt. Và với cậu bé ấy, Một lần nữa, tôi đã kết nối với một thế giới xa lạ.

“Bất kể chúng ta lớn lên trong hoàn cảnh nào, dù thế giới xung quanh cay đắng hay vô cảm tới mức nào, chúng ta vẫn được quyền quyết định: chịu đựng ánh mắt đau đáu ấy mà vẫn có thể quay lưng đi, hoặc hít thở thật sâu, với can đảm và yêu thương, sưởi ấm tâm hồn bị ruồng bỏ và hàn gắn họ với cuộc sống này.

Tôi chọn cách thứ hai, khi tôi nhìn vào đôi mắt ấy, và cả những đôi mắt khác tôi sẽ gặp trong suốt quãng đời còn lại”, Hoàng Long kết thúc bài luận của mình.

Bài luận về cái lườm nguýt của người lớn

Bài luận là thành phần quan trọng giúp Phạm Hà Vi (cựu học sinh lớp 11 trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ - Hà Nội) chinh phục được trái tim các thành viên hội đồng tuyển sinh. Lấy hình tượng chính là trẻ em, bài luận của Hà Vi đã dấy lên một hiện trạng phổ biến ngày nay – giới trẻ đang bị đè nặng trong khuôn hình “lý tưởng” của xã hội, hậu quả là những tâm lý bất ổn và ước mơ còn dang dở.

“Mình đã viết bài luận về một thành phố nhỏ, nơi còn nhiều định kiến và khuôn mẫu của xã hội đã đẩy một đứa trẻ 12 tuổi suy nghĩ đến sự tồn tại của mình là đúng hay là sai”, Hà Vi chia sẻ.

Phạm Hà Vi viết bài luận về một thành phố nhỏ, nơi còn nhiều định kiến và khuôn mẫu của xã hội.
Phạm Hà Vi viết bài luận về một thành phố nhỏ, nơi còn nhiều định kiến và khuôn mẫu của xã hội.

Thông qua bài luận nhỏ của mình, Vi nói về ước mong xã hội thay đổi và những đứa trẻ không phải chịu định kiến, ép buộc từ chính môi trường dưỡng dục của mình.

“Dù thế nào thì trẻ em vẫn là thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, cần lời góp ý và động viên chứ không phải cái lườm nguýt, trù dập mà người lớn hay xã hội quy chụp cho khả năng của em”. Đó là lời gửi gắm trong bài luận của nữ sinh Việt giành học bổng lớn.

Bài luận đã giúp Vi xuất sắc giành học bổng danh giá từ Trường Thế giới Liên kết UWC South East Asia (Singapore) trị giá 112.000USD (khoảng 2,5 tỷ đồng) cho 2 năm du học Bằng tú tài quốc tế (IB).

Lệ Thu