Bước ngoặt của Triết

Tham gia vào nhiều công trình nghiên cứu y học cùng các giáo sư đến từ ĐH Harvard, ĐH Yale (Mỹ), Bùi Minh Triết (năm cuối, ngành Hóa – Sinh, trường McDaniel College, Mỹ) thu được nhiều kết quả tích cực. Đây là động lực để anh bạn 21 tuổi tiếp tục nỗ lực tìm ra những phương pháp tốt nhất chữa trị căn bệnh ung thư.

Một giáo sư tại ĐH Yale từng nói với Triết : “Một bác sĩ thiên tài có thể cứu được cả trăm, cả ngàn mạng sống. Nhưng một nhà phát minh y học, nếu thành công, có thể thay đổi cả ngành y trong tương lai và cứu sống được hàng triệu, thậm chí, hàng tỷ mạng người. Vậy em sẽ chọn hướng đi nào ? Em muốn cứu được bao nhiêu người?”.

Câu nói của người thầy trở thành bước ngoặt, giúp Triết quyết định tập trung hoàn toàn vào con đường nghiên cứu.


Bùi Minh Triết

Bùi Minh Triết

Nghiên cứu để thay đổi ngành y

Năm lần tham gia làm cộng sự với các giáo sư nổi tiếng trong nghiên cứu y học, Triết lựa chọn căn bệnh ung thư làm hướng nghiên cứu lâu dài. Triết nói: “Cũng như bao nhiêu người khác , mình căm ghét căn bệnh ung thư. Có nhiều người thân và bạn bè của mình lần lượt qua đời vì căn bệnh quái ác này.

Lý do thứ hai là vì tế bào ung thư rất đặc biệt, có thể tồn tại và phát triển lâu hơn cả tuổi thọ con người, chống lại được một “đoàn quân” trong hệ miễn dịch. Dưới góc nhìn khoa học, mình cảm thấy hứng thú với căn bệnh này”.

Việc nghiên cứu khoa học có nhiều thử thách, đòi hỏi sự kiên trì và cả hy sinh. Để theo dõi sát sao kết quả của các thí nghiệm quan trọng, có những lần, Triết phải mang theo túi ngủ để ngủ ngay trong phòng thí nghiệm, làm việc liên tục nhiều tuần liền.

Bùi Minh Triết từng là cựu học sinh của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP. HCM). Năm 2015, Triết được Hội đồng khoa học ở khoa Hóa – Sinh và Dược lý Phân Tử ở Harvard Medical School nhận vào dự án nghiên cứu đào tạo các nhà khoa học và bác sĩ trẻ.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Triết là lần anh bạn phụ trách phân tích dữ liệu trực tuyến gửi từ ĐH Chicago đến trường Harvard. Trước đó một tuần, Triết đã gửi tinh thể protein cuả mình đến ĐH Chicago để giải mã. Tuy nhiên, tinh thể lại bị vỡ vì nhiễu xạ electron.

Tưởng chừng như công sức 3 tháng trời cuả anh bạn gần như “đổ sông đổ bể” thì may mắn thay, giáo sư hướng dẫn của Triết đã dự trữ phòng hộ một ít tinh thể trước đó. Nghiên cứu được tiếp tục diễn ra một cách thuận lợi.

Mục tiêu hạ giá thuốc

Hiện tại, Triết chọn đề tài “Ứng dụng của liệu pháp miễn dịch trong việc điều trị u nguyên bào thần kinh giao cảm phức hợp và tế bào ung thư di căn lên não của bệnh nhân thời kỳ cuối” để làm luận án tiến sĩ, trong vòng 7 năm tới. Triết mong rằng, nghiên cứu này sẽ đem lại hy vọng cho các bệnh nhân ung thư trong giai đoạn cuối.

Tháng 7/2016, Triết sẽ bắt đầu chương trình Tiến sĩ dược lý ung thư tại ĐH Feinberg North, song song với chương trình Thạc sĩ điều tra lâm sàng, để có thể làm việc trực tiếp với các bệnh nhân ung thư.

Chia sẻ về mục tiêu trong tương lai, Triết nói: “Mình hy vọng có thể trở thành giáo sư ở một trường y hay một trung tâm nghiên cứu ung thư, để tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời những liêụ pháp điều trị tiên tiến.

Mục tiêu lớn nhất của mình là hướng tới việc hạ giá thành thuốc chữa ung thư – hiện đang rất đắt đỏ trên thị trường, để bệnh nhân các nước đang phát triển và các nước nghèo có thể tiếp cận được”.

Theo Thanh Huyền

Sinh viên Việt Nam