Các cựu du học Mỹ gợi ý cách giúp trẻ học tốt tiếng Anh

(Dân trí) - Rất nhiều phụ huynh Việt có con đang theo học các trường cấp 1, cấp 2 băn khoăn câu hỏi: “Làm sao để con học tiếng Anh hiệu quả hơn và lựa chọn môi trường học tập quốc tế (trường song ngữ, trường quốc tế, du học) như thế nào là hợp lý?” Buổi tọa đàm “Giúp con học giỏi tiếng Anh ngay từ nhỏ” với kinh nghiệm của nhiều cựu du học sinh Việt đã tập trung giải đáp băn khoăn đó.

tienganh

Các diễn giả chia sẻ hai chủ đề được phụ huynh quan tâm trong tọa đàm.

Tất cả những gì cần là học chuẩn từ đầu

Thầy Max Smalley - Smith, tốt nghiệp ĐH University of Sheffield (Anh quốc), đang dạy tiếng Anh tại Việt Nam nhận định, nhược điểm của học sinh Việt Nam khi học tiếng Anh là phát âm, ngữ pháp. Để khắc phục điểm yếu này, cô Đỗ Hà Phương tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội và có bằng Thạc sĩ về dạy tiếng Anh cho người nước ngoài tại ĐH Westminster (Anh quốc) cho biết bản thân cũng từng lo lắng vì tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ.

Theo diễn giả này, cách tốt nhất để khắc phục việc phát âm là dạy trẻ học chuẩn ngay khi bắt đầu và tạo điều kiện cho trẻ sớm tiếp xúc với môi trường nước ngoài để trẻ nghe, chỉnh âm được chuẩn xác.

Còn lỗi ngữ pháp bắt nguồn tư việc thiếu hụt vốn từ vựng. Để có từ, câu phong phú cần tạo thói quen đọc từ sớm cho trẻ. Phát triển văn hóa đọc là kĩ năng cơ bản giúp trẻ thi các chứng chỉ sau này, dùng ngôn ngữ nước ngoài được tự nhiên.

Đồng tình với diễn giả Đỗ Hà Phương, cô Trần Thu Trang – người từng giành học bổng toàn phần bậc trung học ở Loomis Chaffee năm 2005, học bổng toàn phần ĐH Bryn Mawr năm 2011, học bổng Tiến sỹ toàn phần tại ĐH Minnesota (Hoa Kỳ) chia sẻ: “Khi tôi học cấp 3, tôi đọc sách rất nhiều có thể là những truyện ngắn đến những tiểu thuyết dài.

Chính kĩ năng đọc nhiều mà sâu xa hơn thì đó là sự hứng thú tìm tòi thông tin, tôi thấy kiến thức thấm sâu hơn. Theo dõi học sinh giỏi trong nước, các bạn có điểm SAT cao thì phần lớn đều ham đọc.

Khi ôn thi chứng chỉ thì sự vất vả, khó khăn của các bạn ấy cũng được giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, học sinh cũng cần đọc một cách chọn lọc, bài bản và có hướng dẫn”.

Phụ huynh chăm chú lắng nghe ý kiến từ các diễn giả và đặt câu hỏi tương tác.
Phụ huynh chăm chú lắng nghe ý kiến từ các diễn giả và đặt câu hỏi tương tác.

Nuôi dưỡng sự đam mê và tự trải nghiệm

Từ kinh nghiệm của bản thân, nam sinh Bùi Mạnh Hùng với thành tích điểm 1560/1600 SAT, 119/120 TOEFL; vừa đỗ vào ĐH Johns Hopkins (top 11 đại học quốc gia tốt nhất nước Mỹ) trong mùa tuyển sinh 2017 - 2018 cho rằng, bí quyết để học tốt bản thân chính là phải có niềm yêu thích.

Mạnh Hùng chia sẻ: “Em học tiếng Anh không phải từ sớm, có nền tảng chuyên Toán nhưng lại học chuyên tiếng Trung ở trường THPT Hà Nội – Amsterdam. Em học tiếng Anh cẩn thận bắt đầu vào cấp 3.

Trước đây học tiếng Anh, đọc những đoạn hội thoại trong sách giáo khoa em không hiểu vì không có liên tưởng nào về cuộc sống của họ và cuộc sống của mình. Sau đó, khi thích tiếng Anh thì em đã tự có phương pháp tiếng Anh sáng tạo cho mình, tìm hiểu về những thứ mình thích bằng tiếng Anh như sinh hóa.

Tuy nhiên, em có nhược điểm là nói nhanh đến mức chả ai nghe được để hiểu. Nó cũng gây khó khăn trong giao tiếp tiếng Anh. Em cũng đã rèn luyện, mày mò cách để cải thiện tình trạng đó”.

Về thực trạng các phụ huynh đầu tư rất nhiều cho con học tiếng Anh nhưng kết quả chưa tốt, theo cô Hà Phương, nguyên nhân chính là do các em chưa tìm được sự hứng thú khi học.

“Không nên bắt ép các em học mà để các em xem kênh nước ngoài, phim nước ngoài tùy theo sở thích, lứa tuổi. Từ đó, các em vừa có thể luyện tiếng Anh vừa tiếp thu được những kiến thức về các lĩnh vực khác trong cuộc sống”, diễn giả Hà Phương này chia sẻ.

Các cựu du học Mỹ gợi ý cách giúp trẻ học tốt tiếng Anh - 3

Hiểu rõ các con và cho con môi trường học tập phù hợp

Phụ huynh Hà Tú Cầu, mẹ em Hạ Quang Anh - học sinh đạt học bổng toàn phần bậc trung học tại Singapore có phương pháp giáo dục con bằng cách để con nói lên chính kiến của mình.

Khi Quang Anh có giải thành phố môn tiếng Anh và được phần thưởng là khóa học tầm 10 triệu tại một trung tâm. Chỉ sau 5 buổi học, Quang Anh nói chuyện và xin phép mẹ cho nghỉ vì thấy không hiệu quả.

Phụ huynh thường tâm lý chung trong trường hợp đó là hơi tiếc tiền nhưng vì tôn trọng ý kiến, nhu cầu của con thì mẹ Quang Anh có cho con nghỉ. Sau đó, Quang Anh cũng tìm được nơi con thích và gắn bó 4 năm cấp 2 thậm chí đến khi du học tại một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội.

Cô Trần Phương Hoa (tốt nghiệp loại ưu ĐH Middlebury – top 4 ĐH khai phóng Mỹ) lưu ý: “Khi lựa chọn môi trường học tập cho con, phụ huynh cần hiểu rõ con mình vì biết mình biết ta trăm trận trăm thắng. Mỗi kiểu trường như trường chuyên, trường song ngữ, trường quốc tế hay du học đều có những ưu, nhược điểm.

Theo tôi, mỗi em đều có tố chất, sở thích khác nhau. Cách duy nhất phụ huynh biết được con mình thuộc về đâu, hợp điều gì, cái gì tốt nhất cho con thì chính phụ huynh phải dành nhiều thời gian cho con, nói chuyện với con”.

Cô Lê Diệu Linh (từng đạt giải tiếng Anh toàn quốc và là một trong những học sinh Việt Nam đầu tiên được học bổng toàn phần vào ĐH Willams - Top 1 Liberal Arts Hoa Kỳ) nhấn mạnh thêm: “Phải xem con mình có phù hợp, yêu thích môn học, trường lớp đó không.

Phụ huynh nên cho con những lựa chọn và tìm thầy cô phù hợp với sức học của các con. Nếu thấy ở lớp, bạn ấy học hơi đuối thì mình thực sự cần chú ý và giảm tải cho bạn ý. Nếu không có thể làm các con áp lực, căng thẳng dẫn đến vấn đề tâm lý.

Chọn môi trường học tập cho con đầu tiên xuất phát là từ năng lực, nguyện vọng của con. Hơn nữa, ngoài việc học tiếng Anh, phụ huynh hãy để con phát triển toàn diện, chơi thể thao và những môn năng khiếu”.

Hồng Vân