Cảnh báo những rủi ro khi du học sinh quyết định về nước

(Dân trí) - Việt Nam là nhà, nhưng trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi, các du học sinh hãy cân nhắc thật kĩ các nguy hiểm tiềm tàng cho bản thân, xã hội khi bay và việc có thực sự cần phải về không?

Dưới đây là những gợi ý chính từ Nguyễn Hương Thảo – cô gái Việt tốt nghiệp Tiến sĩ Sinh học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Cambridge, Hoa Kỳ) dành cho các du học sinh đang băn khoăn việc nên ở lại hay di chuyển về Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

1. Nguy cơ phơi nhiễm Covid-19 trong chuyến đi

Covid-19 đã diễn ra ở hầu hết các nước. Chuyến bay dài gần 1 ngày, di chuyển qua 2+ máy bay với hàng trăm người, khả năng bạn bay cùng chuyến bay với một người bị lây nhiễm mà không có biểu hiện là rất cao. Không gian chật hẹp trong máy bay là môi trường rất thuận lợi để virus corona phát triển và lây lan.

Bạn có tự hỏi có bao nhiêu chuyến bay về Việt Nam có người nhiễm hàng ngày? 

2. Nguy cơ mắc kẹt lại địa điểm trung gian trong chuyến đi của mình

Hiện tại, nhiều nước trên thế giới đã, đang và sẽ đóng cửa biên giới, các chuyến bay có thể bị huỷ đột ngột. Việc giảm lượng người đi máy bay cũng khiến cho nhiều hãng huỷ các chuyến bay quá vắng. Khả năng mắc kẹt lại ở một địa điểm không phải Việt Nam, cũng không phải chỗ ở tại nước sở tại của mình là rất cao.

Cảnh báo những rủi ro khi du học sinh quyết định về nước - 1

Nhóm du học sinh Việt bị kẹt tại sân bay Dallas, Texas, Mỹ khi không được lên máy bay về Việt Nam (nối chuyến tại Narita. Nhật Bản).

3. Việt Nam hiện đã quá tải khả năng cách ly những người bay từ nước ngoài về

Sân bay ở Việt Nam cũng đã bắt đầu phải áp dụng dừng vận chuyển hành khách từ nước ngoài về.

Nếu có khả năng lựa chọn, bạn có muốn thêm gánh nặng cho công tác kiểm soát dịch đang trong giai đoạn quan trọng ở Việt Nam?

4. Giả sử bạn bay được đến Việt Nam, vẫn còn rất nhiều rủi ro khác cho bản thân và xã hội

Về Việt Nam, bạn sẽ ngay lập tức được cách ly chứ không được về nhà. Nước ta dù có cố hết sức cũng không thể cách ly và phục vụ chu đáo cả ngàn người cùng về cùng một lúc. Bạn đã tìm hiểu đủ điều kiện cách ly ở Việt Nam chưa?

Người nhiễm Covid-19 có thể không có biểu hiện và xét nghiệm chưa dương tính ngay. Bạn nghĩ khả năng mình bị cách ly cùng với một người nhiễm Covid-19 không có biểu hiện là bao nhiêu?

Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Việt Nam gần đây chủ yếu là người từ nước ngoài về. Bạn có thử hỏi cơ sở vật chất ở Việt Nam có thể gồng mình đến đâu khi dịch bùng phát?

Cảnh báo những rủi ro khi du học sinh quyết định về nước - 2

Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Mỹ đã cử cán bộ liên lạc, nắm thông tin, hỗ trợ các du học sinh hồi hương.

Với nhiều các rủi ro có thể xảy ra, hãy cân nhắc việc có thật cần thiết phải mạo hiểm về Việt Nam  lúc này, hay quyết định ở lại sẽ tốt hơn nhiều mặt. Hãy tự hỏi:

Về điều kiện sống: Mình có chỗ ở tại nước sở tại (như Mỹ) không? Trường có bắt buộc bạn ra khỏi ký túc xá không? Nếu phải ra khỏi ký túc xá, có ai quen có thể giúp đỡ cho ở nhờ hay thuê chỗ ở bên ngoài không? Nếu bạn có giải pháp về chỗ ở, lý do về Việt Nam là gì?

Về sức khoẻ cá nhân: Bạn là sinh viên, thuộc nhóm có nguy cơ tử vong thấp, trừ phi có tiền sử bệnh. Người trẻ dù khả năng mắc bệnh không cao, nhưng lại là tác nhân truyền bệnh rất nguy hiểm đến người già.

Vậy, bạn có nguy cơ bị nhiễm Covid-19 cao không? Tiền sử bệnh của bạn có làm tăng nguy cơ bạn sẽ thuộc nhóm có triệu chứng nặng khi nhiễm bệnh không? Là học sinh, sinh viên, bạn chắc phải có bảo hiểm do trường bắt buộc? Nếu mắc bệnh ở nước sở tại và ở Việt Nam, điều kiện chăm sóc sức khoẻ ở đâu sẽ tốt hơn? 

Hay là, bạn đã thực hiện “social distancing” trong thời gian vừa qua và có nguy cơ nhiễm thấp? Vậy thì lựa chọn ở nguyên tại chỗ so với việc bay về Việt Nam, lựa chọn nào sẽ nguy hiểm hơn cho cá nhân bạn và những người ở Việt Nam?

Hãy nhớ bình tĩnh để suy xét lựa chọn nào tốt nhất cho bản thân và cho xã hội. Ở lại có thể vất vả và cô đơn hơn so với về nhà, nhưng hãy cố gắng tìm sự giúp đỡ ở cộng đồng nơi mình đang ở trước tiên, vì sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng ở Việt Nam.

TS. Nguyễn Hương Thảo

(Tốt nghiệp tiến sĩ ngành Sinh học - Đại học MIT,
Thành viên Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ)