Câu chuyện học bổng Erasmus Mundus (kỳ 6): Một lần đi học muộn

(Dân trí) - Hồi mới bắt đầu kỳ học ở Pháp, các bạn cùng lớp của tôi rất đúng giờ. Nhưng càng quen với giáo viên thì những lần đi vào lớp muộn của một số đối tượng cũng tăng dần…

>> Câu chuyện Erasmus Mundus: Khu kí túc không Giáng sinh >> Câu chuyện Erasmus Mundus (kỳ 2): Một sự thật >> Câu chuyện Erasmus Mundus (kỳ 3): Thủ lĩnh ký túc >> Câu chuyện học bổng Erasmus Mundus (kỳ 4): Nửa đêm gặp hải quan Pháp

Nghiên cứu châu Âu (Euroculture) là một trong hơn 200 ngành thạc sỹ bằng kép được Uỷ Ban Châu Âu tài trợ, cũng là chương trình mà sinh viên toàn cầu có cơ hội xin học bổng Liên Minh châu Âu Erasmus Mundus trong 2 năm học (48.000EU, bao gồm tiền học phí, tiền bảo hiểm, chi phí sinh hoạt và đi lại).

Sinh viên tốt nghiệp các ngành xã hội nhân văn có nguyện vọng khám phá chính trị, xã hội và văn hoá châu Âu đều được khuyến khích ứng tuyển, và bắt buộc trải nghiệm ở vài trong số 8 nước châu Âu thuộc khuôn khổ chương trình (Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Ý, Séc, Ba Lan và Hà Lan).

Tác giả bài viết Vũ Hồng Trang là sinh viên Việt đầu tiên đạt học bổng của ngành học này, khoá 2015 - 2017. Trang chọn học kỳ 1 ở trường đại học Strasbourg, Pháp kỳ 2 tại Đại học Goettingen, Đức, 1 tuần học bắt buộc tại Olomouc (Séc) và kỳ 3 tại đại học Uppsala, Thuỵ Điển.


Logo chương trình nghiên cứu Châu Âu – Đại học Göttingen

Logo chương trình nghiên cứu Châu Âu – Đại học Göttingen

Mọi giờ học của tôi đều bắt đầu sau 10h. Giáo viên nhất mực chuẩn giờ, nhưng cũng vô cùng độ lượng với những ai vô tình hay hữu ý vào muộn. Nếu tôi biết mình sẽ đến muộn vài phút ở Pháp tôi cũng không hoảng loạn. Sang Đức rồi, những đối tượng đủng đỉnh muộn bỗng dưng vô cùng chỉn chu. Ai nấy đều tự nhắc nhở: Chúng ta đang ở Đức, phải nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ. Cô bạn Ina cùng lớp Bungari của tôi thậm chí vặn đồng hồ nhanh lên 20 phút để "chống đi muộn".

Hôm đó, tôi căn giờ khá chuẩn nhưng vì xe buýt có vài người ngồi xe lăn, nên lái xe mất 1 chút ít thời gian xuống tận cửa sau cẩn thận đưa họ xuống xe. Vất vả tìm phòng học, tôi chạy bở hơi tai nhưng vẫn vào lớp muộn 3 phút. Tôi là người duy nhất đến muộn, và đó là buổi học đầu tiên cuả môn Kỹ năng tổng hợp 2 (Eurocompetence 2) - bộ môn thực hành về nghiên cứu khoa học, quản lý dự án, giao thoa văn hoá, kỹ năng làm việc nhóm. Đây là bộ môn bắt buộc ở cả 8 trường Đại học trong hệ thống chương trình Thạc Sỹ Erasmus Mundus ngành Châu Âu học và kỳ nào cũng phải thực hành một chuyên đề.


Hoa anh đào mùa xuân trên khuôn viên đại học Göttingen

Hoa anh đào mùa xuân trên khuôn viên đại học Göttingen

Tôi rụt rè xin lỗi thầy giáo rồi ngồi vào chỗ. Các bạn đã làm xong phần khảo sát về kiến thức nền của mỗi sinh viên trước khoá và nguyện vọng cá nhân cho toàn khoá học. Đến giờ giải lao, tôi xin thầy làm bản khảo sát và không quên tạ lỗi thêm lần nữa. Cho dù biết chắc tôi sẽ không bị trừ điểm chuyên cần hay đánh giá hạnh kiểm vì đi muộn, tôi vẫn nán lại cuối giờ để “lải nhải” lại thông điệp cũ: “Em xin lỗi thầy, em đến muộn.”

Thầy không khỏi ngạc nhiên:

- Trời, có gì đâu mà xin lỗi nhiều thế. Làm gì có ai cả đời chưa đi muộn đâu chứ? Mấy toà nhà của trường như ma hồn trận, sinh viên mới đến khó tìm là chuyện bình thường. Các giảng viên khách mời lạc đường là chuyện cơm bữa.

- Dạ, có lẽ vì em ở Đức rồi, nên tự nhắc mình luôn đúng giờ ạ. - Tôi thở phảo trả lời thầy.

- Kỳ trước do 1 lần tuyết dày đóng băng đường ray, tàu của tôi từ Berlin về Göttingen không chạy kịp giờ mà tôi phải lùi giờ học 1 tuần. Nếu theo logic muộn 3 phút xin lỗi 3 lần của em thì đáng nhẽ tôi phải xin lỗi sinh viên đến nghìn lần. Chúng ta đều là con người cả, đừng lo!

Như để triệt tiêu suy nghĩ tội lỗi của tôi, thầy chuyển chủ đề nhanh chóng:

- Mà này, tên Trang có nghĩa là gì? Tôi đi du học New Zealand, Anh và Canada rồi về Đức công tác thì đều có gặp người Việt tên Trang. Có vẻ như tên này phổ biến.

- Dạ em cũng không biết. Nhưng hồi em đi học tiếng Trung, giáo viên dạy em cứ khăng khăng bảo em nên chọn chữ Trang trong “đoan trang”, “trang trọng”( 庄 ) không phải Trang trong “trang sức.” ( 装 )

- Nghe hay đấy! Tôi cũng có đọc về lịch sử Việt Nam mà chưa từng thấy nhân vật lịch sử nào tên Trang.

- Dạ, em cũng chỉ biết Trung Quốc có Hiếu Trang thái hậu, bà nội vua Khang Hy. Chữ “Trang” trong tên của bà cũng là chữ “Trang” em chọn. Còn thì đúng là em chưa nghe thấy một nhân vật nữ Việt nào tên Trang cả.

- Tên thì có thể chưa có, nhưng tôi nghĩ nếu về mặt tầm cỡ, thì có một nhân vật thời phong kiến Việt Nam có thể so sánh với Hiếu Trang.

Tôi chưa kịp lục lọi trong trí nhớ về lịch sử ngàn năm văn hiến thì thầy đã nói:

- Bà Thái Hậu Ỷ Lan ở thế kỷ 11. Tôi nhớ tên Lan của bà có nghĩa là hoa lan thì phải.

- Dạ vâng, đó là tên nhà vua đặt cho bà khi gặp bà ngồi tựa cây hoa lan ạ.

- Kỳ diệu nhỉ, một người ngồi dưới mỗi cây hoa lan rồi trở thành mẫu nghi thiên hạ. Tôi khuyên em, thử ngồi dưới cây hoa anh đào ở sân trường xem, sau này có làm kinh bang tế thế không. Cây này thiêng phết đấy. Đó là món quà của Nhật Hoàng tặng trường Đại học Göttingen.

- Dạ em đi ngay đây ạ. - Tôi chào tạm biệt thầy, bụng bảo dạ mình vừa gặp đúng cao thủ lịch sử.

Cao thủ! Đó là chữ Thủ "tay"( 手 ), không phải chữ Thủ "đầu"( 首 ).

Trang Vũ