Câu chuyện nước Mỹ (6): Ai cũng từng muốn thay đổi thế giới?

(Dân trí) - Khi còn trẻ, tôi đã từng ngây thơ nghĩ rằng chỉ cần đủ quyết tâm, hoài bão và nhiệt huyết, tôi có thể thay đổi được mọi thứ xung quanh. Tôi đã từng muốn thay đổi bao điều mà tôi cho là "không đúng", là "bất công" quanh tôi, từ những điều nhỏ bé đến những điều to lớn vĩ đại hơn...

Đôi nét về tác giả bài viết

Tác giả Trương Thanh Mai từng là cựu SV ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện cô đang là nghiên cứu sinh ngành Chính sách công và Trợ giảng tại ĐH Arizona, Mỹ.

Trước khi du học Mỹ, Thanh Mai từng học Thạc Sỹ ngành Nghiên cứu Phát triển tại Anh (khoá học 2013-2014) theo suất học bổng Chevening của chính phủ Anh.

"I used to want to save the world, this beautiful place. But the closer you get, the more you see the great darkness within".

"Tôi đã từng muốn cứu thế giới xinh đẹp này. Nhưng càng hiểu hơn về nơi ấy, tôi càng thấy nhiều khoảng tối trong nó"- phim Wonder Woman (Nữ thần chiến binh)

Diana Prince (do Gal Gadot thủ vai) - nữ chiến binh của bộ tộc Amazon, đã thừa nhận như vậy sau khi cô cố gắng cứu thế giới khỏi tay thần chiến tranh Ares. Tôi không thật sự yêu thích bộ phim này bởi phim không đặc sắc và vẫn tuân theo motif thường thấy "Tình yêu là vị cứu tinh của thế giới". Nhưng lời thú nhận trên của Diana khiến tôi thật sự suy nghĩ.

Cô đã bỏ bộ tộc của mình đi cứu thế giới với trái tim trong sáng và đầy nhiệt huyết nhưng kiến thức của cô về nơi ấy chỉ là con số không tròn trĩnh. Cô nhìn thế giới như một vật thể giản đơn chỉ có hai màu trắng - đen, tốt-xấu rõ ràng, ở đó con người ai ai cũng "ngu muội", họ chém giết lẫn nhau đơn giản vì bị vị thần chiến tranh điều khiển.

Đến cuối phim, cô bàng hoàng nhận ra giết chết thần chiến tranh cũng không cứu được loài người, cô không thể thay đổi được loài người, chỉ có chính họ mới có thể cứu được họ mà thôi!. Tôi thấy tiếc nuối vì hai tiếng ngắn ngủi của bộ phim chưa lột tả sự trưởng thành của Diana một cách đủ tinh tế và sâu sắc.

Đối với riêng tôi, bộ phim còn truyền đi một thông điệp: Khi người ta còn trẻ, giản đơn và có lý tưởng, người ta thường khát khao thay đổi thế giới.


Tôi đã từng muốn cứu thế giới xinh đẹp này. Nhưng càng hiểu hơn về nơi ấy, tôi càng thấy nhiều khoảng tối trong nó- phim Wonder Woman (Nữ thần chiến binh)

"Tôi đã từng muốn cứu thế giới xinh đẹp này. Nhưng càng hiểu hơn về nơi ấy, tôi càng thấy nhiều khoảng tối trong nó"- phim Wonder Woman (Nữ thần chiến binh)

Viết đến đây, tôi không khỏi bật cười vì mình cũng có một tuổi trẻ "bồng bột" đầy nhiệt huyết như thế. Tôi cũng đã từng có lý tưởng muốn thay đổi mọi thứ xung quanh mình.

Năm thứ tư đại học khi theo chân một chị người Hà Lan đến các trạm y tế xã một tỉnh miền núi lấy dữ liệu cho bài luận văn thạc sỹ của chị, lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là nghèo đói, là thiếu thốn, là lạc hậu.

Chứng kiến những dãy nhà y tế thấp lè tè, tường nhà sơn bong tróc, sàn nhà ẩm ướt chỉ với vài ba giường bệnh, tôi bỗng muốn làm một điều gì đó để thay đổi cuộc sống của con người nơi đây. Sau này, khi tham gia một vài nghiên cứu xã hội, tôi lại có cơ hội được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh sống khác nhau, được nghe chuyện của những con người ở mọi bậc thang quyền lực xã hội.

Tôi vẫn nhớ những giọt nước mắt của một bác nông dân trồng lúa khi giá lúa bán ra quá thấp không đủ để trả lãi ngân hàng, khiến gia đình bác cứ mãi quẩn quanh trong vòng vay nợ. Tôi không thể quên câu chuyện về một người cha vì không có bảo hiểm, không có tiền mà bệnh viện đã từ chối chữa trị cho con của anh khi bị tai nạn.

Câu chuyện về những con người không chút quyền lực trong tay bị mất kế sinh nhai vì phải trả đất nông nghiệp cho các sân golf ,các toà nhà, các khu công nghiệp khiến tôi nhận ra rằng thế giới này vẫn luôn được vận hành và thao túng bằng tiền, bằng quyền.

Khi còn trẻ, tôi đã từng ngây thơ nghĩ rằng chỉ cần đủ quyết tâm, hoài bão và nhiệt huyết, tôi có thể thay đổi được mọi thứ xung quanh. Tôi đã từng muốn thay đổi bao điều mà tôi cho là "không đúng", là "bất công" quanh tôi, từ những điều nhỏ bé đến những điều to lớn vĩ đại hơn.

Tôi đã muốn thay đổi một người bác lười biếng, có nhiều đất đai mà không biết tận dụng để trồng rau nuôi cá. Tôi đã muốn thay đổi một người bạn cứ không chịu học tiếng Anh vì tôi cho rằng đó là phương tiện giúp bạn đi xa trong tương lai. Tôi đã muốn thay đổi cái xóm nơi tuổi thơ của tôi đươc nuôi dưỡng bởi những câu chuyện ngồi lê đôi mách. Tôi đã muốn thay đổi thành phố nơi còn đầy rẫy quan điểm lạc hậu đối với phụ nữ, đối với vấn đề kết hôn.

Nhưng càng đi nhiều, đọc nhiều, học hỏi từ những người xung quanh và những trải nghiệm của bản thân, tôi học được một điều mà tôi khi còn trẻ bướng bỉnh không nhìn thấy, đó là:

Thay đổi người khác, thay đổi xã hội, thay đổi thế giới này rất khó.

Trước khi thay đổi bất cứ ai, bất cứ điều gì thì tôi phải thay đổi mình trước.


Từ bản thân mình, tôi nhận thấy rằng, tôi không thể bắt người khác thay đổi. Một người chỉ có thể thay đổi nếu họ tự nhận ra rằng họ cần thay đổi khi sự trải nghiệm của họ đã đến độ chín nhất định...

Từ bản thân mình, tôi nhận thấy rằng, tôi không thể bắt người khác thay đổi. Một người chỉ có thể thay đổi nếu họ tự nhận ra rằng họ cần thay đổi khi sự trải nghiệm của họ đã đến độ chín nhất định...

Tôi có một bác bạn người Mỹ theo đảng Dân chủ, bác không thể chấp nhận được những người mang tư tưởng của đảng cộng hoà, bác sẵn sàng chửi rủa và gọi những người Cộng hoà bằng những từ miệt thị nhất.

Mỗi khi bác gặp một người Cộng hoà nào, chỉ sau 5-10 phút là cuộc nói chuyện biến thành một cuộc cãi vã không đi đến đâu, bởi ai trong cơn nóng giận cũng nỗ lực thay đổi người kia theo quan điểm của mình.

Bác luôn hỏi tôi: "Tại sao những người đó không chịu thay đổi quan điểm của mình?". Từ trải nghiệm và quan sát như thế, tôi dần nhận ra rằng thay đổi người khác là điều không thể, và ép buộc người khác thay đổi theo cách suy nghĩ và lối sống của mình là điều gần như bất khả thi.

Khi tôi còn trẻ hơn, nếu ai có ý định thay đổi quan điểm của tôi, tôi sẽ cho là "gàn dở", là "phản động", và tôi sẽ chẳng ngại nhảy dựng lên mà tranh cãi đến cùng để bảo vệ lý lẽ của tôi. Nhưng không biết tự bao giờ tôi lại sẵn sàng đọc, lắng nghe và suy nghĩ về những quan điểm ấy. Tôi dần nhìn nhận thế giới đa chiều hơn, tôi dần học cách suy nghĩ phản biện trước mỗi thông tin tôi tiếp nhận. Đó là cả một quá trình dài tự học, tự quan sát và suy ngẫm.

Từ bản thân mình, tôi nhận thấy rằng, tôi không thể bắt người khác thay đổi. Một người chỉ có thể thay đổi nếu họ tự nhận ra rằng họ cần thay đổi khi sự trải nghiệm của họ đã đến độ chín nhất định. Và kể từ khi nhận ra được điều ấy, tôi không còn cảm thấy "bứt rứt", "ức chế" khi người khác không thay đổi và suy nghĩ giống tôi nữa.

Hôm qua, khi mở cuốn sổ tôi dùng để ghi lại những câu trích dẫn hay trong sách báo, tôi tình cờ đọc được đoạn văn dưới đây, mà tôi thật sự thấy thấm thía và ý nghĩa. Xin được chia sẻ trong với bạn:

"Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.

Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi.

Nhưng nó cũng như vậy, dường như là không thể thay đổi được. Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi.

Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể. Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra:

Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!"

(Một văn tự được tạc trên một tấm bia mộ vô danh tại hầm mộ trong tầng hầm nhà thờ Westminster ở London)

Trước khi muốn thay đổi và giúp đỡ ai, tôi đã học được cách tự hỏi chính bản thân mình: Liệu những người ấy có cần đến sự giúp đỡ của tôi không?


Khi còn trẻ hơn, tôi nghĩ thật đơn giản, rằng chỉ cần mình làm việc thiện, và thật tâm giúp đỡ người khác, tôi có thể giúp họ thay đổi cuộc sống.

Khi còn trẻ hơn, tôi nghĩ thật đơn giản, rằng chỉ cần mình làm việc thiện, và thật tâm giúp đỡ người khác, tôi có thể giúp họ thay đổi cuộc sống.

Sau khi đọc xong cuốn sách "The Road to Hell: The Ravaging Effects of Foreign Aid International Charity" của Michael Maren, tôi thật sự bị ám ảnh bởi những hậu quả không mong muốn mà hệ thống cứu trợ nhân đạo Mỹ- một hệ thống không được xây dựng dựa trên nhu cầu, và thực tế của các nước nhận hỗ trợ- đã gây ra cho xã hội các nước châu Phi.

Tác giả đã từng tin tưởng tuyệt đối vào hệ thống ấy, vào lý tưởng cứu rỗi người nghèo, cứu rỗi thế giới mà ông luôn mang theo từ khi còn trẻ. Nhưng lý tưởng của ông bị sụp đổ hoàn toàn khi chứng kiến các chương trình hỗ trợ lương thực không thật sự cần thiết cho người nghèo, người tị nạn ở Somalia, đã củng cố sự tham nhũng tràn lan của chính quyền. Những kinh nghiệm ấy khiến ông luôn suy tư "liệu những người này có thật sự cần sự giúp đỡ của ông, đất nước này có cần ông đến để thay đổi nó không?"

Khi còn trẻ hơn, tôi nghĩ thật đơn giản, rằng chỉ cần mình làm việc thiện, và thật tâm giúp đỡ người khác, tôi có thể giúp họ thay đổi cuộc sống. Nhưng rồi tôi dần nhận ra, làm việc (mà tôi nghĩ là) tốt thôi chưa đủ, tôi cần phải học cách nhìn nhận những hậu quả của những gì tôi làm, cần phải hiểu nhu cầu, nguyện vọng của những người tôi muốn giúp đỡ và luôn tự hỏi liệu tôi- một người ngoài, có xuất thân hoàn toàn khác họ, và có thể không hiểu gì về cuộc sống của họ, có thể giúp gì được cho họ?

Mỗi khi nhìn thấy nụ cười của những bạn trẻ tham gia các dự án tình nguyện đến vùng sâu vùng xa, tôi lại nhớ đến những lý tưởng của mình ngày xưa. Nếu bạn là một người trẻ như thế và đang đọc bài viết này, tôi không có ý khuyên bạn không nên làm gì để thay đổi thế giới, tôi chỉ muốn bạn hãy giữ độ lùi nhất định để phân tích hành động của mình, để xem những gì bạn làm có thật sự là điều mà họ- những người bạn muốn giúp đỡ-cần hay không?

Dẫu biết rằng không có một sự giúp đỡ nào có tác động hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu, tôi tin rằng, tự phản ánh (Self-reflection) và suy ngẫm về những gì mình làm là một sự tôn trọng ta dành cho những người ta muốn giúp.


Tôi luôn cho rằng nếu ta biết tôn trọng sự đa dạng và lựa chọn của người khác, ta sẽ bớt trở thành những con người lương thiện tha hồ nhẫn tâm với người khác mà không biết.

Tôi luôn cho rằng nếu ta biết tôn trọng sự đa dạng và lựa chọn của người khác, ta sẽ bớt trở thành "những con người lương thiện tha hồ nhẫn tâm với người khác mà không biết".

Tôi đã học được cách tôn trọng lựa chọn của người khác

Trước đây, khi không thể thay đổi được một ai đó, hoặc một việc gì đó, tôi luôn có cảm giác bứt rứt, bất lực và thất bại. Một lần đến phỏng vấn một gia đình trồng lúa ở miền Tây, khi thấy bác chủ nhà để cả đàn gà chạy nhảy vô tư ở phòng khách, tôi đã góp ý bác không nên làm như vậy vì rất mất vệ sinh, và việc này sẽ ảnh hưởng xấu đến gia đình, đặc biệt là sức khoẻ của mấy đứa nhỏ. Nhưng lần sau khi tôi quay lại, mọi chuyện vẫn xảy ra y như cũ.

Điều đó khiến tôi cứ tự hỏi "Tại sao họ không thay đổi". Tôi vô cùng khó chịu vì "ý tốt" của tôi không được người ta đoái hoài đến. Và đâu chỉ có như thế, tôi đã nhiều lần bực mình vì không thể thay đổi quan điểm của một người bạn về chính trị, và chuyện đọc sách; tôi thấy vô lý khi thấy người ta chỉ đọc "ngôn tình" mà không đọc những cuốn sách mà tôi cho là "giá trị" hơn.

Truy tìm nguyên nhân của sự bực dọc ấy, tôi phát hiện ra chúng khởi sinh từ việc tôi chỉ đánh giá lựa chọn của họ từ góc nhìn, quan điểm và trải nghiệm của tôi mà không nhìn nhận sự việc từ góc nhìn của họ.

Tôi đã quên mất một điều họ và tôi có những điểm xuất phát vô cùng khác nhau (về văn hoá, gia đình, giáo dục, kinh nghiệm cá nhân), dẫn đến có những lựa chọn trong cuộc sống khác nhau.

Từ khi học được bài học ấy, tôi thấy tâm mình bình an và tĩnh lặng hơn, tôi không còn "hiếu chiến" trong mỗi cuộc tranh luận nữa. Tôi hiểu được rằng mỗi người có một lựa chọn riêng, miễn lựa chọn đó làm họ thấy vui và hạnh phúc. Và tôi tin khi họ nhìn thấy những hành động, tấm gương tốt, và khi có đủ trải nghiệm, họ sẽ dần tự điểu chỉnh.

Tôi luôn cho rằng nếu ta biết tôn trọng sự đa dạng và lựa chọn của người khác, ta sẽ bớt trở thành "những con người lương thiện tha hồ nhẫn tâm với người khác mà không biết".

Đóng góp đáng quý hơn thay đổi

Một vị giáo sư ở IDS (ĐH Sussex, Anh) mà tôi vô cùng kính trọng- một người thầy đã ngoài tám mươi tuổi nhưng vẫn ngày ngày đạp xe, viết sách đã từng tâm sự với chúng tôi trong một buổi hội thảo rằng: "Khi các em còn trẻ và có lý tưởng, các em thường muốn thay đổi thế giới. Nhưng đến một thời điểm khi các em đủ chín chắn, các em sẽ thấy đóng góp là cần thiết hơn thay đổi. Những đóng góp nhỏ bé tích tụ đủ lâu sẽ tạo nên một sự thay đổi".

Thầy đã nhận ra chân lý ấy bằng trải nghiệm cả đời ở khắp các quốc gia trên thế giới. Ngẫm lời thầy thật thấm thía, bây giờ tôi không còn khát khao thay đổi nữa, tôi chỉ muốn tặng cho cuộc sống những đóng góp nhỏ bé của bản thân.

Những đóng góp đó có thể là việc sống tích cực hơn, nâng cao kiến thức của bản thân mỗi ngày, chia sẻ những kiến thức, những bài học hay tôi học được từ một cuốn sách/từ những người xung quanh, viết một bài báo có thể truyền cảm hứng cho một ai đó, nâng cao kỹ năng nghiên cứu, tham gia vào những nghiên cứu có ý nghĩa cho xã hội, sống thật vui vẻ, hạnh phúc, làm một điều gì đó cho những giá trị mà tôi tin tưởng.

Tôi hi vọng những chia sẻ của tôi có thể có ích cho một ai đó, và tôi cũng hy vọng học được nhiều điều từ những người đọc bài viết của tôi. Tôi tin rằng nếu ta luôn sống hướng thiện, và đóng góp những điều có ích dù nhỏ bé cho xã hội, qua năm tháng ta sẽ tạo ra sự thay đổi.

Thanh Mai

(Từ ĐH Arizona, Mỹ)