Câu hỏi “DHS nên về nước hay ở lại” là sáo rỗng…

(Dân trí) - Dư luận dường như vẫn chưa ngừng băn khoăn trước những “chuyến di cư một đi không trở lại” đến môi trường giáo dục quốc tế của các DHS. Chuyện DHS “ở hay về”, mấu chốt vấn đề ở đâu? Cùng lắng nghe quan điểm thẳng thắn của những người trong cuộc.

Câu hỏi “DHS nên về nước hay ở lại” là sáo rỗng…


Phan Đức Huy - Chàng trai giành học bổng tiến sĩ 11 trường ĐH công nghệ hàng đầu thế giới

Phan Đức Huy - Chàng trai giành học bổng tiến sĩ 11 trường ĐH công nghệ hàng đầu thế giới

Đó là quan điểm của Phan Đức Huy (24 tuổi) – chàng trai Việt giành học bổng tiến sĩ 11 trường ĐH công nghệ hàng đầu thế giới, hiện Huy là SV Viện công nghệ số 1 thế giới MIT, Mỹ. Lập luận của Đức Huy như sau:

“Thứ nhất, mình không nghĩ đây là vấn đề quá quan trọng để nói tới. Chuyện ở hay về là do cá nhân DHS tự quyết định, dư luận có “nóng” hay “lạnh” thì cũng không có ý nghĩa gì. Dư luận có bỏ tiền ra cho người ta đi học đâu mà ý kiến?

Thứ hai, câu hỏi “DHS nên ở lại hay về nước” là một câu hỏi sáo rỗng và chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Câu hỏi đúng phải là “về thì có thể làm được gì và có thể đóng góp như thế nào?”

Ai nghĩ rộng ra một chút thì đều thấy là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Vậy tại sao phải nhất thiết phải hiện diện ở Việt Nam?

Thứ ba, sự lựa chọn của DHS phụ thuộc nhiều vào ngành nghề mà họ chọn và mục tiêu phấn đấu của họ, không thể đánh đồng kinh doanh, kinh tế với khoa học kỹ thuật được.

Cá nhân mình học khoa học, thiên về nghiên cứu; nếu có thể ở lại, tiếp xúc với môi trường học thuật quốc tế và năng động, cùng với nhiều nguồn hỗ trợ cho việc nghiên cứu khoa học, thì tại sao lại không làm? Thử hỏi bỏ qua tất cả những cái đó để về Việt Nam thì có thể gọi là đóng góp cho đất nước không?

Mặt khác, mình nghĩ ai học khoa học cũng cùng quan điểm “nghiên cứu khoa học là đóng góp cho phát triển kiến thức của nhân loại nói chung”, nên khái niệm “phải về nước” hoàn toàn không hợp lý.

Một hệ thống đã trơn tru thì cũng chẳng ai muốn bàn chuyện ở - về

Anh Nguyễn Hữu Hoàng - Nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành Nông nghiệp tại trường The University of Florida, Mỹ - và vợ.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng - Nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành Nông nghiệp tại trường The University of Florida, Mỹ - và vợ.

Anh Nguyễn Hữu Hoàng - Nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành Nông nghiệp tại trường The University of  Florida, Mỹ mở đầu quan điểm bằng việc phân tích các trường hợp lựa chọn.

Theo anh Hoàng, thường DHS có một số lựa chọn là: tự nguyện về nước cống hiến, bị buộc phải về nước sau khi hoàn tất, ở lại ngoại quốc phát triển sự nghiệp, hay ở lại vì tương lai con cái.

“Tôi không bàn đến những trường hợp phải về nước như một nghĩa vụ khi đi học bằng tiền học bổng với những ràng buộc trên giấy tờ trước khi đi học. Trong những trường hợp còn lại, tôi nghĩ khi được tự do chọn lựa thì về hay ở là vấn đề cá nhân.

Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Làm sao có thể bắt những người “tị nạn” giáo dục quay trở về khi họ dùng tài năng và tiền bạc, chấp nhận rời xa gia đình để tìm một tương lai tốt đẹp hơn.

Vợ chồng tôi luôn mong muốn trở về. Chúng tôi nghĩ đơn giản rằng mình chỉ sống có một lần nên phải sống cho có ích. Nước Mỹ mất đi một tiến sĩ sẽ chẳng có gì thay đổi nhưng cũng con người đó nếu về Việt Nam sẽ giúp ích được nhiều cho đất nước đang còn khó khăn.

Nhiều người cho là tôi lý tưởng, nhưng biết bao nhiêu người trong nước vẫn đang sống cuộc sống bình dị đó. Tôi muốn con tôi lớn lên ở Việt Nam, hiểu rõ quê hương đất nước để có thể phục vụ quê hương đất nước.

Phải đồng ý là đất nước trong giai đoạn phát triển cần phải có chuyên gia. Khi đã chấp nhận trở về, việc thích nghi với môi trường làm việc trong nước là một điều không hề đơn giản.

Nhiều DHS vốn đã quen làm việc trong một bộ máy trơn tru lại không thể thích nghi với môi trường làm việc trong nước vốn đòi hỏi nhiều… kỹ năng “mềm”.

Việc về hay ở, thế cho nên không chỉ là câu hỏi của DHS mà còn là của nhà quản lý, của doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, nếu hệ thống đã trơn tru và hiệu quả, chắc có lẽ chủ đề các bạn về hay ở cũng chẳng có ai muốn bàn”, anh Hoàng quan điểm.

Ở hay về không quan trọng

Đinh Nho Minh - SV Đại học Tuft, Mỹ.
Đinh Nho Minh - SV Đại học Tuft, Mỹ.

Anh chàng Đinh Nho Minh, hiện là SV Đại học Tuft, Mỹ cho rằng, để đưa ra quyết định DHS nên giải quyết 2 câu hỏi: Liệu mình có đóng góp được cho đất nước và xã hội không? Liệu mình có phát huy được hết khả năng bản thân không?

Minh chia sẻ: “Đầu tháng 9/2015, em cùng hội DHS ở Boston có dịp được đón bác Nguyễn Sinh Hùng thăm người dân Việt Nam đang sinh sống tại đây. Khi được hỏi câu liệu có nên về hay không về, bác nói rằng về hay không không quan trọng, quan trọng là đóng góp được cho đất nước.

Em rất tâm đắc với quan điểm này vì em nghĩ rằng có thể tùy điều kiện, môi trường mà mình sẽ phát huy được bản thân tốt hơn. Có thể ở Việt Nam có một số ngành chưa phát triển nhưng ở Mỹ, Singapore, ... ngành đó lại phát triển hơn thì tại sao du học sinh trong ngành cứ khăng khăng rằng chỉ về nước mới là đóng góp và yêu nước?

Trong khi thực tế, việc học hỏi kiến thức từ những nền giáo dục tốt hơn, gửi ngoại tệ về cho nước nhà, nghiên cứu làm rạnh danh cho đất nước,... cũng đều là những việc xứng đáng được khen ngợi và tôn vinh.

Em thấy hiện nay có một số bạn đi du học và dự định ở lại vì cho rằng giáo dục và môi trường Việt Nam không đủ tốt. Em nghĩ ý kiến này nên xét trên từng cá nhân một, đó là liệu giáo dục và môi trường có đủ tốt và phù hợp cho chính mình không?

Nếu con tim luôn hướng về đất nước


Nguyễn Sử Phương Phúc với danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp ĐH Bách khoa Bucharest (Romania)

Nguyễn Sử Phương Phúc với danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp ĐH Bách khoa Bucharest (Romania)

Nguyễn Sử Phương Phúc – 9X Việt đã tạo nên kỳ tích khi trở thành SV quốc tế đầu tiên trong lịch sử gần 200 năm thành lập ĐH Bách khoa Bucharest (Romania) đạt danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp của trường cho rằng, lựa chọn ở hay về không thể áp dụng cho tất cả DHS, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân như hoàn cảnh, gia đình, tính cách, khả năng của mỗi cá nhân.

“Theo mình, những người trở về chủ yếu là do muốn sống gần gia đình hoặc không đủ khả năng xin việc ở nước sở tại. Còn việc vĩ mô kiểu như “đóng góp cho đất nước” thì mình nghĩ ở đâu chúng ta cũng có thể đóng góp được, không quan trọng là trong hay ngoài nước.

Nếu con tim ta luôn hướng về đất nước, thì dù ở nước ngoài nhưng vẫn hoàn toàn có thể đóng góp bằng nhiều cách khác nhau. Tóm lại, mình câu chuyện đang được dư luận bàn cãi kịch liệt này suy cho cùng chỉ mang tính cá nhân”.

Nên xem xét một câu hỏi khác thú vị hơn “ở hay về”


Vương Gia Hiếu, tân cử nhân ngành Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại ĐH Warwick, Anh quốc

Vương Gia Hiếu, tân cử nhân ngành Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại ĐH Warwick, Anh quốc

Vương Gia Hiếu, chàng trai Việt vừa tốt nghiệp ngành Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại  ĐH Warwick, Anh quốc cho biết, trong trường hợp bản thân, nếu xin được việc, Hiếu sẽ chọn ở lại một thời gian ngắn tại Anh quốc vì đó là cơ hội rất hiếm để được làm việc tại môi trường quốc tế.

Hiếu lý giải: “Lý do vì sao mình quyết định ở lại chỉ trong thời gian ngắn là tại vì mình muốn ở gần gia đình và bạn bè về mặt lâu dài. Nhưng đây là trường hợp cá nhân. Mình hiểu cho những ai mà muốn ở lại nước ngoài làm việc về mặt lâu dài do cơ hội làm việc ở nước nhà chưa đủ thu hút.

Điều này gắn liền với câu hỏi “du học sinh” ở đây là những ai và đến từ những bối cảnh nào? Ví dụ, mình hoàn toàn hiểu cho bạn nào mà đang thành đạt trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) ở nước ngoài và muốn ở lại về mặt lâu dài.

Sự thật là về những lĩnh vực cụ thể này, đất nước ta chưa có những điều kiện và cơ sở hạ tầng để giúp những cá nhân như trên phát huy tối đa khả năng và khai thác triệt để tiềm năng của họ.

Đây chỉ là một trong vô vàn những trường hợp nằm trong chủ đề lớn này và để đi thẳng vào và trả lời câu hỏi “DHS nên ở lại hay về nước?” thì dường như mình đang đơn giản hoá một chủ đề mà thực chất lại rất phức tạp.

Ngoài ra, đối với mình, cuộc tranh luận dường như đang tập trung vào phía “du học sinh” hơi nhiều, trong khi một câu hỏi thú vị khác mà chúng ta nên xem xét là “Xã hội nên cải cách và làm những gì để thu hút DHS về nước?”.

Lệ Thu