Chấn chỉnh các hoạt động tổ chức dịch vụ tư vấn du học

(Dân trí) – Bắt đầu từ 15/3, Tổ chức dịch vụ tư vấn du học phải có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm giải quyết các trường hợp rủi ro; có tiến ký quỹ tối thiểu 500 triệu đồng tại ngân hàng thương mại.

Đây là một trong những yêu cầu để Tổ chức dịch vụ tư vấn du học (DVTVDH) được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động DVTVDH vừa được Chính phủ ban hành trong quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập

Ngoài ra để được cấp giấy Chứng nhận phải thỏa mãn thêm các điều kiện khác. Cụ thể, được thành lập theo quy định pháp luật; Có trụ sở, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động cung cấp DVTVDH. Người đứng đầu tổ chức DVTVDH và nhân viên trực tiếp TVDH phải có trình độ ĐH trở lên, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học do Bộ GD-ĐT cấp. Tổ chức DVTVDH chỉ được phép hoạt động cung cấp DVTVDH khi được cấp giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động DVTVDH.

Quy định này cũng cho biết, Sở GD-ĐT cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động DVTVDH cho tổ chức đăng ký hoạt động DVTVDH. Đơn vị này cũng có trách nhiệm gửi Bộ GD-ĐT danh sách các tổ chức DVTVDH đã được chứng nhận đăng ký hoạt động để Bộ GD-ĐT công bố công khai trên trang tin điện tử của Bộ GD-ĐT.

Về mặt hồ sơ, quy định của Chính phủ cũng yêu cầu có Đề án hoạt động của tổ chức DVTVDH, có xác nhận của người đại diện theo pháp luận với những nội dung chủ yếu gồm: Mục tiêu, nội dung hoạt động; cơ sở vật chất; khả năng tài chính; trình độ, năng lực của người đứng đầu và các nhân viên trực tiếp TVDH; khả năng khai thác và phát triển DVTVDH ở nước ngoài; luận chứng về khả năng hoạt động của tổ chức; kế hoạch thực hiện, các biện pháp tổ chức thực hiện; các phương án, quy trình tổ chức DVTVDH; phương án giải quyết khi gặp vấn đề rủi ro.

Cũng theo quy định này thì tổ chức DVTVDH sẽ bị đình chỉ hoạt động nếu gian lận để được cấp giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động DVTVDH; Không đủ điều kiện để được cấp giấy Chứng nhận; Dừng hoạt động 6 tháng liên tục kể từ ngày được phép hoạt động mà không thông báo với cơ quan cấp chứng nhận đăng ký hoạt động; vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ ; cho thuê hoặc cho mượn giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động DVTVDH; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Sẽ bị thu hồi quyết định nếu tổ chức DVTVDH bị giải thể theo quy định của pháp luật; trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, tổ chức DVTVDH vẫn tiếp tục hoạt động DVTVDH; trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng hoạt động DVTVDH, tổ chức DVTVDH bị đình chỉ hoạt động lần thứ 3; Hết thời hạn đình chỉ hoạt động mà tổ chức DVTVDH không đáp ứng đủ điều kiện hoạt động trở lại; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Việc thu hồi giấy Chứng nhận do Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm.

Quyết định đình chỉ hoạt động/thu hồi giấy Chứng nhận đối với tổ chức DVTVDH phải xác định rõ lý do đình chỉ/ thu hồi, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền lợi của người học. Quyết định đình chỉ/thu hồi phải được công bố công khai ít nhất trên một tờ báo địa phương nơi tổ chức DVTVDH đặt trụ sở trong 03 số liên tiếp và tại cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT.

Khi phát hiện tổ chức DVTVDH có hành vi vi phạm, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm yêu cầu Sở GD-ĐT đình chỉ hoạt động đối với tổ chức DVTVDH hoặc thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động DVDH đã cấp.

Theo quy định của Chính phủ thì các tổ chức DVTVDH phải thực hiện báo cáo theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; Tổ chức cử hoặc cung cấp DVTVDH và gửi người Việt Nam ra nước ngoài học tập có trách nhiệm đôn đốc lưu học sinh (LHS) do mình quản lý, cử, gửi ra nước ngoài học tập thực hiện việc đăng ký thông tin LHS vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý LHS.

S.H