Chàng trai nghèo Bình Định chia sẻ kinh nghiệm “săn” học bổng ĐH Paris 7

(Dân trí) - “Khi còn học phổ thông, rồi vào đại học tôi chỉ hi vọng ra trường về quê xin đi dạy học. Nhưng một câu nói ví von rất hay của cô giáo “các em nên thoát ra lũy tre làng” là động lực để tôi theo đuổi đam mê”, Lê Ngọc Trẫm chia sẻ.

"Cơ hội nhận học bổng du học nước ngoài của các bạn là như nhau. Song, ngoại ngữ kém cùng với bảng thành tích học tập không ấn tượng là nguyên nhân khiến các bạn sinh viên Việt Nam tuột mất cơ hội", đó là kinh nghiệm rút ra của Lê Ngọc Trẫm (cựu sinh viên khoa Vật lý, Trường ĐH Quy Nhơn), hiện là nghiên cứu sinh trong lĩnh vực Vật lý thiên văn tại Trường ĐH Paris 7.

Lê Ngọc Trẫm, một chàng trai con nhà nghèo quê Phú Yên, hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Vật lý thiên văn tại Pháp
Lê Ngọc Trẫm, một chàng trai con nhà nghèo quê Phú Yên, hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Vật lý thiên văn tại Pháp

“Phải thoát ra khỏi lũy tre làng”

PV tình cờ gặp được chàng nghiên cứu sinh Lê Ngọc Trẫm (26 tuổi, quê Phú Yên) tại buổi giao lưu, trò chuyện của giáo sư Trịnh Xuân Thuận với công chúng yêu khoa học tỉnh Bình Định trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII diễn ra ở TP Quy Nhơn.

Chẳng ai biết rằng chàng nghiên cứu sinh từng là cậu học trò nghèo ở một tỉnh của miền Trung lại có tuổi thơ kém may mắn. Sinh ra trong một gia đình cha mẹ làm nông thuộc diện hộ nghèo, lên 5 tuổi ba mẹ li thân, 9 tuổi thì ba mẹ quyết định ly dị nên Trẫm và em gái phải ở với mẹ.

Vượt qua bao khó khăn, Trẫm cố gắng học tập xong lớp 12, rồi thi đậu đại học. Thương mẹ, Trẫm cũng không chọn học xa nhà mà chọn khoa Vật lý - Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định) cho gần mẹ và em gái.

Kết thúc 4 đại học như bao bạn sinh viên khác, Trẫm muốn trở về quê xin việc đi dạy ổn định cuộc sống để có thời gian chăm lo cho mẹ. Nhưng nghiệp học vấn tiếp tục khi Trẫm gặp được những người thầy, người cô đã “truyền lửa” đam mê học tập, nghiên cứu khoa học.

Lê Ngọc Trẫm (trái) phiên dịch cho GS. Trịnh Xuân Thuận trong buổi giao lưu với công chúng yêu khoa học tỉnh Bình Định
Lê Ngọc Trẫm (trái) phiên dịch cho GS. Trịnh Xuân Thuận trong buổi giao lưu với công chúng yêu khoa học tỉnh Bình Định

Năm 2012, nghe lời cô giáo, Trẫm tự làm cuộc “cách mạng” khi quyết định ra Hà Nội tiếp tục học lên thạc sĩ tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Đến đầu năm 2014, Trẫm may mắn nhận học bổng của Trường ĐH Paris 7 (Pháp) rồi qua Pháp du học bảo vệ luận văn tiến sĩ.

“Khi còn học phổ thông, rồi vào đại học, cứ nghĩ học xong ra trường xin việc đi dạy vì mình học ngành sư phạm. Nhưng rồi cô Nguyễn Thị Minh Phương là người giúp tôi nhiều nhất đã giới thiệu ra Hà Nội học. Vì mới ra trường xin việc đi dạy cũng khó, nếu thực sự có năng lực và đam mê thì tiếp tục học cao lên.

Khoảng thời gian học ở Hà Nội, mình cũng nhận được nhiều học bổng cũng đủ trang trải cuộc sống. May mắn hơn mình tiếp tục nhận học bổng của Trường ĐH Paris 7, rồi qua Pháp làm luận văn tiến sĩ”, Trẫm chia sẻ.

“Khi mình học thạc sĩ một cô giáo có câu nói rất hay, cô hay ví von: “Các em nên thoát ra khỏi lũy tre làng”, đó là động lực để mình phấn đấu học tập cao hon”, chàng nghiên cứu sinh chia sẻ thêm.

Thế nhưng, một điều buồn khi Trẫm đang bước trên con đường thành danh, còn cô em gái cũng đang là sinh viên năm 3 ĐH Ngân hàng ở Hà Nội thì người mẹ tần tảo sớm hôm nuôi 2 anh em ăn học lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo đang phải xạ trị.

“Cả đời lam lũ hy sinh vì con cái, tuy anh em mình chưa thành đạt nhưng cũng lớn thì mẹ lại bị bệnh nặng. Cũng may phát hiện sớm đang xạ trị nên sức khỏe mẹ cũng tạm ổn”, Trẫm trầm tư nói.

Đừng nghĩ ai du học cũng tài giỏi

Lê Ngọc Trẫm, hiện là nghiên cứu sinh về Vật lý thiên văn tại Paris (Pháp). Qua hơn 2 năm sống và học tập tại Pháp, Trẫm nhận ra rằng không phải ai đi du học nước ngoài là giỏi hết nhưng vấn đề có ngoại ngữ để nắm bắt cơ hội, nhiều lúc cơ hội đến với mình rất tình cờ.

“Lúc mình xin học bổng đi học thạc sỹ có một thầy từ Trường ĐH Paris 7 sang Hà Nội dạy và gặp thầy. Khi đó thầy hỏi em có chỗ để làm luận văn chưa. Mình trả lời bằng tiếng Anh, rồi hỏi thầy phòng nghiên cứu của thầy có những đề tài nào để làm luận văn thạc sĩ hay không.

Thầy lên mạng chỉ cho mình một trang web khoa của ĐH Paris 7, chỉ cho mình một số đề tài mình thích đề tài nào thì chọn. Sau đó, thầy mới về trường trao đổi với một thầy trưởng khoa đó. Một thời gian sau, mình nhận được e mail của thầy nói có một đề tài này em có muốn làm hay không và em đồng ý ngay”, Trẫm kể lại.

Lê Ngọc Trẫm (ngoài cùng phải) chụp hình với nhóm bạn yêu Vật lý thiên văn cùng giáo sư nước ngoài
Lê Ngọc Trẫm (ngoài cùng phải) chụp hình với nhóm bạn yêu Vật lý thiên văn cùng giáo sư nước ngoài

Chia sẻ về kinh nghiệm “săn” học bổng du học nước ngoài, Trẫm nói thêm: “Thứ nhất, xin học bổng của Chính phủ Việt Nam. Thứ hai, liên hệ với các giáo sư mà mình biết thông qua thầy cô hay trực tiếp mình biết. Tuy nhiên phải chứng tỏ được năng lực và ham muốn thì sẽ được tạo điều kiện cho học bổng.

Thứ ba, riêng ở Pháp có một trường Ecole Doctorale (gọi là trường tiến sĩ), trường này hàng năm sẽ có những đề tài trong lĩnh vực đó sẽ nhận bao nhiêu người học tiến sĩ. Nếu muốn lĩnh vực nào thì tra cứu thường xuyên lĩnh vực, đề tài nào yêu thích. Sau đó, liên hệ với các thầy cô chịu trách nhiệm đề tài đó. Họ sẽ có cuộc phỏng vấn, nếu được thì chính phủ Pháp sẽ cấp tiền cho làm nghiên cứu sinh”.

Trẫm cũng dành lời khuyên cho những sinh viên muốn đi du học nước ngoài: “Tùy mình đi theo diện nào, đi theo diện học bổng toàn phần hay do tự túc. Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên mình phải tìm hiểu văn hóa của đất nước mà bạn sẽ đến”, Trẫm nói.

Là nghiên cứu sinh ở Pháp hơn 2 năm trong môi trường giáo dục hiện đại, được những giáo sư giảng dạy, Trẫm cho rằng môi trường giáo dục ở Việt Nam còn thua xa so với ở Pháp. “Sinh viên Việt Nam rất giỏi nhưng không mạnh dạn, nhất là sinh viên miền Trung phần đông là không mạnh dạn nói lên ý kiến của mình.

Điều đó hoàn toàn trái ngược với giáo dục ở nước ngoài, không biết cứ hỏi, dù đó là câu hỏi ngớ ngẩn nhất nhưng sẽ nhận được câu trả lời chân thành. Cách giáo dục họ cũng khác để cho sinh viên tự do tìm hiểu, tự ngộ ra vấn đề đó. Thầy cô đa phần dạy cho sinh viên những môn nghiên cứu chuyên sâu, làm cái gì thì dạy sâu về cái đó chứ không dạy lan man”, Trẫm nói.

Là người đang nghiên cứu về vật lý thiên văn, Trẫm cũng có lời khuyên cho các bạn trẻ Việt Nam yêu thiên văn: “Tùy các bạn muốn chọn theo hướng nào nhưng tốt nhất các bạn cần có cái nền tốt về vật lý, toán học và ngoại ngữ đó là điều rất cần thiết”, Trẫm nói.

Dự định về tương lai, Trẫm vui vẻ nói: “Sẽ cố gắng hoàn thành luận văn tiến sĩ sau đó ở lại Pháp làm việc một thời gian để học hỏi kinh nghiệm thêm. Sau đó, nếu có cơ hội về Việt Nam cống hiến cho đất nước”.

Tuy nhiên, một điều mà Trẫm băn khoăn là mức lương khi trở về nước làm việc liệu có đảm bảo cho cuộc sống vừa làm việc cống hiến và nghiên cứu.

Doãn Công