Chủ nhân "bài luận về áo ngực" gây sốt từng chinh phục 10 ĐH top đầu Mỹ

(Dân trí) - Sinh năm 1992, thích viết sách, vẽ tranh, làm thiện nguyện, đam mê nghiên cứu khoa học và ước mơ trở thành bác sĩ là vài nét phác về Tô Mỹ Ngọc – cô gái Việt đỗ ĐH Harvard nhờ bài luận về chiếc áo ngực đang gây “sốt” cộng đồng hỏi đáp hàng đầu thế giới Quora.

Không quan tâm điểm số


Yêu thích viết văn, Mỹ Ngọc từng xuất bản một cuốn sách khi còn là SV Harvard.

Yêu thích viết văn, Mỹ Ngọc từng xuất bản một cuốn sách khi còn là SV Harvard.

Là con út trong gia đình có 3 chị em gái ở tỉnh Long An, từ năm 1 tuổi Ngọc theo bố mẹ chuyển đến thành phố Atlanta, bang Georgia sinh sống. Gia đình gốc Việt đã trải qua những năm tháng đầu mưu sinh vất vả, cơ cực ở xứ người. Bố mẹ Ngọc vốn là giáo viên, khi sang Mỹ phải đi làm thuê ở công xưởng, nhà hàng. Về sau, bố mẹ Ngọc cố gắng đi học lấy bằng mở hai tiệm nail, cuộc sống gia đình dần bớt chật vật.

Thời gian đầu sang Mỹ, cô bé gốc Việt phải theo học các lớp tiếng Anh ở trình độ thấp vì không theo kịp bạn bè. Từ năm lớp 3, Mỹ Ngọc bắt nhịp được ngôn ngữ. Bằng sự nhanh trí và ham hiểu biết, cô dần hòa nhập văn hóa Mỹ. Yêu thích các hoạt động thiện nguyện và kết nối cộng đồng, nữ sinh gốc Việt trở thành một trong những “thủ lĩnh” học sinh năng nổ ở trường.

Điểm số của Ngọc luôn dẫn đầu lớp, thậm chí vượt trội hơn các bạn gốc Mỹ. Cô tốt nghiệp cấp 3 với điểm GPA tuyệt đối 4.0. Không quan trọng điểm số, điểm nổi bật ở Mỹ Ngọc là lòng kiên nhẫn, chú tâm học hành thỏa mãn hiểu biết và không quên dành thời gian cho những sở thích như viết văn, vẽ tranh, chơi nhạc.

Hết cấp 3, Ngọc nộp đơn vào 11 trường ĐH tốt nhất nước Mỹ, trong đó có nhiều cái tên “đình đám” như Harvard, Columbia, Yale, Chicago, Brown… Kết quả, 10/11 trường đã gửi thư chúc mừng trúng tuyển cho cô gái gốc Việt (ngoại trừ ĐH Yale).


Ngọc và bố ở khuôn viên ĐH Harvard.

Ngọc và bố ở khuôn viên ĐH Harvard.

Bằng một chất giọng tự nhiên, Ngọc đùa rằng, cô đã từng “hết hồn” khi nhận được kết quả vì bản thân chưa từng nghĩ mình sẽ đậu các trường top, thuộc nhóm Ivy League này. Đó là dấu mốc lớn thay đổi cuộc sống của cô gái gốc Việt.

Theo đuổi ngành Tâm lý học tại ĐH Harvard, khi tốt nghiệp ngôi trường danh tiếng bậc nhất thế giới, 9X gốc Việt xuất sắc nhận giải thưởng danh giá “After Harvard Award”. Đây là giải thưởng nhà trường trao cho những nhân vật mà họ tin, sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới cộng đồng ở bất cứ lĩnh vực nào và có khả năng “thay đổi thế giới” sau khi rời giảng đường Harvard.

Chuyện về chiếc áo ngực – sự thay đổi phản biến cái mới

Câu chuyện về chiếc áo ngực đang gây sốt trên trang Quora, một trong những cộng đồng hỏi - đáp hàng đầu thế giới của Mỹ Ngọc là bài luận phụ đã giúp cô chinh phục ĐH Harvard.

Trao đổi với PV Dân trí, Mỹ Ngọc bày tỏ niềm vui khi bài luận của mình được nhiều người quan tâm yêu thích. Bản thân Ngọc rất đam mê viết văn, cô đã tự xuất bản một cuốn sách về gia đình mình khi còn là sinh viên Harvard.

Cá nhân Ngọc từng rất buồn khi phải mang áo ngực. Một khi mặc áo ngực rồi thì không thể nào không mặc áo ngực nữa. Đối với Ngọc, nó là dấu mốc minh chứng cho sự tan biến của tuổi thơ và những trách nhiệm lớn dần. Khi học một lớp viết văn, cô biết thêm rằng một ngày nào đó những ngôi sao thiêng liêng rồi cũng chết.

“Nhưng có một điều diệu kì là những ngôi sao đã chết rồi có thể biến thành một ngôi sao mới. Ngọc thấy, trong sự thay đổi có thể phản biến về những cái mới, không phải kết thúc hẳn mà có thể là sự khởi đầu. Cũng như vậy, chúng ta luôn có cơ hội đi đường mới, làm lại bản thân mình”, Ngọc giải thích về thông điệp bài luận.


Ngày tốt nghiệp, cô gái gốc Việt xuất sắc nhận giải thưởng cho người có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng từ ĐH Harvard.

Ngày tốt nghiệp, cô gái gốc Việt xuất sắc nhận giải thưởng cho người có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng từ ĐH Harvard.

Viết luận cũng như nấu một món ăn

“Chiếc áo ngực và “tấm vé” vào Harvard có phải là minh chứng rằng, một chủ đề có vẻ bình thường thậm chí tầm thường lại có khả năng gây ấn tượng hơn những điều cao siêu, to tát?”. Cô gái gốc Việt cười, kể câu chuyện một người bạn sau khi biết cô vào ĐH Harvard nhờ bài luận về áo ngực đã “tham khảo” và cho ra đời bài luận về… chiếc quần lót. Đáng tiếc, bài luận về chiếc quần lót của anh bạn kia đọc khá kì cục và không đạt kết quả trúng tuyển như mong muốn.

Cô nàng chia sẻ: “Ngọc thích nhìn những chuyện rất bình thường, tầm thường để suy nghĩ sâu sắc về nó nhưng đó là cách của Ngọc. Nhiều người khác thì suy nghĩ lớn hơn, miễn sao điều đó thực sự quan trọng với họ”.

“Đừng viết để cho người ta thích mình, viết về điều gì quan trọng trong trái tim”, Mỹ Ngọc hé lộ bí quyết viết luận.

Theo chủ nhân 10 học bổng ĐH hàng đầu Mỹ, cách chọn chủ đề, câu chuyện, giọng văn, cảm xúc thể hiện trong bài luận đều là những yếu tố làm nên bài luận tốt.

“Nếu viết về một câu chuyện hay nhưng cách viết không cảm xúc thì không tốt, nhưng nếu có câu chuyện, cảm động nhưng giọng "phách” quá hoặc nghiêm quá cũng chưa chắc tốt được. Bài luận giống như món ăn, cần sự vừa vặn, chăm chút và nêm nếm từ chính trái tim, sự trải nghiệm, cá tính của người cầm bút”, Mỹ Ngọc ví.


Một trái tim chân thành, không gượng ép giúp Ngọc chinh phục thử thách trong học tập và cuộc sống.

Một trái tim chân thành, không gượng ép giúp Ngọc chinh phục thử thách trong học tập và cuộc sống.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Harvard, cô gái Việt tham gia một nghiên cứu mới ở bệnh viện về cải tiến cách thức chăm sóc cho bệnh nhân bằng thiền – “trị bệnh từ tâm”.

Trong tương lai, Mỹ Ngọc dự định nộp đơn vào trường Y để theo đuổi ngành bác sĩ. Cô gái 25 tuổi tâm sự, nếu học thêm ngành bác sĩ thì thời gian sẽ kéo dài thêm khoảng 8 năm (4 năm học, 4 năm thực tập) nhưng đối với cô, đó là giấc mơ.

“Miễn bản thân cố gắng đạt được chứ không quan trọng mình lớn tuổi cỡ nào”, cô gái gốc Việt tâm sự.

Lệ Thu

(Ảnh NVCC)