Chủ nhân tấm huy chương Fields danh giá từng suýt theo ngành… văn học

(Dân trí) - Giáo sư Alessio Figalli, 34 tuổi, là 1 trong 4 nhà toán học vinh dự được trao huy chương Fields 2018 – giải thưởng vốn được coi như giải Nobel toán học. Con đường nghiên cứu toán học chuyên nghiệp đến với ông khá bất ngờ khi trước đó ông từng theo học chuyên ngành văn học.

Ông Figalli sinh năm 1984 tại Rome, Italia. Cha của ông là một giáo sư kỹ thuật, mẹ ông là một giáo viên trung học. Căn nhà của gia đình ông luôn tràn ngập các cuốn sách về lịch sử Hy Lạp và thần thoại.


Giáo sư Alessio Figalli, một trong 4 nhà toán học nhận giải thưởng Fields 2018. (Ảnh: Gian Marco Castelberg)

Giáo sư Alessio Figalli, một trong 4 nhà toán học nhận giải thưởng Fields 2018. (Ảnh: Gian Marco Castelberg)

Khi còn nhỏ, cậu bé Figalli thích chơi bóng đá, xem hoạt hình và ra ngoài chơi cùng bạn bè. Cậu cũng luôn muốn làm bài về nhà trước để có thể dành toàn bộ thời gian còn lại chơi đùa. Với ông, đây là một môn học khá dễ, một bộ môn mà ông có thể dễ dàng dành điểm cao mà không cần phải tốn công khổ luyện.


Giáo sư Figalli khi còn nhỏ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Giáo sư Figalli khi còn nhỏ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Quả thực, phải mất một khoảng thời gian, môn toán mới chinh phục được Figalli và khiến ông đam mê theo đuổi. Tại Italia, học sinh có thể đăng ký học tại các trường trung học chuyên tự nhiên hoặc thiên về văn học. Mặc dù Figalli khá thích các môn khoa học, nhưng ông cũng sẵn sàng theo học văn học theo nguyện vọng của cha mẹ.

Lúc đó, cậu bé “láu cá” Figalli đã nghĩ như sau: “Sao lại không nhỉ? Thường thì sẽ có nhiều bạn nữ trong các trường chuyên văn hơn là trường khoa học, đó là điểm “được” đấy”.

Chỉ đến khi học năm ba trung học, Figalli mới bắt đầu dành nhiều thời gian nghiên cứu toán học. Một đồng nghiệp của cha ông đã khuyến khích Figalli tham gia cuộc thi toán quốc tế Olympiad.

Cũng từ đây, Figalli nhận ra “có những vấn đề toán học mà việc tìm ra lời giải không hề dễ dàng, đòi hỏi phải tìm tòi sáng tạo” và bắt đầu có cảm giác “lĩnh ngộ” khi giải toán.


Con đường đến với sự nghiệp nghiên cứu toán học chuyên nghiệp của giáo sư Alessio Figalli hết sức tình cờ. (Ảnh: Quanta Magazine)

Con đường đến với sự nghiệp nghiên cứu toán học chuyên nghiệp của giáo sư Alessio Figalli hết sức tình cờ. (Ảnh: Quanta Magazine)

Sau đó, Figalli được nhận vào Đại học dành cho sinh viên chuyên toán và khoa học Scuola Normale Superiore of Pisa. Tuy nhiên, sinh viên Figalli không phải là một thành viên nổi bật trong lớp khi đang ngồi học cùng những sinh viên hàng đầu Italia mà thậm chí không biết làm toán đạo hàm.

“Cậu ấy tụt lại khá xa so với những bạn học được đào tạo chuyên sâu trước đó”, Luigi Ambrosio, giáo viên của Figalli tại đại học nhớ lại.

Tuy nhiên, Figalli chỉ mất 1 năm để theo kịp các bạn cùng lớp và thậm chí còn bỏ xa họ khi tốt nghiệp đại học chỉ trong 2 năm. Ông lấy bằng Tiến sĩ năm 2007 chỉ sau 1 năm nghiên cứu.

Ông được phong Phó giáo sư tại đại học Texas (Mỹ) khi mới 25 tuổi và chính thức trở thành Giáo sư ở tuổi 27. Ông bắt đầu giảng dạy tại đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ) từ năm 32 tuổi đến nay.

Ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng và việc nhận được huy chương toán học thế giới Fields là một cột mốc mới trong sự nghiệp của ông.

Hiện tại, nhà toán học trẻ người Italia này có vẻ ngoài vô cùng “thư sinh”: cao ráo, cân đối và phong cách. Từng là một học sinh chuyên ngành văn học, không có chút liên quan nào tới môn toán, ông đã trở thành người giải quyết nguyên lý toán phân tích “khó nhằn”, liên quan tới tính chất của một số loại phương trình đặc biệt.

Những kết quả nghiên cứu của ông mang tính ứng dụng sâu rộng từ hình dạng của các tinh thể tới các loại hình thời tiết hay cách băng tan ra trong nước. Chính những nghiên cứu đột phá này đã giúp ông được trao huy chương toán học quốc tế Fields 2018.

Nhà toán học thuộc đại học Texas, Luis Caffarelli, đã giới thiệu giáo sư Figalli tại lễ trao huy chương Fields hôm 1/8: “Những đóng góp của ông là vô cùng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực”.

Phát biểu khi nhận được giải thưởng danh giá, giáo sư Figalli cho biết: “Tôi vô cùng vinh dự khi nhận được huy chương Fields. Huy chương là sự công nhận không chỉ những nghiên cứu của tôi mà còn là toàn ngành khoa học phân tích nói chung. Bản thân tôi luôn cảm thấy có động lực thôi thúc tham gia nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn”.

Giáo sư tin rằng sự sáng tạo là yếu tố then chốt trong việc tìm ra những cách thức và kỹ thuật giải quyết những vấn đề toán học. Nguyện vọng của ông là truyền cảm hứng cho các học sinh của mình về bộ môn toán học thú vị và đầy tính sáng tạo.

Minh Hương

(Tổng hợp)