“Chúng tôi mất 2 năm tìm hiểu để xây trường quốc tế tại Việt Nam”

(Dân trí) - “Chúng tôi công nhận luật pháp của Việt Nam cũng đã khá rành mạch về quy trình, điều kiện và các văn bản cần thiết từ nhà đầu tư.  Chúng tôi đã phải bỏ ra gần 2 năm để tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu giáo dục của các gia đình người nước ngoài và người Việt Nam đang sinh sống tại Hà Nội để đi đến quyết định cho ngôi trường mới…”

Đó là chia sẻ của ông Phạm Đức Trung Kiên, Việt kiều Mỹ, người đã được Nhà Trắng và Quốc Hội Hoa Kỳ giao trọng trách khởi đầu và xây dựng Quỹ Giáo Dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation). Hiện ông Phạm Đức Trung Kiên là thành viên Hội đồng quản trị Trường quốc tế ISPH tại Khu đô thị ParkCity Hà Nội (trường có trong danh sách 11 trường quốc tế được Sở GD&ĐT Hà Nội công nhận).

Từ vụ lùm xùm, lập lờ trường mang danh “quốc tế” gây tranh cãi tại Hà Nội, phóng viên Dân trí đã có trao đổi với ông Phạm Đức Trung Kiên về quy trình xin giấy phép thành lập trường quốc tế, về hoạt động, cam kết chất lượng, về đầu tư kinh doanh giáo dục…

“Chúng tôi mất 2 năm tìm hiểu để xây trường quốc tế tại Việt Nam” - 1

Ông Phạm Đức Trung Kiên

Phóng viên: Trường Mầm non và Phổ thông quốc tế ParkCity Hà Nội có 100% vốn nước ngoài được Sở GD&ĐT Hà Nội cấp phép hoạt động. Ông có thể cho biết quy trình xin để được cấp phép đào tạo trường quốc tế này như thế nào?

Ông Phạm Đức Trung Kiên:  Để được giấy phép thành lập và điều hành Trường quốc tế ISPH tại ParkCity Hà Nội, chúng tôi đã phải đi qua một quy trình khá rõ ràng nhưng đòi hỏi nhiều công sức và sự chuẩn bị chu đáo. 

Chúng tôi công nhận luật pháp của Việt Nam cũng đã khá rành mạch về quy trình, điều kiện và các văn bản cần thiết từ nhà đầu tư.  Chúng tôi đã phải bỏ ra gần 2 năm để tìm hiểu và so sánh giữa các hệ giáo dục quốc tế như IB (tú tài quốc tế), AP (Hoa Kỳ) và Cambridge (Anh Quốc). 

 Chúng tôi cũng đã phải nghiên cứu nhu cầu học tập và nhu cầu giáo dục của các gia đình người nước ngoài và người Việt Nam đang sinh sống tại Hà Nội để đi đến quyết định lựa chọn chương trình Cambridge cho ngôi trường mới của chúng tôi. 

 Sau đó, chúng tôi đã phải thành lập một đội ngũ chuyên gia để soạn thảo rất nhiều tài liệu liên quan đến việc giảng dạy chương trình Cambridge, cũng như các chương trình Văn, Sử, Địa theo quy định của Bộ giáo dục để tạo thành một bộ hồ sơ rất dày nộp vào các cơ quan chức năng xin thành lập trường. 

Sau khi hồ sơ đã được thẩm định ở các cơ quan, Sở giáo dục & đào tạo Hà Nội đã tổ chức những chuyến đến khảo sát thực địa về địa điểm và cơ sở vật chất của ngôi trường mới trong khu đô thị ParkCity trước khi có quyết định cho phép thành lập trường hay không. 

Sau đó, trước khi được giấy phép hoạt động, chúng tôi cũng phải nộp hồ sơ cá nhân của hiệu trưởng và các giáo viên nước ngoài với tất cả các giấy tờ chứng minh đầy đủ khả năng giảng dạy của họ để các cơ quan chức năng cho phép nhà trường chính thức đi vào hoạt động.  Nói chung, đây là một quá trình đòi hỏi rất nhiều chuyên môn về giáo dục và sự đầu tư lớn về thời giờ từ người sáng lập trường. 

Tôi nghĩ đầu tư vào một ngôi trường quốc tế không phải là một thương vụ đầu tư bình thường mà ai cũng có thể làm được.  Tôi và các cộng sự đều có niềm đam mê về giáo dục nên mới theo đuổi con đường này.  

Việc lùm xùm, lập lờ tên trường “quốc tế” tại Hà Nội vừa qua, là chủ đầu tư nước ngoài trên thị trường giáo dục Việt Nam, ông có nhận xét gì?

Tôi nghĩ có lẽ chúng ta không nên có một cái nhìn quá khắt khe đối với những ngôi trường đang cố gắng cung cấp một trải nghiệm giáo dục quốc tế cho các con em Việt Nam. 

Tôi cũng thông cảm với mong muốn của các nhà quản lý giáo dục và tôi hi vọng mọi người cùng nhìn về mục tiêu chung là việc giáo dục con em chúng ta một cách tốt nhất có thể trong hoàn cảnh đang phát triển của Việt Nam hôm nay. 

Tôi nghĩ phụ huynh phải là người có trách nhiệm to lớn nhất trong việc tìm hiểu về ngôi trường mà mình muốn đưa con em đến học.  Chúng tôi thành lập trường ISPH cũng trong mục đích là tạo thêm một sự chọn lựa mới, có chất lượng cao, cho các phụ huynh tại Hà Nội. Để tạo điều kiện cho các gia đình Việt Nam, chúng tôi cũng đã thiết kế một chương trình đặc biệt có giới hạn 4 năm trong đó cha mẹ sẽ không phải đóng học phí. 

Có ý kiến cho rằng, “về bản chất hầu hết những người sáng lập và đầu tư trường quốc tế ở Việt Nam hiện nay họ là những người làm kinh tế và chúng ta hãy nhìn lại họ bằng thái độ sòng phẳng của nghề kinh doanh giáo dục”, vậy ý kiến của ông như thế nào?

Theo tôi, tư duy về giáo dục đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra từ nhiều thập niên trước, “Vì lợi ích 10 năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người.”  Chúng tôi chia sẻ quan điểm căn bản này trong việc thành lập Trường quốc tế ISPH.

Trường quốc tế ISPH nằm dưới sự quản lý của Sở giáo dục và Ủy ban Nhân dân Thủ đô Hà Nội, chúng tôi tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt và báo cáo minh bạch, đều đặn đến các cơ quan chức năng. 

Chúng tôi mong muốn các nhà quản lý giáo dục và các cơ quan chức năng tiếp tục khuyến khích sự trao đổi, gắn kết giữa các trường quốc tế và các trường Việt Nam để học sinh Việt Nam và học sinh nước ngoài có thể học hỏi lẫn nhau và trở thành những công dân toàn cầu từ khi vẫn còn đang học tại Hà Nội. 

Xin trân trọng cám ơn ông!

Ông Phạm Đức Trung Kiên là Việt kiều Mỹ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục.  Trước khi đưa gia đình về Việt Nam năm 2006, ông Kiên đã được Nhà Trắng và Quốc Hội Mỹ giao trọng trách khởi đầu và xây dựng Quỹ Giáo Dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation) nhằm giúp Việt Nam đào tạo các tiến sĩ các đại học tốt nhất ở Hoa Kỳ. 

Sau 15 năm hoạt động, quỹ VEF đã tuyển và đưa sang Mỹ đào tạo khoảng 600 học viên trong ngành khoa học & công nghệ. Các học viên này đều đã trở về nước làm việc.

Hiện nay, ông Kiên là thành viên Hội đồng quản trị Trường quốc tế ISPH tại Khu đô thị ParkCity Hà Nội, hệ thống Trường Việt Úc tại thành phố Hồ Chí Minh…  Đồng thời, ông cũng là người sáng lập và điều hành tổ chức xã hội từ thiện Vietnam Foundation với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Nhật Hồng