Chuyên gia giáo dục việc làm tại Mỹ: "Tháng Ba - chớp thời cơ nước rút xin việc thực tập Hè"

(Dân trí) - Tháng 3 hàng năm là thời điểm căng thẳng nhất của nhiều sinh viên du học vì đang bận rộn vừa xin thực tập Hè vừa phải hoàn thành bài vở trong học kỳ Xuân.

Tiến sĩ Đinh Công Bằng (từng là nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Khoa học thông tin, Đại học bang Florida, có hơn 20 năm làm chuyên gia trong nhiều lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam và Hoa Kỳ; hiện là nhà hoạt động cộng đồng trong các lĩnh vực giáo dục quốc tế, việc làm và định cư tại Hoa Kỳ) chia sẻ bài viết lưu ý các bạn du học sinh Việt tại Mỹ những bí quyết giành suất thực tập tốt trong giai đoạn “nước rút” này.

---

Các công ty và tổ chức thường đóng nhận hồ sơ thực tập Hè sau khi hết tháng 3. Vài hôm gần đây một số bạn thông báo đã nhận được việc thực tập.

Một bạn ở Texas Christian University (TCU) đang đắn đo có nên làm ở một tổ chức phi lợi nhuận hay không. Tôi bảo nhận ngay, vì không còn nhiều thời gian. Chưa kể TCU cấp 2000 USD cho mỗi sinh viên tìm được việc thực tập Hè!

Chuyên gia giáo dục việc làm tại Mỹ: Tháng Ba - chớp thời cơ nước rút xin việc thực tập Hè - 1
TS. Đinh Công Bằng, nhà hoạt động cộng đồng trong các lĩnh vực giáo dục quốc tế, việc làm và định cư tại Hoa Kỳ.

Paul, con trai nhà tôi cũng đang trong giai đoạn đó và phải chịu sức ép đáng kể vì bạn này nhắm tới làm hai RA jobs (research assistantship) trong Hè ở hai trường ĐH khác nhau.

Những bạn xin việc tại các công ty và tổ chức cũng phải chịu sức nặng không kém vì phải rải CV có thể tới hàng trăm công ty và tổ chức. Sau đây là một số điểm các bạn cần chú ý:

1. Nhờ người có kinh nghiệm kiểm tra lại CV, cover letter và hồ sơ trên Linkedin. Cần có những điều chỉnh thích hợp để thể hiện được thế mạnh cá nhân (ví dụ, rất nhiều bạn có điểm A các môn khó mà không post lên hồ sơ Linkedin), vừa bám sát thị trường lao động (ví dụ, trong CV cần dùng nhiều từ khóa phù hợp với từ dùng trong các bài đăng/ thông tin tuyển dụng gần đây nhất trên thị trường).

2. Hỏi thầy, đồng nghiệp, bạn học cùng lớp... nếu họ đồng ý là người viết giới thiệu (reference persons), tốt nhất là họ cho mình một cái chứng thực/ sự xác nhận (endorsement) trên Linkedin.

Người tham khảo cực kỳ quan trọng để có được lời mời làm việc. Sự xác nhận công khai trên Linkedin từ sếp và đồng nghiệp cũ là vàng.

3. Đẩy CV của bạn trên những trang web việc làm/ tìm việc và những trang web việc làm (job sites) của chuyên ngành (Dice, Indeed, Glassdoor...). Đảm bảo các văn bản này kết nối với nhau không có tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược". Nếu bạn post CV trên nhiều job sites thì cần đảm bảo tất cả phải cùng một phiên bản.

4. Để những post, hình ảnh và video không chuyên nghiệp lắm của bản thân trên mạng xã hội thành private/me only (riêng tư). Tốt nhất là xóa những comments, ảnh, hay video không phù hợp với công việc hoặc môi trường làm việc tương lai. Các công ty tuyển dụng thường xem dữ liệu trên social media của bạn để đánh giá cá tính hoặc những rủi ro tuyển dụng.

5. Cần có người hỗ trợ tinh thần. Tìm việc là cực kỳ mệt mỏi và căng thẳng trong thời gian dài. Khi vào đến vòng cuối rồi mà trượt thì thấy chán nản kinh khủng. Đàn ông rắn rỏi vẫn khóc hu hu như gái mới lớn. Ai cũng cần có người bên cạnh để chia sẻ và giữ vững tinh thần.

Tháng 3 vẫn nhiều nơi đang nhận thực tập sinh mùa hè, những chỗ đóng cửa nhận đơn sớm nhất là từ tháng 12 năm ngoái. Mấy hôm nay vẫn có bạn thông báo là có vị trí thực tập ở công ty và thực tập nghiên cứu ở phòng thí nghiệm.

Những bạn năm 1 và 2 thường phải chịu làm không lương, nhưng không sao. Làm cho thầy ngay trong trường, không lương, vẫn rất tốt. Dở nhất là khi đi phỏng vấn xin việc sau tốt nghiệp người ta hỏi tại sao mấy mùa Hè liền em chẳng học/làm gì cả?

Chúc bạn thành công!

TS. Đinh Công Bằng