Chuyện trở thành phóng viên hãng tin AP và Bloomberg của cô gái Việt

(Dân trí) - Từ một toà soạn trong nước, Đào Thu Hiền là một trong những người Việt hiếm hoi trở thành phóng viên cho hai hãng tin quốc tế lớn: AP và Bloomberg.

Hành trình từ một toà soạn trong nước đến những tờ báo quốc tế nổi tiếng của Đào Thu Hiền rồi tới bước rẽ ngang bất ngờ khác minh chứng nghề báo đã đưa chị đi xa thế nào… 

Tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ: Columbia và Harvard, nữ thạc sĩ Đào Thu Hiền từng là phóng viên của hai hãng thông tấn hàng đầu thế giới AP, Bloomberg từ khi tuổi đời còn rất trẻ.

Chị đã rong ruổi khắp Việt Nam, Mỹ, Canada, đến cả Tây Phi- Bờ Biển Ngà, trong vị trí phóng viên, đón lấy những cơ hội phản ánh và khám phá thế giới rộng lớn.

Tốt nghiệp Đại  học Sư phạm Ngoại ngữ khoa tiếng Anh, Đào Thu Hiền ứng tuyển vào làm việc tại Việt Nam News trong vị trí tập sự. Sau ba tháng làm việc tại đây, cô gái Việt được hãng thông tấn AP của Mỹ tuyển làm trợ lý báo chí.

Thời điểm đó, quan hệ hợp tác Việt Mỹ tiến triển như một cánh cửa mở ra cơ hội giúp Hiền trở thành phóng viên quốc tế. 

Đặt chân đến rất nhiều vùng đất tại Việt Nam và nhìn các đồng nghiệp ở AP đi tác nghiệp nhiều nước trên thế giới, Hiền nuôi ước mơ làm phóng viên quốc tế.

Một đồng nghiệp người Mỹ chia sẻ: Nếu muốn làm phóng viên quốc tế thì nên vào học khoa báo chí của trường đại học danh tiếng Columbia của Mỹ. Và Hiền làm được.

Ra trường với tấm bằng thạc sỹ báo chí loại ưu và trở thành người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp chương trình này kể từ năm 1975, tâm trạng háo hức muốn tác nghiệp ở những “điểm nóng” đã đưa Hiền đến với Bờ Biển Ngà (Tây Phi), nơi chị làm phóng viên tự do cho nhiều hãng tin khác nhau, viết về kinh tế và xã hội. 

Sau một năm chinh chiến tại Bờ Biển Ngà, Hiền vào làm chính thức cho Bloomberg, một hãng tin hàng đầu về tài chính của Mỹ, theo dõi 5 ngân hàng lớn nhất Canada.

Cũng nghề báo dẫn chị đến bước ngoặt trở thành cố vấn tài chính trong văn phòng của thị trưởng New York, là thành viên của đội ngũ có phận sự phân bổ 60 tỷ USD tiền ngân sách của thành phố này hàng năm.

Chuyện trở thành phóng viên hãng tin AP và Bloomberg của cô gái Việt - 1

Thạc sĩ Đào Thu Hiền từng là phóng viên của hãng AP và Bloomberg. Khi trở về Việt Nam, chị sáng lập và hiện là tổng giám đốc của một công ty về lĩnh vực tư vấn giáo dục và du học.

Cùng PV Dân trí tìm hiểu về hành trình làm báo thú vị, từ Việt Nam ra thế giới của thạc sĩ báo chí Đại học Columbia.

Mở nhiều cánh cửa từ tấm bằng thạc sĩ tại đại học báo chí hàng đầu thế giới

PV: Chào Thạc sĩ Đào Thu Hiền, được biết, chị là một trong những người Việt Nam hiếm hoi từng làm phóng viên cho hãng tin AP và Bloomberg. Cơ duyên nào đưa chị đã nghề báo và toà soạn nào là điểm đến khởi đầu cho đoạn đường của một người cầm bút?

Thạc sĩ Đào Thu Hiền: Tuần lễ trước khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ tôi tình cờ nhìn thấy tờ rơi tuyển dụng của tòa soạn báo Vietnam News. Ngày tới làm bài thi ứng tuyển, bước vào tòa soạn, tôi biết mình sẽ trở thành phóng viên một ngày nào đó.  

Chuyện trở thành phóng viên hãng tin AP và Bloomberg của cô gái Việt - 2

Chị Hiền trưng bày bài báo ảnh tốt nghiệp của mình, hoàn thành chương trình thạc sỹ báo chí tại Đại học Columbia năm 1998.

Tại sao chị có cơ hội làm việc ở hãng thông tấn AP? Chị có thể chia sẻ những kỷ niệm làm việc “đầu đời” khi công tác ở một toà soạn quốc tế nổi tiếng chuyên nghiệp này? 

AP cũng là sự tình cờ nhưng lại trở thành một bước ngoặt quan trọng cho sự nghiệp quốc tế của tôi. Ở tuổi 20 và đi làm trợ lý báo chí cho phóng viên quốc tế chuyên nghiệp viết về mọi khía cạnh của xã hội Việt Nam những ngày đầu của thời kỳ mở cửa đã dạy tôi rất nhiều về đất nước của mình, về nghiệp vụ làm báo, về trách nhiệm của truyền thông và vai trò của báo chí trong xã hội.

Tôi được gặp rất nhiều người ở nhiều vị trí và hoàn cảnh. Tôi được tìm hiểu về nhiều vấn đề mà một bạn trẻ ở tuổi đó khó được tiếp cận.

Những chuyến đi và những con người tôi gặp đã truyền cảm hứng cho tôi phấn đấu trở thành phóng viên chuyên nghiệp. Và cũng tại AP, các đồng nghiệp đã là những người giúp tôi đặt bước chân đầu tiên trên con đường trở thành phóng viên quốc tế. 

Làm sao để trở thành một phóng viên quốc tế? Chị đã hoàn thiện mình ra sao để đáp ứng những yêu cầu đó?

Tiếng Anh tất nhiên là yêu cầu đầu tiên vì tôi muốn viết cho các hãng tin quốc tế bằng tiếng Anh. Sau đó là đam mê và nghiệp vụ báo chí. Với 3 năm làm tại AP, tôi đã học được rất nhiều ở Việt Nam.

Tuy nhiên, chương trình thạc sĩ tại Đại học Columbia (số 1 về đào tạo báo chí ở Mỹ) mà tôi hoàn thành sau khi rời AP cho tôi một nền tảng vững chắc về nghiệp vụ.

Chương trình đào tạo qua thực hành, nghĩa là chúng tôi ngày nào cũng đi đưa tin ở thành phố và viết bài, rồi đăng lên các tờ báo của trường. Sau 1 năm, chúng tôi được va chạm rất nhiều. Đây là điều tôi còn thiếu khi đặt chân tới Mỹ.

Nhưng nhờ đi học tại Columbia mà tôi tự tin hơn, biết đi đưa tin toà án, đi họp báo với siêu sao, hay phỏng vấn chính trị gia...

Ngoài ra, tấm bằng từ một trường báo chí hàng đầu ở Mỹ đã mở nhiều cửa cho tôi khi ứng tuyển vào các tòa soạn ở nước ngoài. Lúc này thì việc mình lớn lên ở đâu hay người nước nào không quan trọng, vì mình đã được đào tạo rất bài bản tại một trường rất uy tín. 

 Cũng với mục tiêu theo đuổi nghề, chị đã vào học Thạc sĩ tại trường đại học danh tiếng Columbia của Mỹ? Chị có còn nhớ về bài luận gửi trường để chinh phục hội đồng tuyển sinh lúc ấy cấp học bổng và trải nghiệm học tập về báo chí tại ngôi trường hàng đầu này?

Bài luận đó tôi hình như vẫn còn giữ nhưng thú thật tôi không nghĩ đó là một bài luận hay. Vì lúc đó tôi còn trẻ và chưa được học viết chuyên nghiệp. Bài luận của tôi rất thật và nó kể về cuộc đời thật cũng như những mong muốn rất chân thành của tôi ở thời điểm đó.

Ở vào thời điểm năm 1997, chỉ vài năm sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, trường đào tạo báo chí của Đại học Columbia chưa có bất kỳ một sinh viên Việt Nam nào từ năm 1975. Tôi nghĩ rằng họ đã rất vui mừng vì có một cô bé 23 tuổi đến từ Hà Nội tìm đến họ và muốn học làm nghề báo! 

Chuyện trở thành phóng viên hãng tin AP và Bloomberg của cô gái Việt - 3

Với đồng nghiệp là phóng viên Bloomberg anh Prashant Gopal và Giáo sư Josh Mills tại thành phố New York. 

Mạnh dạn gõ cửa “ông lớn” của làng báo Mỹ

Sau khi lấy bằng thạc sĩ chuyên về Báo chí, là người Việt đầu tiên học báo chí ở đại học Columbia như tấm “thẻ” để tiến xa hơn trong nghề, chị dấn thân thế nào với đam mê làm báo khi còn trẻ tuổi của mình?

Khi tốt nghiệp, tôi cũng theo bạn bè ứng tuyển vào những tờ báo hàng đầu ở Mỹ lúc đó là những tờ như Thời báo New York (NY Times) hay Thời báo Chicago (Chicago Tribune) đăng tuyển phóng viên trẻ.

Với một tấm bằng mới toanh và vài bài đăng báo chính thống nhưng không có bút danh (vì ở Việt Nam hồi đó chỉ phóng viên quốc tế được đứng tên khi đăng bài) từ thời còn làm cho AP, tôi cũng chưa hy vọng là mình sẽ được nhận.

Những tòa soạn lừng danh chỉ thấy trong phim đó là nơi các nhà báo phải đi xa, cống hiến, có kinh nghiệm rồi người ta mới nhòm tới. Thế nên khi nhận được bức thư trả lời của NY Times nói là họ ấn tượng với hồ sơ của tôi nhưng muốn tôi “tu luyện" thêm một năm rồi quay lại, thì bản thân cũng thấy tự hào là mình đã dám gõ cửa “ông lớn" của làng báo chí!

Một tuần sau lễ tốt nghiệp, tôi kéo 2 chiếc vali khổng lồ, bắt chuyến bay xa nhất mà tôi đã từng đi, và dời New York sang Bờ Biển Ngà nơi tôi bắt đầu sự nghiệp làm báo tự do ở tuổi 25. 

Lý do nào khiến chị “đầu quân” cho hãng tin tài chính Bloomberg? Vị trí và công việc thực tế của chị khi làm việc tại đây?

Cũng là một sự tình cờ khá thuận lợi. Khi sang tới Bờ Biển Ngà, tôi được một đồng nghiệp cũ ở Việt Nam là một nhà báo người Mỹ liên hệ và nói rằng anh đang cần tuyển người làm cộng tác viên tại Tây Phi.

Tôi quen anh Jason từ thời anh còn làm đại diện cho Bloomberg News tại Việt Nam và lúc này anh đã chuyển sang văn phòng ở Nam Phi. Sau khi làm bài "kiểm tra" nghiệp vụ và phỏng vấn, tôi trở thành cộng tác viên của Bloomberg News viết bài về mảng kinh tế và nông nghiệp vì Bờ Biển Ngà là nơi sản xuất nhiều hạt ca cao nhất trên thế giới.

Công việc có một thử thách thú vị là tôi viết bài bằng tiếng Anh nhưng lại phải sử dụng vốn tiếng Pháp hạn chế của mình để đi phỏng vấn và gom tin, nhiều lần phải tua đi tua lại máy ghi âm hàng chục lần để luận ra nhân vật nói gì. Nhưng kinh nghiệm này giúp tôi lớn lên ở nhiều mặt và làm việc cho một hãng tin toàn cầu cũng cho tôi nhiều cơ hội sau này.

Khi tôi có nguyện vọng chuyển về Canada sau một năm ở Châu Phi, tôi vẫn phải thi và phỏng vấn nhưng còn gì thuận lợi hơn khi có một sếp cũ giới thiệu mình với một sếp tiềm năng ở trong cùng một công ty. 

Chuyện trở thành phóng viên hãng tin AP và Bloomberg của cô gái Việt - 4

Cùng với bạn cùng lớp tại Đại học Columbia. 

Những xu hướng phát triển của báo chí thế giới khiến chị phải “chuyển mình” ra sao để bắt nhịp với nó?

Năm 1999, khi tôi quay trở lại Bắc Mỹ và thực sự bước vào lĩnh vực truyền thông đại chúng ở Mỹ thì cũng là lúc truyền thông số (digital media) bắt đầu ra đời.

Bloomberg News là một hãng thông tấn và nền tảng xuất bản là digital nên công việc của chúng tôi không thay đổi nhiều. Là người còn trẻ (lúc đó tôi 26 tuổi) và đã từng làm trợ lý báo giấy, báo ảnh và TV, tôi sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ - từ viết bài tới ghi âm podcast hay truyền hình.

Tuy nhiên khi bắt đầu có báo mạng nghĩa là tin tức lên sóng nhanh chóng hơn và áp lực với chúng tôi về mặt tốc độ cũng như loại hình thông tin và nội dung tăng lên.

Khả năng bắt nhịp với yêu cầu ngay và luôn cũng như việc gì cũng phải làm được là một điều kiện tiên quyết để thành công trong tòa soạn thời đó. 

Bước rẽ ngang bất ngờ…

Với thực tế trải nghiệm và học hỏi không ngừng, nghề báo đã đi chị “đi xa” thế nào? Tại sao chị lại chọn một ngã rẽ khác trong khi hoàn toàn có khả năng khẳng định bản thân với nghề báo?

Sau 3 năm làm việc tại văn phòng của hãng tin Bloomberg tôi đã lĩnh hội trách nhiệm của phóng viên trưởng của tài chính ngân hàng và đưa tin về các ngân hàng, công ty bảo hiểm lớn nhất trên thị trường chứng khoán của Canada.

Những bản tin về ngân hàng gần như ngày nào cũng nằm trên trang nhất của tin tức trong nước và vì vậy áp lực cạnh tranh rất lớn. Tôi là người thích áp lực và chịu được áp lực, nên tôi không thấy sợ.

Tuy vậy, tôi luôn phải vượt lên chính mình rất nhiều vì thiếu kiến thức về văn hoá, lịch sử và vẫn còn phải học tập nhiều trong xây dựng quan hệ, phát triển nguồn tin, và triển khai những bài viết mang tính phân tích sâu.

Khi tôi chọn quay trở lại môi trường học thuật để học bằng thạc sỹ thứ 2, có 2 điều thúc đẩy quyết định của tôi: 1) tôi muốn chuyển sang làm một công việc nào đó mà tôi được tham gia vào giải quyết các vấn đề của xã hội, thay vì chỉ viết về chúng như nghề báo; và 2) khi làm báo ở Bắc Mỹ, tôi luôn phải cạnh tranh với người nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ và lớn lên trong nền văn hoá đó - 2 điểm quan trọng để giúp nhà báo thành công - thì điều đó có nghĩa tôi đang không sử dụng lợi thế cạnh tranh của mình. 

Bí quyết trở thành phóng viên quốc tế?

Chặng đường của chị sau khi rời Bloomberg là gì? Kể từ đó đến thời điểm hiện tại, chị thấy quãng thời gian theo đuổi nghề báo đã mang đến cho được – mất gì?

Tôi quay trở lại trường và lấy bằng thạc sỹ về chính sách công tại Đại học Harvard. Sau khi tốt nghiệp, tôi chuyển về thành phố New York - nơi tôi đặt chân tới Mỹ lần đầu đi học 8 năm trước - và đầu quân cho Toà thị chính của Thị trưởng Mike Bloomberg.

Ở đó, tôi đã có 6 năm làm công tác quản lý ngân sách, phê duyệt dự án, và sau này là cải tổ sở tài chính là cơ quan thi hành chính sách thuế của thành phố. TP New York lúc đó có ngân sách hơn 60 tỷ đô và 40% đến từ các loại thuế mà chúng tôi phải thực thi. 

Nghề báo đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm và kỹ năng mà sau này tôi đã phát huy trong các lĩnh vực công tác của mình. Thứ nhất, khả năng nắm bắt, đánh giá, phân tích thông tin để làm sơ sở cho các nhận định, quyết định và hành động của mình là điều vô cùng quan trọng.

Thứ hai là bản lĩnh của một người làm việc chuyên nghiệp, dù ở vị trí thành viên của đội nhóm hay lãnh đạo, trước mọi diễn biến của xã hội, doanh nghiệp và tổ chức.

Thứ ba là kỹ năng kể chuyện của người làm báo là công cụ tuyệt vời cho dù tôi ở ngành nào, vị trí nào, vì “câu chuyện" luôn là cách truyền tải thông điệp hiệu quả và dễ tiếp cận nhất. 

Tôi nghĩ rằng tôi “được" nhiều hơn “mất" khi dành 10 năm đầu đời của mình cho nghề báo, mặc dù đôi khi tôi vẫn ước gì mình đã khởi nghiệp sớm hơn. Nhưng nhìn lại, tôi hạnh phúc với những chuyến đi của mình và cái đích sẽ vẫn còn ở phía trước. 

Những bài học nhớ đời của chị sau nhiều năm làm báo quốc tế?

 Bài học nhớ đời có rất nhiều, nhưng với nhà báo có lẽ điều quan trọng nhất là trách nhiệm của người viết với thông tin mình đưa ra cho công chúng.

Thời tôi còn làm báo, mỗi lần đưa tin mà không được phép trích dẫn tên nguồn thông tin, chúng tôi phải xin Tổng biên tập duyệt và quy định của tòa soạn là phải có 3 nguồn độc lập minh chứng cho thông tin này, thì mới được phép đăng tin không dẫn nguồn.

Bạn mà tìm được 3 nguồn độc lập thì rất khó, nên bạn phải làm việc rất cật lực và tin đó cuối cùng không thể do ai đó bịa ra được. 

Theo chị, phẩm chất, tố chất cần có của một phóng viên quốc tế là gì?

"Fearless". Từ này có nghĩa là “không sợ hãi” - bạn phải xông xáo, dám dấn thân và chịu trách nhiệm, và dũng cảm để theo đuổi sự thật.

Bạn cũng phải là người tò mò, hứng thú với mọi thứ xung quanh, quan tâm tới con người, xã hội và mong muốn sử dụng nghề của mình để làm cho xã hội tốt đẹp lên. 

Chuyện trở thành phóng viên hãng tin AP và Bloomberg của cô gái Việt - 5

Đào Thu Hiền cùng cựu nhà báo Carol Agus tại thành phố New York.

Môi trường báo chí quốc tế hẳn rất cạnh tranh? Chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ muốn theo đuổi nghề báo, đặc biệt là nghề báo quốc tế?

Bạn phải hiểu biết và không ngừng học hỏi. Mỗi một ngày, khi tôi đọc tin tức tôi luôn tìm thấy một điều gì đó mình chưa biết, và tôi lại google để tìm hiểu thêm.

Nhà báo cần phải luôn luôn tự học và mở mang hiểu biết cho bản thân vì chỉ có vậy bạn mới có khả năng đánh giá thông tin và nhận biết những tin tức quan trọng cần điều tra và viết bài.

Theo truyền thống của những người làm báo thì bất kỳ câu chuyện nào bạn nghe lỏm được - dù trong thang máy hay trên máy bay - đều có thể trở thành một bản tin độc quyền! 

Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị!

Lệ Thu (thực hiện)