Đồng Tháp:

CLB du học sinh ươm mầm cho nhân tài

(Dân trí) - Phát huy trí tuệ nhóm du học sinh theo Đề án Mê Kông 1000, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ra quyết định thành lập câu lạc bộ (CLB) du học sinh. Các thành viên CLB gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm hàng tháng và được mời góp ý khi tỉnh thông qua chủ trương lớn…

Xét chọn kỹ đầu vào đến đầu ra

Trong chương trình Đề án Mê Kông 1000 ở khu vực ĐBSCL, tỉnh Đồng Tháp đăng ký bồi dưỡng 100 trí thức trẻ từ nguồn ngân sách địa phương, giai đoạn 2006 - 2015. Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Tháp đã đưa đi đào tạo 48 cử nhân và về nước 43 thạc sĩ, 1 thạc sĩ đang tiếp tục học tiến sĩ.

Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp cho biết: Từ khâu đầu vào, ngoài các tiêu chí qui định như Đề án đã đề ra thì các thành viên Hội đồng xét chọn của tỉnh thẩm xét kỹ lưỡng các ứng viên đăng ký dự học theo Đề án Mê Kông 1000. Đặc biệt, sau khi các em trúng tuyển đi học, chúng tôi có tổ công tác thường xuyên liên lạc với các em để thăm hỏi về tài chính, cuộc sống, động viên, nhắc nhở các em chú tâm vào việc học, sớm về nước phục vụ địa phương…

Khi các du học sinh về nước, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân Đồng Tháp tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các tri thức trẻ làm việc.
Khi các du học sinh về nước, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân Đồng Tháp tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các tri thức trẻ làm việc.

Theo ông Thuận, sau khi các học viên theo Đề án Mê Kông 1000 hoàn thành chương trình học tập, các trí thức trẻ có đơn, đề bạt nguyện vọng về một cơ quan nào đó ở tỉnh. Khi tiếp nhận đơn, Sở Nội vụ liên hệ với các cơ quan mà các trí thức trẻ này muốn đến công tác (thăm dò trước), sau đó trình với UBND tỉnh tiến hành họp bàn với các sở, ngành và kể cả các trí thức trẻ để hai bên thống nhất rồi UBND tỉnh mới ký quyết định, phân công đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài đến các sở, ngành công tác theo đúng chuyên môn của các em.

Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Nội vụ Đồng Tháp cho biết, có 43 cán bộ trẻ trong đề án Mê Kông 1.000 (1 đang học tiếp tiến sĩ) đang làm việc ở các sở ngành, thậm chí ở Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt có nhiều cán bộ được Thường trực tỉnh ủy phân công giữ những chức vụ cao ở nhiều sở, ngành, dù các tri thức trẻ này ở tuổi 34 - 36, như: Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh; Ông Đoàn Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; ông Trương Nhật Triết - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng; bà Nguyễn Thị Việt Anh - Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao thuộc Sở NN&PTNT…

Anh Đoàn Thanh Bình - Chủ nhiệm CLB Du học sinh Đồng Tháp chia sẻ với PV Dân trí, ngoài các điều kiện cần, như địa phương tạo môi trường làm việc tốt thì các du học sinh cần chuẩn bị tâm lí tốt nhất khi về nước làm việc.
Anh Đoàn Thanh Bình - Chủ nhiệm CLB Du học sinh Đồng Tháp chia sẻ với PV Dân trí, ngoài các điều kiện cần, như địa phương tạo môi trường làm việc tốt thì các du học sinh cần chuẩn bị tâm lí tốt nhất khi về nước làm việc.

Anh Đoàn Thanh Bình - Chủ nhiệm CLB du học sinh Đồng Tháp chia sẻ: “Sau thời gian học tập ở nước ngoài, khi anh em chúng tôi về đây được các đồng chí lãnh đạo rất quan tâm, nhất là đồng chí Chủ tịch tỉnh Lê Minh Hoan (bây giờ giữ chức Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp), đồng chí Chủ tịch có quyết định thành lập CLB du học sinh. Từ CLB này, anh em du học sinh chúng tôi trao đổi kinh nghiệm, kiến thức… cho nhau, nhất là thường xuyên được gặp gỡ lãnh đạo tỉnh; chúng tôi được đặt hàng, được chia sẻ, góp ý những chủ trương, đề án lớn của tỉnh”.

CLB du học sinh - nơi chia sẻ mọi vấn đề

CLB du học sinh Đồng Tháp hiện nay gần 50 thành viên, trong đó đa phần là các thành viên trong Đề án Mê Kông 1.000, số ít là những du học sinh tự túc hoặc theo đề án của Trung ương… “Khi CLB mới thành lập, mỗi tháng CLB đều sinh hoạt. Tại buổi sinh hoạt này thông thường là các thành viên chia sẻ những kiến thức trọng yếu mà có thể giúp ích cho các thành viên khác trong công việc của mình. Hoặc là chia sẻ những kinh nghiệm trong công việc và có khi là những tâm sự, nhỏ to về những vướng mắc nào đó trong công việc… Từ đó, thông qua Ban chủ nhiệm CLB hoặc cá nhân đó trực tiếp chia sẻ với lãnh đạo tỉnh để kịp thời tháo gỡ. Nhờ vậy mà đến nay chưa có trường hợp du học sinh nào “ra đi” hay trục trặc ở nơi làm việc” - Chủ nhiệm CLB Du học sinh Đoành Thanh Bình cho biết.

Ngoài những buổi sinh hoạt định kỳ, anh Bình cho biết thêm, mỗi khi tỉnh thông qua các đề án hay chủ trương quan trọng về phát triển KT - XH, lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban đều mời anh em chúng tôi đến để lấy ý kiến, góp ý cho đề án hay chủ trương đó, chẳng hạn như các đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”; đề án phát triển ngành du lịch; phát triển thành phố hoa Sa Đéc; Các quyết sách về kinh tế trong Đại Hội Đảng vừa qua…. “Đây là điều làm các thành viên trong CLB thấy hạnh phúc và cũng là một động lực để anh em du học sinh cố gắng hết mình phục vụ cho địa phương. Và tôi nghĩ cũng chính sự tương tác này đã giúp anh em chúng tôi hoàn thiện dần bản lĩnh chính trị và những kỹ năng cần thiết của một cán bộ trong thời hội nhập hôm nay”, anh Bình chia sẻ thêm.

Ban đầu, hàng tháng CLB đều sinh hoạt, thường là trao đổi các kiến thức đã học cho nhau và những kinh nghiệm trong công việc. Hiện nay, CLB nhóm họp khi có việc cần, nhất là khi Ủy ban đặt hàng các vấn đề liên quan đến các đề án, chủ trương phát triển KT - XH của tỉnh.
Ban đầu, hàng tháng CLB đều sinh hoạt, thường là trao đổi các kiến thức đã học cho nhau và những kinh nghiệm trong công việc. Hiện nay, CLB nhóm họp khi có việc cần, nhất là khi Ủy ban "đặt hàng" các vấn đề liên quan đến các đề án, chủ trương phát triển KT - XH của tỉnh.

Theo anh Lê Bá Kông - Phó Chủ nhiệm CLB (hiện công tác tại Sở Nội vụ Đồng Tháp) cho biết, ngoài những công việc “hướng nội” - tập trung vào công việc thì các thành viên trong CLB cũng có những hoạt động hướng ngoại qua các hoạt động xã hội, từ thiện, chẳng hạn tham gia phiên dịch cho các tổ chức nước ngoài đến Đồng Tháp làm từ thiện hoặc các buổi giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia… Đây cũng là dịp anh em sử dụng Tiếng Anh nhiều hơn, có dịp chia sẻ với cộng đồng, các hoàn cảnh khó khăn... Đặc biệt, hiện nay UBND tỉnh Đồng Tháp còn thành lập tổ giúp việc cho ủy ban tỉnh, thành viên trong tổ giúp việc này chủ yếu là các thanh viên trong CLB du học sinh và theo anh Kông đây cũng là một “phép thử”, một chất keo rất cần thiết cho anh em du học sinh.

Theo kinh nghiệm của anh Bình, anh Kông và nhiều du học sinh khác trong CLB, nếu địa phương tạo điều kiện, môi trường cho các tri thức trẻ (du học sinh) làm việc là điều rất tốt. Nhưng đây chỉ mới là điều kiện cần, do vậy mỗi cá nhân du học sinh, trí thức trẻ cần trang bị cho mình thêm những kiến thức cần thiết khác, chẳng hạn khi về nước mình phải chuẩn bị tâm lí trước về môi trường làm việc, về mức lương, điều kiện làm việc… Và đặc biệt là anh em du học sinh cần có nơi sinh hoạt với nhau để chia sẻ kinh nghiệm làm việc và những trục trặc (nếu có) khác trong công việc, sinh hoạt... Những trục trặc này sẽ được giải quyết tốt đẹp một khi lãnh đạo tỉnh hoặc thủ trưởng cơ quan thấu hiểu và chia sẻ.

Một buổi các thành viên trong CLB Du học sinh Đồng Tháp chuẩn bị tham gia dịch thuật cho một tổ chức nước ngoài đến Đồng Tháp làm từ thiện.
Một buổi các thành viên trong CLB Du học sinh Đồng Tháp chuẩn bị tham gia dịch thuật cho một tổ chức nước ngoài đến Đồng Tháp làm từ thiện.

Nói vui như một đồng chí ở Sở Nội vụ Đồng Tháp: Đồng Tháp tài chính còn hạn hẹp, cũng là một tỉnh “khuất nẻo” do vậy nếu Đồng Tháp có trải thảm đỏ thì chắc ít hiền tài về… Do vậy, lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban cùng các sở ngành hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đội ngũ tri thức trẻ tại địa phương làm việc. Nhưng để các em về đây làm việc, các em ở lại và phát huy hết trí tuệ, cống hiến cho Đồng Tháp là nghệ thuật dụng người của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Và điều này tôi thấy rõ nhất là qua CLB du học sinh, tổ giúp việc ủy ban tỉnh… Tôi nghĩ đây là cách dân vận khéo, vì ở hai môi trường này, các em tiếp tục được rèn luyện kiến thức, bản lĩnh chính trị và những kỹ năng cần thiết cho một cán bộ lãnh đạo trong thời kỳ đất nước mở cửa như hiện nay.

Nguyễn Hành