Cô gái Việt “mê” luật biển

Tuy còn rất trẻ nhưng nhiều bạn thế hệ cuối 8X, đầu 9X đang tạo ra nguồn cảm hứng về việc nghiên cứu biển Đông như một cách bày tỏ tình cảm của mình với chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Phạm Ngọc Minh Trang (sinh năm 1989, thạc sĩ luật tại Anh) là đại diện duy nhất của Việt Nam và là một trong số ít thanh niên châu Á được chọn tham gia khóa tập huấn về giải quyết tranh chấp trên biển trong chín tháng của Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS) được tổ chức từ giữa năm 2014 tại CHLB Đức.

 
Phạm Ngọc Minh Trang (giữa) đang giao lưu với giảng viên và bạn bè tại Tòa án quốc tế về luật biển.
Phạm Ngọc Minh Trang (giữa) đang giao lưu với giảng viên và bạn bè tại Tòa án quốc tế về luật biển.
 

Vừa đủ tuổi học tại ITLOS

 

Minh Trang có thể chia sẻ sơ lược về khóa tập huấn về giải quyết tranh chấp trên biển của ITLOS?

 

Khóa tập huấn về giải quyết tranh chấp trên biển trong chín tháng của Tòa án quốc tế về luật biển là một chương trình rất ý nghĩa về mặt giải quyết xung đột quốc tế trên cơ sở đàm phán, hòa bình trong bối cảnh xung đột tại biển Đông, biển Hoa Đông và nhiều khu vực khác có xu hướng leo thang trong những năm gần đây.

 

Liên quan đến Việt Nam, khi chủ trương của các bên trong tranh chấp ở biển Đông là dựa vào luật quốc tế thì việc tìm hiểu cơ chế, quy định và các án lệ về giải quyết tranh chấp trên biển tại tòa án luật biển là rất cần thiết.
 

Điều gì hấp dẫn bạn tham gia khóa tập huấn?

 

Dù từng học thạc sĩ luật quốc tế ở Anh nhưng bản thân mình vẫn chưa chắc tay bởi luật học cần phối hợp chặt chẽ giữa học kiến thức và áp dụng vào thực tiễn. Bản thân mình vẫn muốn tìm hiểu kỹ hơn và học cách áp dụng luật biển và việc áp dụng Công ước LHQ về Luật Biển 1982 trong giải quyết tranh chấp.

 

Lúc còn ở Việt Nam, mình có trao đổi và học hỏi từ một đàn anh và một số đồng nghiệp trong khoa Quan hệ quốc tế (Trường ĐH KHXH&NV) liên quan đến hoạt động nghiên cứu về vấn đề này.

 

Tuy nhiên, việc được tập huấn trực tiếp tại ITLOS quả thật là một điều tuyệt vời, nhất là cho những người tham gia công tác nghiên cứu còn non kinh nghiệm như mình. Khóa học dành cho những ai nghiên cứu về luật biển hoặc làm việc tại Bộ Ngoại giao các nước từ 25 đến 40 tuổi. Rất may là mình vừa đủ tuổi để tham gia.

 

Phạm Ngọc Minh Trang tươi tắn bên lá cờ tổ quốc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Phạm Ngọc Minh Trang tươi tắn bên lá cờ tổ quốc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

Học luật biển: Khó nhưng vui

 

Chặng đường trở thành “người duy nhất của Việt Nam” - và là một trong số rất ít đại diện châu Á tham gia khóa học của bạn đã gặp những khó khăn gì?

 

Để được tham gia khóa học, tất cả ứng viên đều phải vất vả, nhất là với người chỉ có vỏn vẹn một năm học về luật quốc tế như mình. Cách tham khảo nguồn, cách đọc án lệ và áp dụng các điều luật lẫn dẫn lại các phán quyết của tòa án quốc tế đôi khi còn lạ lẫm với mình.

 

Thế nên khi mới qua Đức, mình phải rất vất vả để có thể tiếp thu và học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp, người quen - là các chuyên gia luật quốc tế.

 

Đến thời điểm hiện tại bạn cảm thấy khóa học mang lại cho bạn điều gì bên cạnh những áp lực?

 

Từ khi quen dần khóa học, mình thật sự cảm nhận được rằng luật quốc tế nói chung và luật quốc tế về biển nói riêng thật sự thú vị, khiến bản thân mình ngày càng say mê nghiên cứu hơn, siêng năng viết các bài báo khoa học, giúp mình nhiều trong việc giảng dạy.

 

Mình không ngại hỏi, điều này giúp mình có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng từ quan điểm, góc nhìn từ bạn bè, các nhà nghiên cứu, giáo sư hay cả thẩm phán trong tòa án quốc tế.

 

Điều quan trọng mình muốn nhấn mạnh là “phương pháp và kỹ năng ứng dụng luật quốc tế về biển”. Kỳ học này giúp mình có thể hiểu và áp dụng kiến thức lý thuyết nền tảng về luật quốc tế để giải quyết những tình huống thực tế giữa các quốc gia trong tranh chấp biển.

 

Sắp tới khi về Việt Nam, Trang có kế hoạch gì để áp dụng những gì mình đã đi-thấy-ngẫm và trải nghiệm trong suốt thời gian học bổ ích tại Đức?

 

Đầu tiên, khi về đến Việt Nam mình sẽ hoàn thiện hơn về mặt nội dung lẫn phương pháp dạy môn học luật biển mà mình đang đảm nhận tại khoa Quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó, mình sẽ tiếp tục hoạt động hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho các em sinh viên của khoa, nhất là giúp các em có những nền tảng cơ bản để tiếp cận việc nghiên cứu luật quốc tế, trong đó luật biển làm trọng tâm.

 

Song song đó mình sẽ tiếp tục viết các bài tham luận, bài báo khoa học cho tạp chí trong nước và quốc tế. Đồng thời cố gắng tham gia vào các hội thảo quốc tế về biển Đông mà Việt Nam tổ chức hằng năm.

 

Thu hút sự chú ý của bạn bè quốc tế

 

Bạn bè mình quen biết và làm việc cùng trong quá trình học và tham dự khóa tập huấn về giải quyết tranh chấp trên biển trong chín tháng của Tòa án quốc tế về luật biển tại Đức đến từ nhiều quốc gia.

 

Có một số người họ không biết gì về tranh chấp biển Đông. Nên nhờ vào khóa học này mà mình có cơ hội để trình bày và giải thích tình hình tại biển Đông cho bạn bè từ khắp nơi trên thế giới. Họ rất hứng thú và tiếp tục theo dõi tình hình biển Đông. Một số người còn giới thiệu sách và tài liệu cho mình tham khảo thêm về những nội dung có liên quan đến tranh chấp biển.

 

Theo Đại Thắng

Pháp luật TPHCM