Cùng đón Lễ hội Obon với nữ du học sinh Việt tại Nhật

(Dân trí) - Tháng 8 sang, sắc nắng vàng tràn ngập khắp các nẻo đường Tokyo, cùng với tiếng ve vang dội như giục giã mọi người xuống đường chào đón một mùa lễ hội đầy màu sắc. Trong hàng loạt các lễ hội mùa hè tại Nhật, nổi bật và được mong chờ hơn cả là lễ hội Obon.

Cùng đón Lễ hội Obon với nữ du học sinh Việt tại Nhật - 1

Oanh (áo hồng) cùng các bạn tham dự đám rước Dashi

Tùy theo quan niệm của từng địa phương mà thời gian cử hành lễ hội khác nhau, song Obon tháng 8 (13-15/08) là lịch phổ biến nhất và được tổ chức tại hầu hết các địa phương trên toàn nước Nhật.

Nguyễn Oanh (du học sinh trường Đại học kinh doanh ngắn hạn Tokyo) cùng bạn bè chọn cho mình bộ yukata (Trang phục truyền thống của người Nhật) ưng ý nhất, hân hoan đi trẩy hội.

Tại công viên Hibiya – Tokyo, các trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi, các vũ công trang điểm kĩ lưỡng, hóa trang thành các nhân vật dân gian nổi tiếng.

Mọi người vui vẻ nhảy múa xung quanh theo nhịp trống taiko. Điệu múa khá đơn giản, lặp đi lặp lại các động tác nên Oanh có thể bắt kịp nhịp một cách dễ dàng.

Cùng đón Lễ hội Obon với nữ du học sinh Việt tại Nhật - 2

Cùng hoà mình vào đám rước Dashi, đồng thanh hô “wasshoi”

Phần đông lớp trẻ và du khách nước ngoài có vẻ thích thú với hoạt động của đám rước Dashi (xe diễu hành). Dashi là một cỗ xe khổng lồ được trang trí lộng lẫy, người Nhật ví nó như một bệ thờ di động - phương tiện để rước thần và tiễn thần.

Để kéo được chiếc Dashi nặng như vậy, đòi hỏi những người tham gia phải có tinh thần tập thể cao. Đây cũng chính là một hình thức người Nhật giáo dục tinh thần đoàn kết cho con cháu.

Một cách nhanh chóng, Oanh và bạn bè tiếp tục hòa mình vào đám rước. Mọi người vừa kéo vừa đồng thanh hô “wasshoi, wasshoi” (âm thanh của lễ hội) khiến không khí càng thêm phần vui tươi, náo nhiệt.

Cùng đón Lễ hội Obon với nữ du học sinh Việt tại Nhật - 3

Các vũ công trang điểm kĩ lưỡng, hoá trang thành các nhân vật trong truyện

Ban đầu, lễ hội Obon được tổ chức nhằm tưởng nhớ những người đã khuất, trải qua thời gian dần biến chuyển thành dịp đại lễ, vui vẻ và được mong chờ nhất trong năm. Tất cả mọi người đều có thể gặp mặt chung vui qua những cuộc múa hát tập thể ngoài trời.

Cùng chung nguồn gốc từ Phật giáo, ngày lễ Obon của Nhật Bản có ý nghĩa tương tự như lễ rằm tháng Bảy ở Việt Nam (hay lễ Vu Lan báo hiếu).

Người Nhật tin rằng, vào ba ngày này, linh hồn có thể “siêu thoát” khỏi những cực hình của việc bị treo ngược lên dưới địa ngục do những tội ác mà họ đã gây ra khi còn sống, đồng thời được phép trở về thăm con cháu.

Vào dịp này, người Nhật sẽ phải chuẩn bị và thực hiện mọi thủ tục theo trình tự nhất định từ lễ đón linh hồn về nhà rồi thờ cúng, tưởng nhớ đến hết lễ thì làm nghi thức tiễn các linh hồn đi.

Cùng đón Lễ hội Obon với nữ du học sinh Việt tại Nhật - 4

Mọi người chụp ảnh lưu niệm cùng chiếc Omikoshi điển hình - chiếc kiệu được ví như đền thờ thần đạo shinto

Phật giáo là một tôn giáo chính trong xã hội Nhật Bản, mang đậm tính dân tộc và tính thế tục sâu sắc, có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa, tinh thần và góp phần hình thành nên những giá trị đạo đức, phẩm cách của con người trong xã hội.

Phật giáo kết hợp với Khổng giáo và Thần đạo đã góp phần hun đúc nên những giá trị tốt đẹp trong tính cách con người Nhật Bản như trung thực, kỷ luật, tinh thần tập thể cao, nhạy bén với cái mới song vẫn chú ý giữ gìn truyền thống, trong đó có truyền thống gia đình.

Đức Phật dạy: “Hiếu với mẹ cha tức là kính Phật”. Tương truyền phong tục cài hoa hồng lên áo trong ngày nhớ ơn mẹ phổ biến hiện nay được cho xuất xứ từ Nhật Bản.

Cùng đón Lễ hội Obon với nữ du học sinh Việt tại Nhật - 5

Cô Kawade vui vẻ trò truyện cùng các du học sinh Việt Nam trước kì nghỉ lễ

Cô Kawade – Trưởng khoa ngôn ngữ tiếng Nhật, trường Đại học kinh doanh ngắn hạn Tokyo đã có buổi trò truyện trực tiếp với các du học sinh Việt Nam trước kì nghỉ lễ, giúp các bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa và các hoạt động tiêu biểu sẽ được diễn ra trong dịp Obon.

Cô chia sẻ: “Người Nhật sống độc lập, từ lúc trưởng thành đã không còn phụ thuộc gia đình, song không vì thế mà phai nhạt tình cảm với đấng sinh thành. Lễ Obon là dịp để nhắc nhở họ hướng về cha mẹ mình, phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống và cầu siêu cho cha mẹ đã qua đời”.

Với Oanh, Obon là dịp để thêm một lần cô học về chữ Hiếu. Oanh tâm sự: “Cuộc sống du học sinh rất nhiều khó khăn và cám dỗ. Dù vậy, chúng mình luôn nhận được sự quan tâm sát sao và động viên kịp thời từ thầy cô, nên bố mẹ ở nhà cũng vơi bớt được một phần lo lắng.

Ngoài việc học trên lớp, chúng mình được trau dồi thêm rất nhiều kĩ năng sống và văn hóa ứng xử qua các hoạt động ngoại khóa, những cuộc trò truyện ngoài giờ đầy thú vị”.

Cùng đón Lễ hội Obon với nữ du học sinh Việt tại Nhật - 6

Qua thời gian, Oanh nghiệm ra rằng Đạo làm con cần biết vâng lời cha mẹ; sinh sống và học tập nơi xứ người tuyệt đối không làm việc gì trái pháp luật; tu dưỡng, học tập, rèn luyện đạo đức làm người, để ông bà, cha mẹ nơi quê nhà yên tâm, phấn khởi.

Những ngày diễn ra lễ hội Obon cũng là lúc những du học sinh như Oanh thêm một lần hướng về quê nhà với bao yêu thương, mong ngóng ngày về.

Về để được ngửi mùi nồng của đất sau cơn mưa mùa hạ, gối đầu lên đùi mẹ cho lòng bình yên. Về với núi non, suối nguồn nơi nuôi dưỡng bao hiền tài dân tộc, để thêm một lần tỏ lòng tri ân.

“Cha mẹ kính yêu cho ta hình hài, đất nước nuôi dưỡng ta tâm hồn mang bóng hình xứ sở. Xin cám ơn đấng sinh thành, cám ơn những thế hệ đi trước đã không tiếc mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu xương, để chúng tôi được sống như ngày hôm nay”, Oanh bộc bạch.

Phương Anh