Dân mạng Trung Quốc “đắng lòng” vì thua trí tuệ bé gái Nhật

Cô bé Tsujikubo đã nhân nhẩm xong 2 số có 7 chữ số trong khi đối thủ đến từ Trung Quốc vẫn đang loay hoay chưa tìm ra đáp án.

Trong những ngày gần đây, cộng đồng mạng Trung Quốc dậy sóng sau khi đại diện của nước này để thua đối thủ mới 9 tuổi đến từ Nhật Bản trong cuộc thi đấu trí nổi tiếng mang tên “Siêu Trí não”.

 

Đây là cuộc thi được tổ chức hàng tuần và được phát trên sóng truyền hình, trong đó các ứng cử viên đại diện cho các nước sẽ đấu với đội của Trung Quốc qua ba câu hỏi thử thách về khả năng suy nghĩ, tính toán của người chơi.

 

Trong những cuộc thi gần đây, đội Trung Quốc đã giành chiến thắng trước một số đại diện nước khác, khi các thí sinh “đấu trí” với nhau qua các thử thách, chẳng hạn như ai sẽ xếp được khối Rubik nhanh nhất.

 

Một cuộc thi Siêu Trí não được tổ chức ở Trung Quốc
Một cuộc thi "Siêu Trí não" được tổ chức ở Trung Quốc

 

Tuy nhiên cuộc thi với đội Nhật Bản hồi cuối tuần trước lại là vòng thi được mong đợi nhất trong cả năm, khi người dân Trung Quốc vô cùng kỳ vọng rằng đại diện của mình sẽ đánh bại các đối thủ đến từ Nhật Bản, nước đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc.

 

Trong cuộc thi này, các thí sinh chỉ được cho vài giây để tìm câu trả lời cho những câu đố toán học mà người trưởng thành bình thường phải mất vài phút cùng với sự trợ giúp của máy tính mới giải được.

 

Thế nhưng, khán giả truyền hình Trung Quốc đã vô cùng thất vọng khi chứng kiến đại diện của họ bị thảm bại trước một bé gái Nhật Bản mới 9 tuổi là Rinne Tsujikubo, người đồng thời cũng đánh bại đồng đội Takeo Sasano. Sasano là người hiện đang giữ Kỷ lục Guinness Thế giới về tính nhẩm, với khả năng tính nhẩm các số có 15 chữ số chỉ trong vòng 1,7 giây.

 

Cô bé Tsujikubo đã có một màn trình diễn vô cùng ấn tượng trong cuộc thi, ngay cả khi cô bé vô tình viết sai một chữ số trong một câu hỏi khó.

 

Cô bé Tsujikubo đã khiến khán giả Trung Quốc sốc vì khả năng tính nhẩm thần sầu của mình
Cô bé Tsujikubo đã khiến khán giả Trung Quốc "sốc" vì khả năng tính nhẩm thần sầu của mình

 

Sơ suất này của Tsujikubo đã giúp đội Trung Quốc tiếp tục cạnh tranh trực tiếp với cô bé trong phần lớn cuộc thi, nhưng trong những phút cuối cùng, Tsujikubo bằng tài năng của mình đã đánh bại hoàn toàn đối thủ.

 

Trong vòng thi cuối cùng, Tsujikubo đã tính nhẩm xong phép nhân 2 số có 7 chữ số, và kiểm tra lại kết quả của mình một lần nữa trong khi đối thủ đến từ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra được đáp án.

 

Tốc độ tính nhẩm nhanh và chính xác “khủng khiếp” của Tsujikubo đã khiến những người chứng kiến phải “kinh hoàng”, và nó đã đem lại chiến thắng cho cô bé.

 

Khi được hỏi về bí mật đã giúp mình giành chiến thắng, Tsujikubo tiết lộ rằng việc học cách sử dụng bàn tính Nhật Bản (hay còn gọi là soroban) đã giúp cô có khả năng tính nhẩm “thần sầu” đến như vậy.

 

Phương pháp sử dụng bàn tính là một hoạt động ngoại khóa rất phổ biến ở Nhật Bản. Sau vài năm theo học phương pháp này, người ta có thể đạt khả năng tính nhẩm những con số rất lớn chỉ nhờ vào khả năng hình dung.

 

Tsujikubo đã nhẩm tính kết quả phép nhân hai số có 7 chữ số chỉ trong vài giây
Tsujikubo đã nhẩm tính kết quả phép nhân hai số có 7 chữ số chỉ trong vài giây

 

Khả năng này của Tsujikubo đã khiến khán giả Trung Quốc bị sốc, và phiên bản trên mạng của cuộc thi trên đã được xem tới gần 22 triệu lượt. Sau cuộc thi trên, Tân Hoa Xã đã đăng một bài bình luận dài đến 5 trang để phân tích về khả năng toán học thần kỳ của Tsujikubo.

 

Bên cạnh những lời bình luận bày tỏ sự thán phục đối với tài năng của Tsujikubo, không ít dân mạng Trung Quốc cảm thấy bị “tổn thương” khi đội nhà thất bại trước Nhật Bản. Một số người còn cay cú bình luận: “Hãy chà đạp Nhật Bản dưới chân mình”.

 

Một số người thì cho rằng phương pháp sử dụng bàn tính được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc, và việc để người Nhật vượt mặt trong phương pháp tính toán cổ xưa nhưng rất hiệu quả này là một “nỗi nhục”.

 

Một dân mạng Trung Quốc cay đắng nhận xét: “Nhật Bản đã đánh bại chúng ta bằng một trong những phương pháp tính toán tuyệt vời nhất mà tổ tiên chúng ta để lại. Đây là điều rất đáng phải suy ngẫm”.

 

Theo Trí Dũng

Dân Việt/ Japan Times