Để giành học bổng, ngoài may mắn còn cần sự nỗ lực hết mình!

(Dân trí) - Chia sẻ về việc làm thế nào để giành được những suất học bổng danh giá, các “chuyên gia” đã thành công trong lĩnh vực này cho rằng: Bên cạnh yếu tố may mắn, mỗi người cần chuẩn bị cho mình một nền tảng kiến thức vững vàng.

Nguyễn Khánh Diệu Hồng - Nữ PGS trẻ nhất Việt Nam (ảnh: GDTĐ)
Nguyễn Khánh Diệu Hồng - Nữ PGS trẻ nhất Việt Nam (ảnh: GDTĐ)

Mới 28 tuổi, nhưng bảng thành tích của Chí Hiếu khá “dày dặn”: Năm 2004, Hiếu vinh dự là sinh viên giỏi nhất nước Anh; Thủ khoa ngành kinh tế trong tất cả các năm học tại Học viện Kinh tế và Chính trị London (LSE); Là 1 trong 100 sinh viên giỏi nhất thế giới năm 2006; là 1 trong 3 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa Học viện LSE; Sinh viên tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành kinh tế và khoa học chính trị trong tất cả các trường ĐH ở London; Học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ ở ĐH Stanford - Học bổng của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và  5 lần đoạt giải thưởng dành cho trợ giảng và giảng viên xuất sắc tại ĐH Stanford.

Chia sẻ về kinh nghiệm “săn” học bổng của mình, Hiếu cho biết: Bên cạnh yếu tố may mắn, mỗi người cần chuẩn bị cho mình một nền tảng kiến thức vững vàng. Đây là điều kiện cần và đủ để bạn có thể đạt được các suất học bổng giá trị, và là chìa khóa quan trọng để giúp bạn thành công trên con đường học vấn sau này, đặc biệt là khi phải tiếp cận với một nền giáo dục hoàn toàn mới.

Từng thay đổi nhiều công việc ở các vị trí khác nhau, Nguyễn Chí Hiếu là người thích khám phá những điều mới lạ. Ở mỗi công việc mới, vị trí mới sẽ có những khó khăn riêng, chính điều này đã mang đến cho Hiếu nhiều trải nghiệm trong công việc cũng như trong cuộc sống. “Nên tôi thích mỗi ngày là một thử thách cho bản thân để tôi được học những điều mới mẻ và phát triển bản thân mỗi ngày”.

Là người rất thành công trong lĩnh vực “săn” học bổng, Nguyễn Khánh Diệu Hồng  - nữ Phó Giáo sư trẻ nhất năm 2012, đã từng giành học bổng danh giá của trường ĐH University College London danh tiếng trên thế giới;  Giải thưởng bài báo xuất sắc tại hội nghị khoa học Châu Á về Công nghệ sinh học và Năng lượng tái tạo tại Bangkok, 12/2010; Giải nhất  “Sáng tạo trẻ” của thủ đô Hà Nội lần thứ 7 năm 11/2010. Giải nhì sáng tạo trẻ toàn quốc 11/2010; Năm 2005-2007; Huy Chương vàng Quốc tế WIPO của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (Award of World Interllectual Property Organization) dành cho tài năng trẻ sáng tạo nhất (Best Young Inventor Award) 2004,…

Chia sẻ “bí quyết” thành công trong sự nghiệp, PGS Diệu Hồng cho biết, một nhà khoa học muốn thành công phải có hướng nghiên cứu cho riêng mình và đứng vững, rất kiên trì trên hướng nghiên cứu đó. Đối với tôi, thành công ngoài vấn đề kinh phí, sự hỗ trợ từ phía nhà trường, các thầy, sự ủng hộ của gia đình, quan trọng là phải có sự tích lũy kiến thức nghiêm túc. Nhưng, quan trọng nhất chính là mình phải có được một đội ngũ khoa học, một nhóm nghiên cứu có cùng niềm đam mê. Tôi có thể khẳng định, không có một đề tài khoa học nào chỉ do một người làm cả.

Cũng theo PGS Diệu Hồng, thì không ở đâu bằng quê hương mình, nên nếu có điều kiện các bạn du học sinh, nghiên cứu sinh nên về quê hương lập nghiệp và cống hiến: Nhiều người nghĩ ở nước ngoài là sung sướng lắm, nhưng không hoàn toàn như vậy. Bản thân tôi thấy ở Việt Nam cực kỳ sung sướng. Ở đây, tôi có gia đình, người thân, bạn bè đồng nghiệp, những  người sẵn sàng ở bên tôi bất cứ lúc nào. Nhiều bạn bè tôi học rất giỏi và họ cũng đang ở nước ngoài nhưng tôi thấy họ rất muốn trở về. Sau khi trau dồi kiến thức và phát triển họ sẽ lại trở về Việt Nam.

Song An (tổng hợp)