Du học - đâu chỉ có hoa hồng (p3)

(Dân trí) - Bản thân chữ “Du học” liệu có thực sự làm bạn có giá trị hơn trong hồ sơ xin việc hay một tương lai tốt hơn?<br><a href='http://dantri.com.vn/du-hoc/du-hoc-dau-chi-co-hoa-hong-p2-947693.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Du học - đâu chỉ có hoa hồng (p2)</b></a>

Một lưu ý quan trọng nữa cho các bạn trước khi sang: phải thực sự quyết tâm trong việc học. Bạn nào đi học theo dạng khóa học tiếng DSH hoặc Studienkolleg trước khi vào Đại học, phải đáp ứng điều kiện hoàn tất khóa học trước 2 năm. Nếu trong khoảng thời gian đó mà vẫn chưa hoàn thành, bạn sẽ phải quay về Việt Nam.

 

Với trường hợp học Đại học, nếu 1 môn thi 3 lần không đỗ, bạn sẽ không được phép học tiếp ngành đó nữa, cho dù bạn có chuyển sang trường bất kỳ trường nào trên nước Đức. Tương tự với việc chuyển trường, bạn chỉ được chuyển tối đa hai lần, và chuyển ngành tối đa một lần. Vì vậy việc xác định rõ ngành mình muốn học, và theo đuổi ngành đó đến cùng là một việc hết sức quan trọng với bản thân mình.

 

Càng ngày càng đông sinh viên VN du học ở nước ngoài, và rất nhiều trong số họ đã thành công
Càng ngày càng đông sinh viên VN du học ở nước ngoài, và rất nhiều trong số họ đã thành công



Việc làm thêm là chủ đề lớn tiếp theo của đa phần du học sinh. Một khó khăn nhãn tiền có thể chỉ ra ngay: mình là người nước ngoài, khi đi xin việc sẽ không được ưu tiên như sinh viên bản xứ. Lý do: ngôn ngữ chưa thành thạo, không chịu đựng nổi áp lực công việc, sức khỏe yếu hơn bọn Đức, và rất nhiều lý do khác. Kể cả khi bạn đã nhận được một công việc, cũng chưa chắc đã thực sự tốt.

 

Có những khi mình phải làm việc liên tục 10 tiếng một ngày, thậm chí còn hơn. Chân tay bải hoải, mắt díu cả vào, nhưng vẫn cố cho xong. Có những lúc đông khách, phải bê một lúc 3, 4 cái đĩa, mà đĩa "Tây" to và nặng thì khỏi bàn. Hoặc khi vắng khách, hay thiếu người, cũng phải chui vào bếp mà ngồi rửa bát. Hay có bạn phải làm việc liên tục trong xưởng gà, xưởng cá, cắt thịt, đóng gói trong phòng khá là lạnh.

 

Không ít bạn ở nhà là hoàng tử, công chúa của bố mẹ. Sang đến đây cũng phải lăn vào công việc như, ai cũng như nhau hết. Trừ khi gia đình bạn cực kỳ khá giả, bố mẹ đủ điều kiện lo cho con ăn học trong vài năm, hoặc bạn đi sang theo diện học bổng (thường chỉ có học bổng thạc sĩ, hoặc tiến sĩ). Điều lưu ý tiếp theo, là việc sắp xếp thời gian đi làm và học sao cho hợp lý. Nhiều khi thừa thời gian để học, nhưng vì cả ngày làm việc mệt mỏi, lại không tập trung học được. Việc học vì thế mà bị ỳ trệ.

 

Nhưng du học có phải là con đường chỉ có hoa hồng?
Nhưng du học có phải là con đường chỉ có hoa hồng?



Điều cuối cùng: “Du học trở về là ăn đứt “bọn ở nhà”, mình sẽ có một tương lai tươi sáng” - Suy nghĩ này đúng hay sai? Càng ngày sinh viên du học càng nhiều, mà đi học nước ngoài về vẫn thất nghiệp (hoặc tìm được việc làm không ưng ý) cũng không phải là ít. Bản thân chữ “Du học” không thực sự làm bạn có giá trị hơn trong hồ sơ xin việc, nếu có chăng, thì đó là thành quả của quá trình trải nghiệm tại nước ngoài của bạn - bạn đã học được gì và thu lại được gì trong khoảng thời gian du học ấy.

 

Trên đây chỉ là một vài lưu ý nhỏ được rút ra từ kinh nghiệm bản thân mình. Qua đó, mình hy vọng mang đến cho các bạn có một cái nhìn hoàn thiện hơn về việc học tập tại nước ngoài. Đừng để tới lúc chạm tay tới ước mơ, cũng là lúc bạn hối hận: “Nếu biết du học khổ thế này, thà mình ở nhà học cho xong!”.

 

Sâu béo

DHS Việt Nam tại CHLB Đức