Du học Singapore ký sự - Bài cuối: Cuộc sống trong ký túc xá

Ký túc xá ACS Oldham Hall là nơi ở của các nữ sinh nhận học bổng A*star. Ngôi nhà 6 tầng xinh xắn tràn ngập cây xanh được thiết kế theo hình vòng cung khép kín đầy tính cộng đồng.


Ký túc xá ACS Oldham Hall , ngôi nhà thứ hai của các nữ sinh nhận học bổng A*Star.

Ký túc xá ACS Oldham Hall , ngôi nhà thứ hai của các nữ sinh nhận học bổng A*Star.

Đây thực sự là một môi trường quốc tế khi có sự hiện diện của học sinh đến từ nhiều nước trong khu vực như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Hoạt động của ACS Oldham Hall dựa trên 5 giá trị cốt lõi, điều mà mỗi học sinh nội trú cần có, đó là chính trực (Integrity), trách nhiệm (Responsibility), tôn trọng (Respect), khiêm tốn (Humility) và kỷ luật tự giác (Self-Discipline).

Cô Jasmine Goh, người quản lý các nữ sinh ở KTX (Deputy House Mistress) nhiệt tình dẫn tôi đi một vòng tham quan nơi ăn chốn ở của học sinh. Tất cả đều rất hiện đại và sạch sẽ, một nơi lý tưởng cho việc sinh hoạt và học hành của học sinh. KTX được thiết kế gồm nhiều phòng chức năng riêng biệt, như phòng ăn, phòng ngủ, phòng học tập, phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng tắm và vệ sinh, phòng giặt là…

Trong phòng ngủ vẫn có góc học tập riêng cho mỗi học sinh, nhưng các buổi tối trong tuần, trừ ngày nghỉ, học sinh buộc phải ngồi học tại phòng học chung (study room) từ 7h30 - 9h30. Anh Josiah Lau, người phụ trách makerting và truyền thông của KTX giải thích với tôi rằng, “lý do của việc này là chúng tôi muốn học sinh rèn luyện tính tự học, bởi nếu không hình thành được thói quen tự nghiên cứu các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi lên bậc đại học”. Josiah Lau cũng cho biết, việc quản lý thời gian giờ nào việc nấy trong ký túc xá cũng được thực hiện rất nghiêm.

Sau 9h30 tối, học sinh về phòng ngủ và có thể học thêm hay nghỉ ngơi tùy ý, nhưng bắt buộc phải tắt đèn vào lúc 11h. Riêng vào những ngày nghỉ, hôm sau không phải đi học, học sinh có thể ra ngoài vào buổi tối nhưng phải trở về KTX trước 10h30.

Tương tự, giờ giấc ăn sáng, ăn trưa, ăn tối cũng được quy định rất cụ thể. Tất cả cửa ra vào các khu vực trong KTX đều được quản lý bằng thẻ điện tử và được lập trình đúng theo giờ giấc quy định. Điều này có nghĩa những ngày thường học sinh sẽ không thể ra hoặc vào KTX sau 7h30 tối, sau 10h30 tối với ngày nghỉ, đó chính là giờ giới nghiêm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Thế mới có chuyện phụ huynh một học sinh từ Việt Nam mới sang, tất tả đến thăm con và xách đến cho cháu mấy bịch sữa tươi vào lúc 8h tối, vậy mà bố mẹ đành ngậm ngùi đứng nhìn con qua cửa kính, hỏi thăm con mấy câu qua… điện thoại rồi quay lui. Vợ nhìn chồng ngân ngấn nước mắt mà rằng, “gặp con bây giờ khó thế anh ơi…”.

ACS Oldham Hall còn có một số quy định khác như không hút thuốc, uống rượu trong KTX, giữ gìn vệ sinh trong phòng, sắp xếp bàn học, sách vở gọn gàng…


Josiah Lau: “Oldham Hall không chỉ đơn thuần cung cấp một nơi để ở mà còn là nơi giúp họ lớn lên, trở thành những con người có trách nhiệm, thông minh và hiểu biết”.

Josiah Lau: “Oldham Hall không chỉ đơn thuần cung cấp một nơi để ở mà còn là nơi giúp họ lớn lên, trở thành những con người có trách nhiệm, thông minh và hiểu biết”.

Josiah Lau cho rằng, việc này sẽ giúp phát triển nhân cách cho học sinh, giúp các em lớn lên biết làm chủ cuộc sống và quan tâm đến môi trường sống xung quanh. Được biết, khẩu phần ăn tại KTX được giám sát và tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo ATVSTP với chất lượng cao nhất, đảm bảo lượng calo cần thiết cho sự phát triển của học sinh đang độ tuổi lớn.

Buổi tối, 25 nhân viên làm bán thời gian sẽ ở qua đêm trong KTX để chăm sóc và hỗ trợ các học sinh. Nhiều người trong số này là tình nguyện viên. Họ được phân phụ trách theo tầng, bất cứ học sinh nào cảm thấy bị căng thẳng, nhớ nhà hay đơn giản là cần người nói chuyện sẽ lập tức nhận được sự giúp đỡ.

Nhận xét về cộng đồng học sinh Việt Nam tại đây, Josiah Lau cho rằng, đó là một cộng đồng mạnh và rất gắn bó.

Josiah Lau có 7 năm làm việc tại ACS Oldham Hall, trong đó có 4 năm làm việc với vai trò chăm sóc các nam sinh vào buổi tối. Trước đó, vào năm 2006 và 2007 Josiah Lau cũng từng là một học sinh nội trú tại chính KTX này nhờ nhận được học bổng của Bộ Giáo dục Singapore. Từ một học sinh nội trú tới người chăm sóc các học sinh và nay trở thành một trong những người quản lý chính nơi mình đã lớn lên thời thơ ấu. Josiah Lau kể rằng anh có rất nhiều những kỷ niệm ở đây. Anh có nhiều bạn bè người Việt Nam, trong đó có một người bạn tên là Quân. Khi anh bước chân vào KTX này, cậu ấy mới 10 tuổi, và chính anh là người chứng kiến cậu ấy lớn lên và trưởng thành trong suốt 7 năm sau đó. Giờ cậu ấy đã 17 tuổi và vào trường đại học, hai người trở thành bạn thân của nhau, Josiah Lau kể.

Theo Josiah Lau, điều anh tâm đắc nhất chính là Oldham Hall không chỉ đơn thuần cung cấp một nơi để ở mà còn là nơi giúp họ lớn lên, trở thành những con người có trách nhiệm, thông minh và hiểu biết. Và đó cũng chính là phần thưởng, điều quý giá và ý nghĩa nhất đối với Oldham Hall cũng như với Josiah Lau.

Cả Minh An và Khánh Ngọc, những nữ sinh Việt Nam từng sống ở Oldham Hall được từ 1-2 năm, từng vượt qua những buổi đầu đầy khó khăn và lạ lẫm, nay đều coi KTX này như ngôi nhà thứ hai của mình. Minh An kể với tôi rằng, chính sự quan tâm và ân cần của những người phục vụ nơi đây đã làm em thấy ấm lòng và vơi nỗi nhớ nhà.

Sự nhiệt tình và tận tâm của Jasmine khi đưa chúng tôi đi giới thiệu một vòng quanh KTX, những niềm vui chân thành mà Josiah Lau tâm sự khi chứng kiến những cô cậu học trò nơi đây lớn lên hàng ngày, tất cả thực sự thuyết phục tôi và các bậc phụ huynh về một nơi an tâm để gửi gắm những đứa con thân yêu của mình.


Minh An: “Sự quan tâm và chu đáo của những người phục vụ nơi đây làm em thấy ấm lòng và vơi đi nỗi nhớ nhà”.

Minh An: “Sự quan tâm và chu đáo của những người phục vụ nơi đây làm em thấy ấm lòng và vơi đi nỗi nhớ nhà”.

Singapore muốn gì ở học sinh?

Trên website chính thức của Bộ Giáo dục Singapore (www.moe.gov.sg), trong phần Hệ thống giáo dục (Education System) có hẳn một mục đầu tiên mang tiêu đề Kết quả mong muốn của giáo dục (Desired Outcomes of Education – DOE).

DOE được Bộ GD Singapore định nghĩa rằng, đó là những kết quả mà các nhà giáo dục nước này mong muốn mọi công dân Singapore phải có được sau khi hoàn thành chương trình giáo dục chính thống của mình. “Những kết quả này thiết lập một mục tiêu chung cho các nhà giáo dục, giúp định hướng các chính sách và chương trình, cho phép xác định hệ thống giáo dục của chúng tôi đang hoạt động tốt như thế nào”, website của Bộ Giáo dục Singapore nêu rõ.

Không giống như Việt Nam, hệ thống giáo dục Singapore phân luồng và định hướng cho học sinh từ rất sớm, ngay từ 2 năm cuối cấp tiểu học và sẽ tiếp tục được định hướng sâu hơn, được tự chọn môn học cho bản thân tùy năng lực và thiên hướng ở các giai đoạn tiếp theo.

Giáo dục Singapore chia ra làm 3 giai đoạn chính. Tiểu học (Primary) 6 năm, Trung học (Secondary) từ 4-5 năm (tùy loại bình thường, đặc biệt hay cấp tốc) và sau Trung học (Post Secondary) bao gồm các bậc học lần lượt là dự bị đại học, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

“Cách giáo dục của Singapore có nhiều điểm khác biệt, mang tính ứng dụng cao hơn ở Việt Nam. Trong khi chương trình học ở Việt Nam nặng về công thức, tính toán thì họ thiên về giải thích các hiện tượng liên quan đến đời sống”.

Lê Nguyên Vương Linh cựu HS học bổng A*Star, hiện đang học tại ĐH Colgate (Mỹ) diện học bổng toàn phần

Hết giai đoạn trung học (tương tự THCS ở Việt Nam), học sinh sẽ phải thi lấy chứng chỉ GCE O level. Với chứng chỉ này các em có thể vào thẳng các trường dạy nghề. Những HS có định hướng vào đại học sẽ học tiếp 2 năm dự bị đại học để lấy chứng chỉ GCE A level (tương tự như THPT của Việt Nam).

Từ đây các em có thể vào các trường ĐH tại Singapore hoặc các ĐH danh tiếng khác trên thế giới tùy vào hồ sơ và kết quả học tập. Chương trình học bậc đại học của Singapore cũng như nhiều nước khác chỉ 3 năm, chứ không kéo dài tới 4-5 năm như Việt Nam.

Với mỗi giai đoạn chính đều có 8 yêu cầu được đặt ra cho người học, rất cụ thể và ngắn gọn dưới dạng biểu bảng. Đọc hết cả 24 yêu cầu cho cả 3 giai đoạn, tôi không hề thấy bất cứ một yêu cầu nào mang tính học thuật hay kiến thức sách vở, kiểu như hết cấp 1 phải thạo cộng, trừ, nhân, chia số nguyên, hết cấp 2 phải biết giải phương trình bậc 2, hết cấp 3 phải biết đạo hàm, tích phân, vi phân…, điều mà các bậc phụ huynh và thầy cô ở Việt Nam hay nói tới.

Ví dụ như ở yêu cầu thứ 4 có vẻ như liên quan tới trí óc nhất, nói rằng: Một học sinh Singapore học hết tiểu học phải có tính ham hiểu biết sống động về mọi thứ (have a lively curiosity about things); hết trung học phải có óc sáng tạo và tìm tòi (be creative and have an inquiring mind); hết bậc sau trung học phải có sáng kiến và dám làm (be innovative and enterprising).

Hay như với yêu cầu đầu tiên về đạo đức, một học sinh học hết bậc tiểu học ở Singapore cần phải có khả năng phân biệt được đúng với sai (be able to distinguish right from wrong); hết bậc trung học phải có đạo đức liêm chính (have moral integrity); hết bậc sau trung học cần phải có lòng dũng cảm để đứng vững trước những gì mình cho là đúng (have moral courage to stand up for what is right).

Singapore cho rằng, họ muốn nuôi dưỡng những người trẻ, những người biết đặt ra câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời, những người có tư duy mới, biết cách giải quyết các vấn đề và tạo ra những cơ hội mới cho tương lai.

Và, quan trọng không kém, các nhà giáo dục Singapore muốn giúp thế hệ trẻ thiết lập được một tập hợp các giá trị để họ có được tính cách mạnh mẽ, kiên cường đương đầu với những trở ngại mà không nản chí, biết làm việc chăm chỉ để đạt được ước mơ của mình trong tương lai.

Theo Việt Hùng

Tiền phong