Du học sinh Việt “bật mí” cách tìm việc trong khuôn viên trường đại học Mỹ

(Dân trí) - Trong các khuôn viên (on-campus) trường đại học Mỹ có các công việc ở quán cà phê, thư viện, phòng thí nghiệm... Tuy nhiên các công việc này thường rất ít và du học sinh cần phải biết cách để nắm bắt những cơ hội hiếm này.

Nhu cầu tìm việc làm thêm của sinh viên quốc tế là điều mà tất cả các bạn đều quan tâm khi đặt chân đến Mỹ. Làm thêm không những giúp các bạn sinh viên có thêm tiền để trang trải cho chi phí hàng ngày mà đồng thời còn cung cấp cho sinh viên nhiều trải nghiệm mới, mở mang kiến thức và rèn luyện các kỹ năng mềm trong cuộc sống.

Cô gái Việt Đinh Huỳnh Quế Dung đang học năm 3 ngành Tâm lý học (Psychology) tại Đại học Daemen College (ở Buffalo, New York).

Từ trải nghiệm bản thân, nữ du học sinh Việt chia sẻ cách tìm việc làm trong trường để kiếm tiền một cách hợp pháp và không sợ bị trục xuất. Hiện tại, Quế Dung có khoảng 2,3 công việc trong trường, trong năm học kiếm khoảng $500-$800/tháng, hè kiếm được khoảng $900/tháng (do hè tuần nào cũng được làm 19 tiếng).

“Tiền này thì gia đình mình vẫn phải trả học phí và thuê nhà, mình chỉ lo sinh hoạt phí các kiểu được thôi, nhưng mà là học sinh kiếm nhiêu đó, vừa đi học khá ổn nên mình muốn chia sẻ một phần”, Dung chia sẻ.

Dung cho hay, khi làm thêm du học sinh cần phải đóng thuế hợp pháp, nhưng cuối năm sẽ được hoàn lại. Các công việc làm ở trong khuôn viên trường đại học môi trường giáo dục sẽ an toàn và nhàn hơn.

Bên cạnh đó khi làm việc ở các khuôn viên trường đại học sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian di chuyển giao thông và có thêm nhiều mối quan hệ với các thầy cô/nhân viên trong nhà trường.

Các trường ĐH ở Mỹ như một thị trấn thu nhỏ, có đủ các dịch vụ từ quầy sách, quán ăn, bưu điện, bệnh viện… nên việc làm cũng đa dạng. Du học sinh có thể làm ở phòng thư tín (mailing room), quán cà phê, “sang” hơn là làm những việc “đầu óc” như phòng thí nghiệm, dạy kèm, trợ giảng…

Việc Quế Dung làm là phân tích, đánh giá dữ liệu (data analysis and assessment) cho phòng công tác sinh viên (Student Affairs) và trợ lý phân tích dữ liệu cho nghiên cứu nội bộ (Institutional Research) của trường. Ngoài ra, cô là gia sư (tutor) lớp thống kê và tổ chức sự kiện.

Dưới đây là 3 “tips” để kiếm được việc làm thêm tốt trong khuôn viên trường của nữ du học sinh Việt:

Tham gia nhiều hoạt động, sự kiện trong trường

Điều thứ nhất các bạn cần làm là tham gia nhiều hoạt động, sự kiện để tạo mối quan hệ và học hỏi cách làm việc, thông tin về trường. Hồi năm nhất, mình cũng tìm không có việc và nộp phỏng vấn toàn bị rớt do mình không phải người Mỹ, tiếng Anh không bằng sinh viên bản xứ, không biết gì nhiều về trường do mới vào, rồi không tìm được tiếng nói chung vì việc trong trường thường phải tiếp xúc rất nhiều với phụ huynh, học sinh người Mỹ, để nói về trường, quảng cáo trường, etc…

Nhân lúc chưa tìm được việc các bạn nên tình nguyện tham gia hoạt động càng nhiều càng tốt, để làm quen với nhân viên, thầy cô trong trường.

Một việc của mình hiện giờ có là do mình quen biết với một cô làm trong trường do tham gia câu lạc bộ chung với cô. Và những việc như hướng dẫn viên du lịch (tour guide) để hướng dẫn học sinh cấp 3 thăm quan trường, hay trưởng nhóm hướng dẫn (orientation leader), hay tương tự thì cần các bạn phải có tiếng Anh rất giỏi và rất hiểu rõ về trường thì mới có thể làm được.

Du học sinh Việt “bật mí” cách tìm việc trong khuôn viên trường đại học Mỹ - 1
Đinh Huỳnh Quế Dung – sinh viên năm 3 ngành Tâm lý học (Psychology) tại Đại học Daemen College (ở Buffalo, New York) đang làm cùng lúc 3 công việc làm thêm trong khuôn viên trường.

Sơ yếu lý lịch ấn tượng

Các bạn phải làm sơ yếu lý lịch (resume) của mình ấn tượng chút. Đối với mình, mình khá rành công nghệ, nên mấy việc của mình toàn làm excel hoặc liên quan tới máy tính, do ngành học của mình là Tâm lý học (psycholog) nên kĩ năng cũng khá khó cạnh tranh khi còn đang cử nhân, do vậy mình mày mò lập trình, photoshop, excel một chút thì đã có thể tìm được việc.

Nhưng do mình chưa có bằng hay chứng chỉ nên không để vào CV được, nên khuyên các bạn nên tìm đến những khoá học online của EdX hoặc Coursera để đăng kí học và có bằng hẳn hoi, để vào resume sẽ ấn tượng hơn.

Mình thì được gửi file làm thử để test kĩ năng, sau thầy thấy làm được thì tuyển. Bên Mỹ, mình thấy họ cũng sử dụng google doc, google slide, google sheet… rất nhiều, nên nếu rành mấy cái này sẽ tiện hơn. Làm cho văn phòng thì còn phải biết trả lời điện thoại, lấy lời nhắn…

Thái độ, phong cách chuyên nghiệp

Đối với việc liên quan đến lớp học như làm gia sư thì các bạn phải cố gắng phát biểu, ngồi bàn đầu, chỉ bài bạn trong lớp, để thầy cô thấy bạn hiểu kiến thức và có kĩ năng truyền đạt để đề nghị tuyển bạn khi cần gia sư.

Du học sinh Việt “bật mí” cách tìm việc trong khuôn viên trường đại học Mỹ - 2
Những công việc ngay tại trường đại học giúp nữ du học sinh Việt kiếm thêm thu nhập, trau dồi kinh nghiệm quý báu và có những mạng lưới quan hệ tốt hỗ trợ học tập, việc làm.

Khi có được việc rồi thì các bạn nên có thái độ chuyên nghiệp cần có khi đi làm, kể cả ngay từ lúc đi phỏng vấn nữa, chú ý cách ăn mặc trang phục, do họ xem bạn là ứng viên thử việc, chứ không phải học sinh không.

Nếu bạn làm sai sót gì đó trong một công việc thì sau apply sẽ hơi khó do mấy thầy cô văn phòng đa số là biết nhau, nên cố gắng tạo ấn tượng tốt trong mọi hoàn cảnh, công việc nhé!

“Ban đầu, mình chỉ nghĩ là đi làm có việc thì sẽ giúp đỡ được gia đình tự chi trả chi phí sinh hoạt nhưng mà làm lâu thì có rất nhiều kinh nghiệm.

Mình biết được cách làm việc của người Mỹ và quan trọng là tạo mối quan hệ, việc làm ở Mỹ tuyển chủ yếu bằng “networking”, các mối quan hệ mà chị có, người này quen người kia, chẳng hạn như em tham gia CLB mới quen sếp của mình.

Cô mời mình lên phỏng vấn và giao việc cho mình, cô còn giới thiệu mình cho Phó Hiệu trưởng của trường khi mà thầy đang tìm học sinh làm việc cho Nhóm dữ liệu sinh viên, nhờ làm nhiều việc mình cũng quen rất nhiều người quan trọng trong trường nên khi chạy CLB hay chạy sự kiện thì có nhiều nguồn giúp đỡ, với cả du học sinh thì thường cô đơn khó kết bạn do trở ngại văn hoá ngôn ngữ đặc biệt là trường mình không có người Việt Nam, học sinh châu Á cũng ít, nên đi làm mình tạo nhiều mối quan hệ cũng giúp ích cho tinh thần rất nhiều.

Mình nộp lên cao học nên không đi làm ngay nhưng bạn nào đi làm ngay sau khi tốt nghiệp thì có những mối quan hệ đó rất có lợi cho tìm việc hay thực tập”, Quế Dung nhấn mạnh.

Lệ Thu (ghi)