Du học sinh Việt mang văn hóa chia sẻ "tôi thất bại" về Việt Nam

(Dân trí) - Một nhóm các bạn trẻ Việt đang là du học sinh nhiều nước trên thế giới vừa chung tay tổ chức sự kiện F.U.N lần đầu tiên tại Hà Nội. Tại đây, những thất bại được thể hiện theo cách cởi mở nhất.

F.U.N là chuỗi sự kiện toàn cầu, nơi các doanh nhân chia sẻ về những thất bại lớn nhất trong sự nghiệp của họ một cách thẳng thắn và vô cùng chân thực. Ý tưởng này ra đời vào tháng 9/2012 tại Mexico khi 5 đồng sáng lập gồm Pepe, Julio, Luis, Charlie và Leti trong lúc ngồi uống bia và mezcal với nhau đã nhận ra rằng ngoại trừ với bạn thân, họ chưa bao giờ chia sẻ với người khác về thất bại của mình. Mỗi buổi sẽ có 3, 4 diễn giả, mỗi người có 7 phút trên sân khấu với nhiều nhất là 10 slide trình chiếu. Sau đó sẽ là thời gian dành cho gặp gỡ, kết nối và bia.

F.U.N ra đời và nhanh chóng “bùng nổ” đến hơn 250 thành phố trên thế giới với con số ấn tượng hơn 10,000 người tham gia mỗi tháng. Và ngày 12/8 vừa qua, lần đầu tiên sự kiện này đã có mặt tại Hà Nội, Việt Nam.

Nữ du học sinh Hà Khánh Linh là người nảy ra ý tưởng mang F.U.N về Việt Nam. Cô gái Thái Nguyên vừa tốt nghiệp cấp 3 ở Israel và trúng tuyển vào chương trình Babson Global Scholars (Học giả Toàn cầu Babson) tại Mỹ với suất học bổng trị giá 69.250 USD/ năm trong vòng 4 năm.

Linh cho hay: “Em du học ở Israel và có đi một chương trình F.U.N ở đó. Mọi người cực kì cởi mở chia sẻ với nhau, em chưa từng thấy một chương trình nào ở Việt Nam mà mọi người dù xa lạ có thể thẳng thắn chia sẻ về những thất bại đến thế.

Em nghĩ cái làm nên thành công của văn hóa Israel như một quốc gia khởi nghiệp bởi vì người ta sẵn sàng nói về thất bại, người ta dám thử, dám ngã”. Đó là lí do cô gái 9X đã kết nối nhóm để cùng chung tay mang văn hóa chia sẻ thất bại về Việt Nam.


Nữ du học Hà Linh (giữa) là người khởi nguồn ý tưởng mang F.U.N về Việt Nam.

Nữ du học Hà Linh (giữa) là người khởi nguồn ý tưởng mang F.U.N về Việt Nam.

Nghĩ là làm, Linh kết nối với một nhóm du học sinh Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới và một nhóm sinh viên đang học ở Việt Nam (50-50) để hiện thực ý tưởng.

Sự kiện đầu tiên diễn ra tại Hà Nội thành công tốt đẹp, lượng khách tham dự vượt ngoài dự tính của ban tổ chức. Khách mời của chương trình là 3 start-up trẻ đầy đam mê quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám thành công – anh Nguyễn Duy Hải Linh, anh Trịnh Anh Đức, anh Nguyễn Ngọc Quân.


Khán giả hào hứng đặt câu hỏi với diễn giả Nguyễn Duy Hải Linh tại sự kiện F.U.N số đầu tiên ở Hà Nội.

Khán giả hào hứng đặt câu hỏi với diễn giả Nguyễn Duy Hải Linh tại sự kiện F.U.N số đầu tiên ở Hà Nội.

Có điều các diễn giả trên sân khấu sẽ chỉ được nói về việc “tôi đã làm dở, ngu ngốc và phá hỏng mọi thứ ra sao, ngớ ngẩn thế nào trong quá trình khởi nghiệp” - những hành động và thái độ mà tiếng Anh gọi là “fucked - up”.

Mỗi người mang đến những câu chuyện thất bại ê chề trong cuộc sống, sự nghiệp của mình và khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ thực sự thích thú, chăm chú lắng nghe những bài học từ thất bại của các diễn giả.

Những kỹ năng khởi nghiệp “trần trụi” nhưng táo bạo và hữu ích đến từ những góc nhìn nghiêm túc nhất. Một thái độ tích cực đón nhận thất bại chưa từng có tiền lệ, đúng như tinh thần của người trẻ đam mê khởi nghiệp.


Những kỹ năng khởi nghiệp “trần trụi” nhưng táo bạo và hữu ích từ các diễn giả.

Những kỹ năng khởi nghiệp “trần trụi” nhưng táo bạo và hữu ích từ các diễn giả.

Và hơn thế, văn hóa “network” (giao tiếp, kết nối) tự nhiên và đầy tính khích lệ được các khán giả thực hành ngay tại chương trình.

Anh Đào Đức Hải (một startup) - khách tham dự chương trình chia sẻ: "Sự kiện khá hay. Điều thú vị, ý nghĩa là tạo sự kết nối cho những người cùng ý tưởng có thể gặp gỡ nhau, xây dựng mạng lưới để có thể tìm nguồn lực giúp đỡ nhau cùng phát triển".


Không gian “networking” của khán giả tham gia chương trình.

Không gian “networking” của khán giả tham gia chương trình.

Để đưa F.U.N số đầu tiên về Việt Nam, nhóm bạn trẻ đã dốc sức chuẩn bị trong vòng 1 tháng. Bạn Hoàng Phương Hải Châu (du học sinh Việt tại trường University of Tsukuba , Nhật Bản) – thành viên BTC chia sẻ: “Bọn em tất cả mọi người không ai quen ai từ trước, nhưng thật may là làm việc cực kì ăn ý. Các bạn có điểm chung là cùng đam mê sự kiện cho xã hội và bạn trẻ.

Khi làm sự kiện về văn hóa thất bại này bọn em cũng đã nghĩ có thể sự kiện của chúng em cũng thất bại – không sao cả. Nhóm chỉ có áp lực làm sao cống hiến nhiều nhất để bạn trẻ hiểu tinh thần chương trình. Hết mình cổ vũ cho những thất bại thay vì cười chê, dè bỉu”.

Văn hóa chấp nhận và coi thất bại là chuyện đương nhiên, bình thường đã được Thung lũng Silicon “thấm nhuần” từ lâu.

Đó là một trong nhiều lý do khiến nơi đây trở thành trung tâm sáng tạo của thế giới, với các mô hình khởi nghiệp có thể vươn ra toàn cầu nhanh chóng và được định giá tỉ đô. Châm ngôn gối đầu giường của những start-up ở Thung lũng Silicon là: “Thất bại nhanh, thất bại thường xuyên”.

Lệ Thu