Du học sinh Việt tiếc thương vị Tướng của nhân dân

(Dân trí) - Không thể tự mình đến số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội để đặt một nhành hoa tưởng niệm là điều mà nhiều bạn du học sinh Việt tiếc nuối nhất, khi cả nước đang cùng tiễn biệt người anh hùng của chiến thắng Điện Biên năm nào.

Sự ra đi của vị Đại tướng lẫy lừng Võ Nguyên Giáp là một tổn thất lớn của cả dân tộc Việt Nam. Trước sự ra đi đó, hàng triệu con tim của người Việt và bạn bè quốc tế thêm một lần thổn thức. Bên cạnh việc đổi avatar, chia sẻ những dòng cảm xúc hay đăng hình ảnh, bài viết về Đại tướng trên trang cá nhân, các bạn sinh viên Việt đang học tập ở xứ người cũng gửi gắm những tình cảm của mình với vị Đại tướng của nhân dân.

 

Từ thành phố Voronezh (LB Nga), bạn Mỹ Nga nhớ lại cảm giác khi biết tin buồn này: “Cả ngày hôm đó, đường truyền Internet ở chỗ mình bị gián đoạn nên không biết gì. Mãi khi lên được facebook, thấy mọi người đã đăng tin Đại tướng mất. Lúc đấy mình thực sự ngỡ ngàng lắm, vội vào các trang báo lớn trong nước để xem thế nào, nhưng vẫn chưa có thông tin gì, nên thấy rất hoang mang, ko biết có thật hay không, hỏi bạn bè ở khắp nơi. Khi biết đó là tin thật thì nghẹn ngào lắm, cảm giác mất mát đi một điều gì đó lớn lao, quý giá. Từ hôm đó đến nay, ngày nào đọc tin về đại tướng, mắt cũng hoen đỏ mà chẳng hiểu vì sao…”

 

Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên báo chí Nga
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên báo chí Nga



Theo dõi những hình ảnh đồng bào cả nước về Hà Nội tiễn đưa vị anh Cả của quân đội ta, Mỹ Nga cảm thấy vô cùng xúc động trước tình cảm của nhân dân dành cho vị “tướng của lòng dân”. Cô bạn trăn trở: “Thật lòng, mình rất muốn có mặt, đứng xếp hàng ở Hoàng Diệu để vào viếng đại tướng. Vì ở xa, không có điều kiện, mình đành nhờ em đến viếng, dâng hoa và có ghi vào sổ lưu niệm để bày tỏ chút tấm lòng với Đại tướng vậy”.

 

Dẫu chưa một lần được gặp Đại tướng, nhưng với cô gái xứ Nghệ này, “Bác Giáp là một chính khách lớn, một con người vĩ đại nhưng mộc mạc, một người lính cụ Hồ đúng nghĩa, luôn sống vì Tổ quốc, vì nhân dân”.

 

Mỹ Nga cũng thông tin thêm, khi biết Đại tướng qua đời, nhiều bạn bè, giáo viên người Nga cũng gửi lời chia buồn, hỏi thăm trước mất mát lớn của dân tộc Việt Nam. Ngay sau khi truyền thông Nga đưa tin về đại tướng, cô giáo Maria Iakovlevna, người hướng dẫn luận văn cho Mỹ Nga, đã gọi điện cho cô học trò Việt của mình và nói : “Cô xem tivi có thấy đưa tin ở Việt Nam, một vị đại tướng lừng lẫy vừa mới qua đời. Đài truyền hình Nga có tóm lược tiểu sử của ông. Cô xin chia buồn với đất nước em!”.

 

Trong niềm tiếc thương chung cuả đồng bào cả nước dành cho Đại tướng, nhiều du học sinh còn tiếc nuối hơn khi không thể tự mình đặt một nhành hoa tưởng niệm ở ngôi nhà đã gắn bó với Đại tướng những năm về già.

 

Trung Kiên, du học sinh tại Leipzig (Đức) ngậm ngùi: “Như thói quen, sau khi trở về từ chỗ làm thêm, mình bật máy tính lên để đọc tin tức, bàng hoàng khi biết vị tướng vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã ra đi. Sững sỡ như vừa mất đi người thân thiết dù chưa giờ mình được nhìn thấy Cụ ở ngoài đời, mình tìm thêm các bài báo viết về Cụ, cứ thế ngồi đọc hết suốt cả đêm. Đọc để biết, để nhớ, để khắc khi những gì Cụ đã làm cho đất nước, cho nhân dân. Đọc những dòng chia sẻ cảm xúc, xem những hình ảnh người dân Việt Nam xếp hàng dài trước căn nhà số 30 Hoàng Diệu nơi cụ sinh sống, chợt nước mắt trào ra. Một cảm giác buồn và hụt hẫng vô cùng…”.

 

Rất nhiều bạn bè của Trung Kiên khi biết tin đã bày tỏ sự tiếc thương vô hạn đối với vị tướng vĩ đại của dân tộc. “Những hình ảnh về Cụ xuất hiện như một biểu tượng bất tử trong lòng những giới trẻ. Tôi đã rất cảm động vì những bài chia sẻ, những dòng status trên mạng xã hội của bạn bè mình về Đại tướng. Tất cả đều thể hiện  sự kính trọng vô cùng dành cho người con vĩ đại của đất nước” – Kiên nói.

 

Không chỉ người dân Việt Nam yêu quý Đại tướng của mình, mà thông qua truyền thông quốc tế, bạn bè nước ngoài cũng bày tỏ sự ngưỡng vọng với vị tướng huyền thoại này. Kiên kể, khi cậu đi học lái xe, vừa gặp thầy giáo người Đức, ông đã hỏi rằng : "Có phải có một vị tướng của Việt Nam vừa qua đời?".

 
Hoa tươi bên hình Đại tướng vẫn cười…
Hoa tươi bên hình Đại tướng vẫn cười…

Đây là lần đầu tiên, một chàng trai học khối tự nhiên như Kiên lại hăng say nói về lịch sử thế này: "Vâng, ông tên là Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài giỏi nhất của chúng tôi, người đã dẫn dắt quân đội Việt Nam đánh thắng những kẻ thù mạnh nhất trên thế giới. Thầy có biết ông là một trong những vị tướng giỏi nhất thế kỷ 20 không ạ? Nhân dân Việt Nam tự hào về ông”.

 

Có những bạn trẻ là Việt kiều thế hệ thứ hai, sinh ra và lớn lên ở Đức, hoặc sang Đức từ bé, không được biết nhiều về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng đều có mối quan tâm đặc biệt tới vị tướng này, bạn gái Kiên nằm trong số đó.

 

“Tôi đã say sưa kể cho cô ấy nghe ông là ai, ông đã cống hiến cho đất nước ra sao. Tôi cho cô ấy xem những hình ảnh người dân xếp hàng dài để được nói lời vĩnh biệt với ông, để cô ấy biết trong tim người dân Việt Nam có một đại tướng vĩ đại như thế nào. Và cô ấy đã khóc”, Kiên tâm sự.

 

Hải Nam