Góc nhìn mới về bình đẳng giới của nghiên cứu sinh Tiến sĩ Việt tại Hà Lan

(Dân trí) - “Một ngày 8/3 nữa lại trôi qua, và như thường lệ trên mạng xã hội ngày hôm đó tràn ngập hoa, quà, và những lời chúc có cánh. Có thể nói rằng phụ nữ Việt Nam thực sự trở thành tâm điểm chú ý của tất cả cánh mày râu…”

Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, bạn Lê Quỳnh Nga – hiện đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại ĐH Maastricht (Hà Lan) gửi tới báo Dân trí bài viết thể hiện quan điểm cá nhân về vấn đề bình đẳng giới.

Xin được chia sẻ cùng độc giả:

Một ngày 8/3 nữa lại trôi qua, và như thường lệ trên mạng xã hội ngày hôm đó tràn ngập hoa, quà, và những lời chúc có cánh. Có thể nói rằng phụ nữ Việt Nam thực sự trở thành tâm điểm chú ý của tất cả cánh mày râu

Nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 20/10 hoặc 8/3 thì tôi lại thấy có ai đó ước rằng ở Việt Nam không còn hai ngày này nữa. Bởi vì sự tồn tại của chúng chứng tỏ rằng khoảng cách về giới ở nước ta vẫn còn là một vấn đề đáng được quan tâm. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp này người ta lại bàn luận về vấn đề nữ quyền và bình đẳng giới.

Thực tế nhìn nhận, ở nước ta sự phát triển của phụ nữ vẫn còn nhiều hạn chế so với nam giới. Điều này được thể hiện trên rất nhiều góc độ: sự tham gia hạn chế của phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, trên vũ đài chính trị, quan điểm trọng nam khinh nữ ở nông thôn và sự chọn lựa dẫn đến chênh lệch giới tính khi sinh, quan điểm cho rằng phụ nữ không cần phải học lên quá cao…

Tuy nhiên dường như vấn đề này ở Việt Nam đang được nhìn nhận dưới góc độ khá hẹp, chỉ đơn giản là đấu tranh đòi nữ quyền.


Tác giả Quỳnh Nga từng giành 2 học bổng toàn phần Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Hà Lan.

Tác giả Quỳnh Nga từng giành 2 học bổng toàn phần Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Hà Lan.

Vậy bình đẳng giới có nghĩa là gì?

Phần lớn mọi người hiểu rằng bình đẳng giới nghĩa là “những gì nam giới làm được thì phụ nữ cũng làm được”, nghĩa là “phụ nữ chúng tôi không thua kém cánh đàn ông tẹo nào’, nghĩa là ‘phụ nữ vùng lên’ hay ‘trao quyền cho phụ nữ”.

Đúng vậy! Phụ nữ có năng lực và hoàn toàn có khả năng đảm đương các vị trí công việc mà xã hội thường cho là ‘của đàn ông’. Tuy nhiên, bình đẳng giới không chỉ dừng lại ở đó.

Bình đẳng giới là một chủ đề rất lớn có tính bao trùm, được Liên Hợp Quốc và nhiều nhà tài trợ lồng ghép vào trong rất nhiều hoạt động phát triển con người. Trong đó nhấn mạnh “lồng ghép giới” nghĩa là thừa nhận sự khác biệt của cả hai giới, từ đó tạo điều kiện để cả hai giới cùng phát triển đúng với tiềm năng của mình.

Như vậy, bình đẳng giới không có nghĩa là nam và nữ phải giống như nhau hay bình đẳng về mặt kết quả. Bình đẳng giới là đảm bảo rằng mỗi giới đều được phát triển trọn vẹn đúng theo tiềm năng vốn có của mình. Bình đẳng giới, vì vậy không có nghĩa là chỉ đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ!

Hiện nay ở Mỹ có một phong trào đòi quyền được khóc cho đàn ông, vì đàn ông luôn được kì vọng phải mạnh mẽ và không được tỏ ra yếu đuối. Mở rộng hơn nữa, các phong trào đòi quyền bình đẳng cho nhóm đồng tính cũng đang diễn ra rất mạnh mẽ trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Như vậy, đâu chỉ có phụ nữ mới là ‘nhóm yếu thế’? Đâu chỉ có phụ nữ mới được đòi quyền bình đẳng giới?

Để hai giới (nhiều giới) phát triển đúng như tiềm năng, cần có những chính sách phù hợp đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội, bình đẳng về sự tiếp cận. Ví dụ như cả nam và nữ đều được đi học, đều có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ công mà không có sự phân biệt đối xử; cả nam và nữ đều có quyền tham gia bầu cử, ứng cử…

Bên cạnh góc nhìn về bình đẳng xã hội, ở đây tôi muốn phát triển rộng thêm khái niệm này bằng góc nhìn phát triển con người của nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Amartya Sen, cha đẻ của chỉ số phát triển con người HDI.

Một trong những đóng góp nổi tiếng của ông là bài viết về cách tiếp cận dựa trên năng lực (capability approach), trong đó nhấn mạnh “mỗi người được tự do lựa chọn cuộc sống mà họ cho là có giá trị đối với mình”.

Mục tiêu của phát triển con người là đảm bảo tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, được phát triển trọn vẹn tất cả những tiềm năng của mình theo chiều hướng mà mình mong muốn. Khái niệm này rất rộng và có tính bao trùm, do đó không chỉ nhắc đến hai giới sinh học mà có thể hiểu rộng ra cho cả đối tượng thuộc nhóm yếu thế: đồng giới, chuyển giới…

Mỗi người trong chúng ta đều có những định nghĩa khác nhau về hạnh phúc và sự lựa chọn khác nhau về một cuộc sống lý tưởng. Phụ nữ cũng như đàn ông, chúng ta đều có những ước mơ, hoài bão và những điều mình muốn làm trong đời. Để phụ nữ và đàn ông có thể phát triển đúng với tiềm năng của mình thì không cần thiết phải “gắn nhãn mác” hay tạo ra những định kiến. Đừng cho rằng phụ nữ phải thế này, đàn ông phải thế kia.

Phụ nữ không nhất thiết phải là người hi sinh sự nghiệp vì gia đình nếu đó không phải là sự lựa chọn tự nguyện. Một người phụ nữ thông minh và giỏi giang lựa chọn hi sinh cho gia đình thường được xã hội Việt Nam tán thưởng, nhưng điều này sẽ hạn chế sự phát triển cá nhân và hạnh phúc của bản thân nếu cô ấy không tự thân cảm thấy mình hạnh phúc vì sự hi sinh đó.

Đối với đàn ông cũng vậy, xã hội không nhất thiết phải áp đặt hay kì vọng một người đàn ông phải tham vọng hay có một sự nghiệp hiển hách. Khi sống ở nước ngoài, tôi được gặp một số người đàn ông độc thân lựa chọn làm việc bán thời gian và dành thời gian còn lại cho những thú vui của mình như câu cá, lướt sóng, vẽ tranh. Họ không hề quá bận tâm về việc phải trở thành chỗ dựa cho một gia đình nhỏ nếu cuộc sống độc thân với những thú vui ấy là cuộc sống mà họ mong đợi.

Quan điểm này ủng hộ việc trao quyền lựa chọn cho cá nhân, mọi kì vọng và định kiến xã hội vì thế sẽ trở thành áp lực không cần thiết cho cả hai giới, cần phải được loại bỏ.

Để tiến đến bình đẳng giới, cần gạt bỏ những định kiến, kì vọng về giới. Hãy để cho mỗi cá nhân được tự do quyết định cuộc sống có giá trị đối với mình và phát triển theo hướng mình mong muốn.

Bình đẳng giới không chỉ là đấu tranh vì nữ quyền, cũng không phải làm cho cả hai giới trở nên giống nhau về kết quả. Bình đẳng giới là tôn trọng sự khác biệt về giới, tạo mọi điều kiện để cả hai giới (hay nhiều giới) cũng phát triển. Để cho mỗi cá nhân được tự do lựa chọn cuộc sống mà mình mong muốn thông qua sự bình đẳng về cơ hội và sự tiếp cận.

Nếu làm được như vậy, tôi tin rằng tất cả mọi người sẽ trở nên hạnh phúc hơn rất nhiều”.


Quỳnh Nga tại tòa nhà Liên Hợp Quốc (Geneve, Thụy Sĩ)

Quỳnh Nga tại tòa nhà Liên Hợp Quốc (Geneve, Thụy Sĩ)

Thông tin về tác giả bài viết

Họ và tên: Lê Thị Quỳnh Nga

Năm sinh 1987

Hiện đang là: Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại ĐH Maastricht, Hà Lan

Thành tích chính đạt được:

- Học bổng toàn phần Thạc sĩ (High Potential Scholarship) trị giá hơn 23.700 euro

- Học bổng toàn phần Tiến sĩ (UNU-MERIT Fellowship) trị giá hơn 72.000 euro

- Giải Vàng Thắp Sáng Tài Năng Kinh Doanh Trẻ 2008

- Giải Nhì Cuộc Thi Dynamic Sinh Viên Nhà Doanh Nghiệp Tương Lai. Được đi Mỹ gặp gỡ bà Indra Nooyi, chủ tịch và CEO của Pepsi Co toàn cầu và giao lưu với sinhv viên và giáo sư MBA tại đại Học Georgetown ở D.C.

- Giải Ba Nghiên Cứu Khoa Học Dành cho sinh viên, trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân

Sở thích: vẽ tranh, đi dạo bên những cánh đồng cỏ ở Châu Âu, nghe nhạc giao hưởng và nhạc jazz, đi các viện bảo tàng nghệ thuật lớn trên thế giới.

Lê Quỳnh Nga

(Từ Maastricht, Hà Lan)