Gửi người đi du học: Được gì, mất gì?

(Dân trí) - Một nước kém hoặc đang phát triển muốn đào tạo nhân tài đương nhiên phải gửi người đi du học ở các nước tiên tiến. Đó là chủ trương cần thiết, không cần bàn mà lẽ ra phải thực hiện từ lâu, vì chỉ bằng cách đó mới có hy vọng mau đuổi kịp được các nước…

Đó là chia sẻ của cố GS Hoàng Tụy – một trong hai người sáng lập ngành Toán học Việt Nam, chuyên gia hàng đầu về vận trù học trên thế giới.

Sinh thời, GS Hoàng Tụy vô cùng tâm huyết với giáo dục, khoa học nước nhà. Ông có nhiều trăn trở về việc phát triển, trọng dụng nhân tài để tinh hoa trí tuệ Việt trở thành đòn đẩy đưa đất nước hội nhập.

Dưới đây là quan điểm đầy đủ của GS Hoàng Tụy về vấn đề gửi người đi du học nước ngoài:

“Tôi từng nói ta không nên quá lo lắng việc nhiều người học xong không trở về nước ngay. Tuy nhiên, cũng phải nhìn thấy một mặt trái của việc này là khi số lớn người giỏi đều đi du học hết thì trước mắt các đại học của ta sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm sinh viên giỏi theo học, do đó sẽ mất đi một động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng.

Như ai cũng biết, có thầy giỏi mới có trò giỏi, nhưng ở đại học phải nói thêm có trò giỏi mới kích thích được thầy giỏi. Đó là thực tế vì trong ngành nghiên cứu khoa học, không chỉ có trò học thầy mà nhiều khi thầy cũng học trò không kém nếu trò xuất sắc, chưa kể trò giỏi còn là trợ thủ đắc lực cho thầy trong nghiên cứu.

Tôi tin chắc một học trò như Ngô Bảo Châu học ở thầy nhiều, song sẽ không phải là xúc phạm ai nếu nói rằng các thầy của anh cũng đã học được không ít ở anh. Cho nên khi các đại học lớn ở các nước ngoài sốt sắng tiếp nhận sinh viên hay nghiên cứu sinh xuất sắc từ các nước khác, đó không chỉ vì ý tốt muốn giúp cho các nước này mà cũng có phần vì lợi ích của chính họ. Chưa kể nhiều người sau khi học thành tài ở lại làm việc cũng đóng góp thêm cho họ một lực lượng nhân tài đáng giá.

Do đó, bên cạnh cải lợi hiển nhiên của việc gửi người đi đào tạo ở nước ngoài, nếu không thấy hết mặt trái để có đối sách thích hợp thì rốt cuộc cũng chẳng khác gì nhà nghèo mà bao nhiêu của quý đều đem cống hết cho thiên hạ.

Cách tốt nhất để tránh tác dụng tiêu cực đó là xây dựng trong nước một vài trường đại học thật sự hiện đại với tương đối đủ điều kiện nghiên cứu, học tập như các trung tâm quốc tế, vừa để thu hút một số chuyên gia giỏi người Việt Nam và nước ngoài đến làm việc thường xuyên hay từng thời kỳ, vừa có thể giúp một phần đào tạo nhân tài tại chỗ ít tốn kém hơn. Một trường đại học như thế đồng thời sẽ đóng vai trò cửa ngõ khoa học quốc tế và đầu tàu thúc đẩy hiện đại hóa nền giáo dục.

Gửi người đi du học: Được gì, mất gì? - 1
Du học sinh Việt tại Pháp mặc áo dài quảng bá văn hóa quê hương Việt Nam tại đất Pháp.

Như vậy, một kế hoạch đào tạo nhân tài mà đơn thuần chỉ tính toán gửi bao nhiêu người giỏi đi học ở các nước tiên tiến là rất thiển cận. Đào tạo nhân tài không đơn giản như sản xuất máy bay hay xe hơi để có thể quy hoạch chặt chẽ mấy năm đào tạo được mấy trăm nhân tài.

Một ngành công nghiệp khi cho xuất xưởng một sản phẩm thì nó đã ở dạng hoàn thành, chỉ xuống cấp dần trong quá trình sử dụng. Còn người đỗ bằng cấp cao nhất, dù ở đại học nổi tiếng nhất, thường cũng phải trải qua công việc sau khi ra trường một thời gian mới được xác lập như một tài năng hoàn thiện. Đương nhiên, vẫn có những tài năng lỗi lạc không từng học đại học nào, nhưng đó chỉ là ngoại lệ, không nằm trong khuôn khổ quy hoạch”.

Ông cũng quan điểm nhân tài là tài sản quý của quốc gia, coi việc tạo điều kiện cho họ cống hiến là lợi ích thiết thân của cộng đồng, khi nào thuận lợi thì khuyến khích họ về giúp nước, chưa thuận lợi thì cứ để họ ở nước ngoài làm dự trữ cho tương lai.

Bởi, đưa một người tài về chỉ để trang trí rồi để tài năng họ mòn mỏi dần, không chỉ là một sự lãng phí lớn, mà còn có tác dụng nược lại là cắt đứt đường về đối với những người tài khác đang còn làm việc ở nước ngoài và đang mong mỏi có dịp trở về quê hương.

Lệ Thu