“Học cày” là… bản sắc của học sinh Việt?

(Dân trí) - Nhiều ý kiến phê bình nền giáo dục Việt Nam quá “gà chọi” vì mục đích giành thứ hạng cao, nhưng các diễn giả trẻ là những du học sinh Mỹ cho rằng, nếu tiếp thu ở hướng tích cực thì nó lại là điểm đặc biệt của người Việt Nam khi đi ra quốc tế.

Bản sắc văn hóa Việt trong bạn là…?

Những góc nhìn đa chiều về gìn giữ bản sắc dân tộc được 4 diễn giả trẻ là những du học sinh tài năng được bày tỏ tại buổi trao đổi “Tìm bản ngã trong bản sắc dân tộc” do tổ chức VietAbroader tổ chức vừa qua.

Theo bạn Trần Hoàng Kim (cựu sinh viên ĐH Brigham Young University, Mỹ) bản sắc Việt được nhìn ở 2 khía cạnh và đều quan trọng như nhau. Đó là những hình ảnh bề nổi mà người Việt đều nghe nhắc đến nhiều như áo dài, phở cuốn, bún chả, ca chù, quan họ… Đồng thời, bản sắc là những bề chìm, không đo đạc được nhưng ăn sâu vào lối sống, tính cách của người Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm của Hoàng Kim, bạn Nguyễn Thành Nam (sinh viên trường ĐH Williams, Mỹ) bổ sung quan điểm: Đặc trưng của bản sắc văn hóa là luôn thay đổi và hội nhập chứ không giữ nguyên theo thời gian.

Với Trần Thị Diệu Liên (Tân sinh viên ĐH Harvard), bản sắc văn hóa là những thứ riêng, khác biệt, khi đặt ở môi trường khác, ta càng nhìn thấy, cảm nhận rõ rệt hơn. Giống như chuyện bản thân Diệu Liên nói tiếng Sài Gòn, cho đến một ngày ra thăm Hà Nội gặp người nói giọng Bắc. Cô đã thấy giọng nói miền Bắc rất đặc biệt so với giọng nói tự nhiên của mình mười mấy năm qua và ngược lại.


Các diễn giả trẻ bàn về chủ đề “bản ngã” trong bản sắc dân tộc của du học sinh Việt.

Các diễn giả trẻ bàn về chủ đề “bản ngã” trong bản sắc dân tộc của du học sinh Việt.

“Sinh viên Việt Nam sang Mỹ học làm gì?”

Nhiều ý kiến phê bình nền giáo dục Việt Nam quá “gà chọi”, nhưng các diễn giả trẻ cho rằng, nếu biết tiếp thu chọn lọc thì nó lại là điểm đặc biệt của người Việt Nam khi đi ra quốc tế.

Anh chàng Phạm Ngọc (Sinh viên ĐH Temple, Mỹ) kể câu chuyện một giáo sư dạy môn thống kê hỏi mình: “Tại sao sinh viên Việt Nam sang Mỹ học làm gì?” Bởi lẽ vị giáo sư người Mỹ này thấy học sinh Việt sang Mỹ đa phần học rất giỏi, ai cũng điểm cao chót vót! Vì lí đó, ông cho rằng, học sinh Mỹ nên sang Việt Nam học vì học sinh Việt Nam quá chăm và tuyệt vời.

Câu nói của giáo sư khiến Phạm Ngọc suy nghĩ rất nhiều xen lẫn tự hào. Anh chàng dần nhận ra, mỗi sinh viên Việt Nam nang theo đức tính chăm chỉ, thông minh, luôn vươn tới những đỉnh cao học tập đã thực sự làm nên một phần bản sắc Việt trong mắt bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, các diễn giả du học sinh cũng đồng ý rằng, dù học sinh Việt khá thông minh, chăm chỉ và học giỏi nhưng cái còn thiếu là sự tự tin thể hiện bản thân.

Chẳng hạn, trong lớp học, học sinh Việt Nam có thể học rất tốt và chuẩn bị bài kỹ nhưng đến giờ thì học sinh Mỹ lại giơ tay phát biểu, đóng góp nhiều hơn hẳn. Còn học sinh Việt Nam thì ngồi im và tự nhủ “cái này tao cũng biết, chẳng qua tao không thích phát biểu thôi”. Theo các diễn giả, đó chính là điều cần phải thay đổi để bản sắc Việt trở nên tốt hơn, đẹp hơn.

Giữ gìn bản sắc không đồng nhất việc phải chọn trở về

Là một du học sinh ở Hoa Kỳ 3 năm trước khi về Việt Nam lập nghiệp, Trần Hoàng Kim đã có trải nghiệm giản dị mà sâu sắc về bản sắc.

Tốt nghiệp ĐH Brigham Young University tại Mỹ, từ bỏ cương vị tư vấn viên tại Công ty Tư vấn chiến lược McKinsey & Company với mức lương gần 2.500 USD (trên 50 triệu đồng), Trần Hoàng Kim trở về Việt Nam lập nghiệp để theo đuổi những dự án riêng và thực hiện mong muốn thay đổi nhu cầu của giới trẻ Việt. Khi được hỏi về quyết định của mình, Trần Hoàng Kim nói rằng, quan điểm của bản thân khá nhẹ nhàng về việc du học sinh nên ở hay về.

Trần Hoàng Kim không muốn mọi người nhìn quyết định trở về Việt Nam của mình “to tát” là sự cống hiến. Đơn giản, là bởi anh chàng nhìn thấy và đánh giá đúng mực cơ hội của bản thân ở chính quê hương.

“Thị trường Việt Nam là thị trường rất mới, nhiều cơ hội, nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng. Thứ hai là, kể cả khi muốn đánh vào thị trường quốc tế thì Việt Nam vẫn chính là cơ hội tuyệt vời với nhân lực trẻ, giỏi, chi phí cạnh tranh. Hãy chọn nơi có cơ hội tốt nhất cho các bạn theo đuổi nhưng cũng hãy đánh giá Việt Nam bằng con mắt công bằng”, Trần Hoàng Kim nói.

Bạn Nguyễn Thành Nam cũng đồng ý rằng, nếu một người có tài năng thì ở môi trường nào cũng có thể tìm ra cơ hội để phát triển, không nhất thiết phải ở Mỹ hoặc Việt Nam. Nếu là thanh niên yêu nước thì khi sống làm việc ở bất kì nước nào trên thế giới vẫn có thể phát huy bản sắc văn hóa con người Việt Nam.

Bạn Trần Diệu Liên (tân sinh viên ĐH Minerva, Mỹ) nhìn nhận, quyết định trở về Việt Nam hay không phụ thuộc nhiều hơn vào cơ hội phát triển bản thân, còn bản sắc văn hóa thì ở đâu chúng ta cũng có thể gìn giữ được.

Là một sinh viên quốc tế, để thành công ở nước Mỹ thì hội nhập văn hóa là điều không thể tránh khỏi. Để giữ gìn văn hóa Việt quả không phải là điều dễ dàng, song Trần Hoàng Kim cũng đã tận dụng tối đa cơ hội có được để giới thiệu bản sắc Việt Nam ở nước ngoài qua các hoạt động hội chợ, liên hoan giao lưu văn hóa quốc tế.

Vào các dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán, Hoàng Kim cùng cộng đồng học sinh Việt cũng như châu Á tổ chức những buổi tiệc với ẩm thực truyền thống Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Khi còn là du học sinh Mỹ, trước khi phát huy bản sắc văn hóa Việt, bản thân Trần Hoàng Kim luôn tâm niệm, trước tiên bản thân phải không được làm xấu hình ảnh người Việt. Đơn giản ngay từ cách qua đường đúng đèn báo hiệu hoặc không quay cóp trong kì thi (người Mỹ rất kì thị người gian lận).

Tại buổi chia sẻ, cô tân sinh viên ĐH Harvard Trần Thị Diệu Liên cũng đã “bật mí” rằng, chính bản sắc văn hóa Việt được thể hiện trong bài luận đã giúp cô lay động hội đồng tuyển sinh bên cạnh các yếu tố khác của bộ hồ sơ.

Trong bài luận, Uyên đã thể hiện sự ấn tượng với chính bản sắc văn hóa quê hương – vực dậy kiên cường, mạnh mẽ trong chiến tranh tàn khốc, không vũ khí tối tân vẫn vượt khó khăn và chiến thắng kẻ thù có vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới. Trong bộ hồ sơ rất giàu bản sắc đó, Diệu Liên cũng đề cập tới “ve chai” - một điều gì đó rất Việt Nam!

Lệ Thu