Học ở Harvard có khó?

Đại học Harvard, ở thành phố Cambridge (Massachusetts - Hoa Kỳ), là một trường đại học tư thục nổi tiếng, nơi đã đào tạo những con người nổi tiếng thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như hai tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama, hay CEO của mạng xã hội Facebook - Mark Zuckerberg.

Gian nan đường vào Harvard

 

Tiêu chí của Harvard là đào tạo ra những người lãnh đạo mang lại những thay đổi tích cực cho xã hội. Lãnh đạo không có nghĩa là người kiểm soát, mà là những người lạc quan, có tư chất, có khả năng quan sát, phán đoán và khơi dậy khả năng của người khác để cùng đi lên.

 

Trước khi học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) ở Trường Quản trị kinh doanh Harvard (Harvard Business School - HBS), tôi đã có bằng Cử nhân Kinh tế của Trường nữ sinh Smith College, một trong những trường đào tạo về Liberal Arts ở Mỹ.

 

Học ở Harvard có khó?



Liberal Arts trước hết là đào tạo một con người có khả năng áp dụng các khả năng của bản thân vào xã hội, chứ không đi chuyên sâu ngay vào một ngành nào đó. Trong 4 năm học ở Smith College, tôi chỉ học 10 trên tổng số 32 - 40 khóa học chuyên về kinh tế. Ngoài ra, sinh viên sẽ được học về tất cả các ngành khác như: khoa học, nhân văn, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, thể thao..., do đó, sinh viên có kiến thức khá toàn diện. Tốt nghiệp các trường Liberal Arts, sinh viên có thể học tiếp ở các trường cao hơn.

 

Để được vào học MBA ở HBS, sinh viên thường phải có kinh nghiệm làm việc thực tế ít nhất từ 2 năm trở lên. Đó là một trong những tiêu chí bắt buộc đối với mỗi thí sinh. Ngay cả những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, được tuyển thẳng vào Harvard cũng phải đi làm 2 năm rồi mới được vào học.

 

Tiếp đó, sinh viên phải hoàn tất các thủ tục, gồm: vượt qua bài kiểm tra cơ bản (với MBA là GMAT), viết essay (bài tự luận về bản thân và trả lời các câu hỏi như: Ba điểm thành công nhất của em đến thời điểm hiện tại là gì? Hãy kể cho chúng tôi một thất bại của em và em đã học được gì từ thất bại đó? Sau 5 - 10 năm tới em muốn làm gì...?), nộp bản recommendation (lời giới thiệu của hai đồng nghiệp cấp trên và một người bạn biết mình qua các hoạt động xã hội) và cuối cùng mới tới bảng điểm đại học. Essay và recommendation là hai yếu tố quan trọng nhất quyết định bạn có vào Harvard được hay không.

 

Nếu vượt qua vòng thủ tục trên, sinh viên sẽ được nhà trường phỏng vấn. Chỉ có khoảng 50% trong số này trở thành sinh viên chính thức của HBS. Tùy thuộc vào từng năm mà tỷ lệ chọi tại HBS khác nhau, riêng với khóa 2010, tỷ lệ là 1 chọi 10. Theo tôi quan sát, cử nhân học chương trình Liberal Arts ở đại học sẽ dễ được nhận vào Harvard cao học hơn vì họ thường có kiến thức toàn diện.

 

Và thành quả ngọt ngào

 

Học ở Harvard có khó?



Hai yếu tố tạo nên sự thành công cho HBS là sinh viên và giảng viên. Sự nổi tiếng giúp Harvard thu hút được lực lượng giảng viên chất lượng và sinh viên giỏi. Điểm khác biệt lớn nhất giữa HBS và các trường quản trị kinh doanh khác là HBS ứng dụng 100% phương pháp dạy 100% “Case study” (phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu theo các ví dụ thực tiễn).

 

Trước mỗi buổi học, sinh viên sẽ nhận được một “case” - một đề tài cụ thể về một doanh nghiệp, công ty, chính sách... do giảng viên hay bộ phận nghiên cứu và tạo dữ liệu của trường cung cấp. Sinh viên sẽ lên lớp thảo luận đề tài này trong khi giảng viên chỉ làm nhiệm vụ định hướng thảo luận. Cuối kỳ, sinh viên làm bài kiểm tra về một “case” khác để lấy kết quả học tập.

 

Năm đầu ở Harvard, sinh viên sẽ phải học khá nhiều về các môn như: Tổ chức, Tài chính, Kế toán, Kỹ năng lãnh đạo, Đạo đức trong kinh doanh... Điểm học gồm: 50% kết quả bài thi cuối năm, 50% đóng góp ý kiến thảo luận trên lớp. Từ kết quả của học kỳ I, 10% sinh viên ở tốp dưới sẽ bị nhà trường nhắc nhở, đồng thời được nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ về mặt học tập.

 

Nếu học kỳ thứ hai không có tiến bộ sẽ bị tạm đình chỉ học 1 năm. Những sinh viên này sẽ phải đi làm thêm để tích lũy thêm kinh nghiệm và có thể trở lại trường học tiếp. Năm thứ hai, sinh viên sẽ được học chuyên sâu, có thể chọn làm luận văn hoặc thi cuối kỳ để hoàn tất học phần.

 

 Nhiều người hỏi tôi học được gì từ Harvard, tôi nghĩ đó là thái độ và tinh thần học tập. Cũng giống như thời học đại học Liberal Arts, cái tôi còn giữ lại nhiều nhất chính là khả năng suy nghĩ độc lập, mối quan tâm đến sự phát triển của xã hội và sự tự tin vào bản thân.

 

Cao Phương Hà - Cựu du học sinh Harvard Business School

 

Theo DNSG