Hồng Kông: Học sinh được học kiến trúc để phát triển tư duy phản biện

(Dân trí) - Những lớp học như thế được thực hiện bởi tổ chức Architecture for Children, đây cũng là nơi mà kiến ​​trúc sư Chan đã dạy các kỹ năng thiết kế và kiến ​​trúc cho học sinh trong 15 năm qua.

Tuy nhiên, ông Chan không có ý định hướng các em học sinh trở thành kiến ​​trúc sư tương lai hoặc cố gắng thuyết phục chúng lấy được tấm bằng trong lĩnh vực này.

Trong một cuộc phỏng vấn với trang tin CityLab, ông đã giải thích rằng cách giảng dạy của mình rèn cho học sinh lối tư duy phản biện và có lý trí, đồng thời dạy học sinh các khía cạnh quan trọng của việc ra quyết định.

Ông Chan nói: “Trong lớp toán hoặc khoa học, bạn học cách giải một bài toán theo công thức. Nhưng bạn có thể không học cách phân tích vấn đề. Phân tích là rất quan trọng đối với mỗi người. Vì vậy, tôi nghĩ rằng thiết kế dạy cho các em lập luận, tranh luận và đưa ra lý lẽ một cách sáng tạo”.

hongkong.docx.jpeg

Tại trường tiểu học ở Hồng Kông, trẻ em 9 tuổi có cơ hội học về kiến ​​trúc, thiết kế và quy hoạch đô thị. (Ảnh: Freepik)

 

 

Ông Chan hiện đang giảng dạy một khóa học kéo dài 18 tuần cho các học sinh lớp bốn, năm, và sáu tại Trường tiểu học Chính phủ Kwun Tong, một trường tiểu học công lập ở quận Kwun Tong của Hồng Kông.

Ông được hiệu trưởng trường, cô Edith Tse, mời giảng dạy khóa học kiến trúc trong nỗ lực xây dựng một chương trình giảng dạy phù hợp, kéo dài năm năm, được thiết kế riêng dựa trên giáo dục STEM.

Cô ấy nói, “Bản chất của giáo dục STEM là gì? Chúng tôi nghĩ rằng đó là thiết kế (designing) và gây dựng (making). Thiết kế là quá trình ra quyết định và giải quyết vấn đề, cả hai quá trình này đều rất liên quan đến cuộc sống hàng ngày”.

Ông Chan giải thích: “Chúng tôi có một nhóm học sinh lên ý tưởng xây dựng một khách sạn trên đỉnh đồi gần trường, vì vị trí này có tầm nhìn tuyệt vời. Đó là một ý tưởng tốt. Nhưng tuần sau, họ nhận ra rằng việc xây dựng sẽ rất khó khăn và quyết định san bằng ngọn đồi! Tôi đã nói với các học sinh của mình rằng: "Đợi đã, tuần trước các em đều đồng ý rằng ngọn đồi này là vị trí rất lý tưởng cho khách sạn cơ mà".

Vậy nên, những gì cần làm luôn là hướng dẫn các bạn nhỏ cách hợp lý hóa quy trình và tiếp tục phát triển từ suy nghĩ ban đầu sang bước tiếp theo. Ngay cả khi những học sinh này không muốn đi vào lĩnh vực thiết kế, những kỹ năng tư duy này trong lĩnh vực này lại rất quan trọng”.

 

hongkong.docx.jpeg

Một trong những lớp học về kiến trúc và quy hoạch đô thị tại Trường tiểu học Chính phủ Kwun Tong (Ảnh: Mary Hui)

 

Thêm vào đó, học sinh còn được học cách vẽ và trau dồi các kỹ năng máy móc của mình, điều mà Chan cảm thấy học sinh ngày nay thường yếu kém. Ông giải thích rằng: “Sinh viên nên học cách vẽ như một hình thức để diễn đạt.

Ngày nay, chúng ta bị bao quanh bởi iPhone và iPad, nhưng một số sinh viên thậm chí còn thiếu các kỹ năng máy móc đơn giản. Vì thế, tôi nghĩ dạy những kỹ năng thủ công như vẽ cũng là một cách để các em giải quyết vấn đề công nghệ sau này”.

Các học sinh cũng có thể xây dựng và làm mô hình. Các em được chia thành các đội nhỏ, mỗi đội sẽ phải chọn một khu vực để lên kế hoạch quy hoạch. Sau đó, các em tiếp tục xây dựng các mô hình bằng những tấm bìa cứng theo đề xuất của mình, ví dụ như tân trang lại một nhà xưởng cũ thành phòng thí nghiệm khoa học vũ trụ hay xây dựng một khách sạn sinh thái trên một mỏ đá cũ.

Học về quy hoạch đô thị từ nhỏ cũng dạy cho trẻ về sự bền vững. Mặc dù các em có thể quen thuộc với thuật ngữ này, nhưng có thể không hoàn toàn nắm bắt được hết ý nghĩa cho đến khi phải đối mặt với các kịch bản trong thế giới thực.

Ông Chan nói: “Chúng tôi cũng phải bắt đầu dạy về phát triển bền vững từ những học sinh nhỏ tuổi. Rất nhiều học sinh nghĩ rằng cho chai nhựa vào thùng rác tái chế là ý nghĩa của tính bền vững.

Nhưng có một cách rộng hơn để suy nghĩ về sự bền vững, chẳng hạn như, bạn nghĩ thế nào về các vận tải để giảm sử dụng xe hơi? Đây là chủ đề rất rộng và phức tạp, và chúng ta phải đơn giản hóa để học sinh có thể nhận ra thông điệp rằng để làm cho tương lai của các thành phố bền vững hơn, bạn thực sự phải suy nghĩ về rất nhiều yếu tố khác nhau”.

Những lớp học do ông Chan giảng dạy là một ví dụ tuyệt vời về cách các trường học có thể đổi mới khi dạy các kỹ năng quan trọng, thông qua các hình thức sáng tạo như nghệ thuật và thiết kế.

Thái Hằng

(Theo Study International News)