Huyền Chip nói về bất bình đẳng giới trong ngành khoa học máy tính

(Dân trí) - Cô gái Việt tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo tại ĐH Stanford (Mỹ) Huyền Chip cho biết, bất bình đẳng giới trong ngành công nghệ, khoa học máy tính là vấn nóng trên thế giới. Bản thân cô cũng từng không có ý định theo ngành này vì nghĩ nó khô khan, buồn tẻ và không dành cho phái nữ.

Vừa hoàn thành chương trình đại học và thạc sĩ chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford danh tiếng, Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip) chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về khoa học máy tính trong buổi giao lưu mới đây tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo Huyền Chip, Khoa học máy tính là một ngành quan trọng, có ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của con người và sự phát triển chung của nhân loại.

“Tại Đại học Stanford, trên 90% sinh viên theo học một môn khoa học máy tính nào đó. Còn ở Việt Nam, có tới gần 35% sinh viên cho rằng khoa học máy tính không quan trọng gì - theo khảo sát nhanh do chúng tôi thực hiện.

Ở Hoa Kì, không chỉ sinh viên ý thức được sự cần thiết của tin học mà các bậc phụ huynh thậm chí cho rằng môn học này ngang hàng với toán học, khoa học và lịch sử”, Huyền Chip chia sẻ.

Nữ thạc sĩ Việt tại ĐH Stanford Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip - váy đen) trong buổi giao lưu.
Nữ thạc sĩ Việt tại ĐH Stanford Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip - váy đen) trong buổi giao lưu.

Khi vào đại học, Huyền Chip không nghĩ cô sẽ theo ngành khoa học máy tính vì nghĩ nó khô khan, buồn tẻ và không dành cho phụ nữ. Nền giáo dục ở Mĩ cho rằng Đại học chính là khoảng thời gian khám phá đam mê, sở thích bản thân và khuyên sinh viên năm nhất học đa dạng các ngành.

Huyền cũng đã học nhiều môn, sau khi học môn “Khoa học máy tính cơ bản” thì cô “phải lòng” ngành này. Nhiều người thường nghĩ học khoa học máy tính là lắp ráp và sửa thiết bị máy tính. Nhưng thật ra ngành này không phải vậy và rất dễ tìm hiểu vì nếu muốn học chỉ cần dùng Google tìm kiếm sẽ ra nhiều tài liệu.

Theo nữ diễn giả, làm trong ngành này không hề khô khan mà ngược lại, đòi hỏi cần nhiều sự sáng tạo và trí tưởng tượng.

Gần 300 bạn trẻ đến tham dự buổi giao lưu.
Gần 300 bạn trẻ đến tham dự buổi giao lưu.

Sau 4 năm ở Đại học Stanford, Huyền học được cách sống vì người khác nhiều hơn. Trước đây, cô nhận mình rất ích kỉ và làm nhiều chuyện đơn giản chỉ vì thích làm điều đó. Những việc ấy phục vụ lợi ích của bản thân đầu tiên, còn với người khác chỉ là tác dụng phụ.

Quãng thời gian tại Mĩ, cô thấy mục tiêu của hầu hết mọi người không chỉ cho bản thân mà còn là giải quyết các vấn đề chung của xã hội.

Nữ thạc sĩ Việt cho biết, bản thân cô theo đuổi ngành Trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính cũng nhằm ý nghĩa đó.

Huyền Chip tâm sự: “Điều dẫn tôi đến ngành học Trí tuệ nhân tạo là nhờ cơ duyên đến một ngôi làng nhỏ ở Nam Định. Ở đó mọi người không nói tiếng Anh và nhờ thế, tôi hiểu được rào cản ngôn ngữ gây khó khăn cho họ như thế nào.

Chính cha mẹ tôi cũng không dám ra nước ngoài vì không giao tiếp được bằng tiếng Anh. Có nhiều bạn không tiếp cận được nguồn tri thức nhân loại vì thiếu hụt tiếng Anh.

Nên tôi rất kì vọng vào việc dùng khoa học, trí tuệ nhân tạo cho hệ thống dịch tự động, chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác nhanh chóng để góp phần cải thiện được cuộc sống của mọi người”.

Với câu hỏi của bạn Kiều Anh (sinh viên năm hai, Đại học Kinh tế quốc dân) về vấn đề bất bình đẳng giới trong ngành công nghệ, khoa học máy tính, Huyền Chip cho biết: “Đây là vấn đề rất nóng trên thế giới. Năm 2017, James Damore - kỹ sư từng làm việc tại Google đã công bố bài viết 3.000 chữ nhằm chỉ trích chính sách bất bình đẳng, phân biệt giới tính và làm khó phụ nữ của Google. Bài viết sau đó được phát tán rộng rãi trong nội bộ công ty. Ngay lập tức đã gây phẫn nộ và biến Google trở thành tâm bão chỉ trích của giới truyền thông.

Khi đi ứng tuyển, tôi cũng rất mong được nhận vào làm nhờ năng lực của bản thân chứ không phải mình là nữ giới. Bản thân tôi chưa gặp phải tình huống mình bị đối xử bất công.

Tôi chỉ biết trân trọng những điều mình đã nhận được và cố gắng làm hết sức có thể. Đôi khi không quan trọng mình được nhận vào vì lí do gì mà chủ yếu mình phải làm tốt nhất công việc được giao để không ai có quyền nghi ngờ năng lực của bản thân mình".

Người tham dự đặt câu hỏi cho diễn giả Huyền Chip.
Người tham dự đặt câu hỏi cho diễn giả Huyền Chip.

Huyền Chip cho biết, cô đang viết một cuốn sách với một bạn nước ngoài về thực hành trí tuệ nhân tạo, hướng đến đối tượng độc giả muốn trau dồi kiến thức về trí tuệ nhân tạo.

“Tôi ấp ủ điều này từ lâu vì thấy những người nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học máy tính thì họ không có thời gian để viết sách hoặc viết quá kĩ thuật.

Tôi nhận ra là tôi đang ở vị trí khá thuận lợi để kể câu chuyện về trí tuệ nhân tạo: học trong ngành trí tuệ nhân tạo, tiếp cận được nhiều nhà khoa học đầu ngành và thích viết lách”, cựu sinh viên ĐH Stanford chia sẻ.

Hồng Vân