Kể chuyện Trung thu nơi xứ người

(Dân trí) - Với những du học sinh từng học tập ở nước ngoài, những dịp lễ, Tết truyền thống luôn đầy ắp kỉ niệm. Trung Thu cũng vậy, đón rằm tháng Tám ở xứ người là những cảm xúc không thể nào quên…

Quỳnh Anh (Nhật Bản): Trung thu xa xứ đầu tiên

 

Hầu như người Việt sẽ đến khu phố Tàu (phố Trung Hoa – PV) xem Trung thu, còn lại thì sẽ quây quần tại gia đình, cùng nhau nấu ăn, mua bánh trung thu rồi đón đêm rằm một cách khá nhẹ nhàng như vậy thôi. Năm nay, Trung thu trùng vào ngày trong tuần, vì thế trong cộng đồng ở đây cũng không có những hoạt động quy mô lớn.

 

Quỳnh Anh

Quỳnh Anh



Ngày mai sẽ có một bữa tiệc nhỏ tại quán ăn Việt, có sự hiện diện của những người bạn Nhật nên hiện tại, Quỳnh Anh đang lên mạng tìm thông tin xem tối nay nấu gì cho cả nhà, coi như là “phá cỗ” sớm vậy.

 

Thời điểm đêm rằm càng đến gần, Quỳnh Anh lại càng nhớ Việt Nam hơn. Dịp này vào các năm trước, thường thường, mình sẽ được hướng dẫn làm lồng đèn kéo quân, buổi tối các anh chị về nhà cùng làm xôi, gà, nấu chè. Bé hơn, lúc còn là thiếu nhi thì cứ phải tranh thủ ăn tối thật nhanh rồi lên hội quán phá cỗ, nhận phần thưởng học sinh giỏi, mấy đứa con nít nô nức rước đèn, đeo mặt nạ, súng nước, đèn ông sao đi khắp các con ngõ. Đây là cái Tết Trung thu đầu tiên của Quỳnh Anh tại đất Nhật. Cảm xúc cũng khó tả lắm!

 

Nghĩa Hiệp (LB Nga): Trông trăng mà không có trăng

 

Suốt những năm học tập tại xứ sở bạch dương, Trung thu nói riêng và tất cả những dịp lễ, Tết trong năm đều khiến mình nhớ Việt Nam, nhớ thành phố hoa phượng đỏ da diết. Lên mạng, thấy những hình ảnh người thân, bạn bè ở nhà đi chơi, đi xem múa lân, ngắm trăng ... đôi khi cũng khá tủi thân.

 

Nghĩa Hiệp
Nghĩa Hiệp



Tuy nhiên, vì cùng hoàn cảnh xa nhà như nhau, nên mình và các anh em sinh viên khác đã tự tổ chức Trung thu, dù đơn sơ nhưng ý nghĩa lắm. Bữa tiệc trông trăng chỉ là những miếng bánh nướng, bánh dẻo “quí hơn vàng”, được gói gém cẩn thận từ Việt Nam sang, hay là đó là những đêm rằm, khi mà trong nước, người người nô nức rước đèn, phá cỗ thì bên này, chỉ có anh em với nhau. Có khi còn chả nhìn thấy trăng, nhưng mấy anh em vẫn kéo nhau ra bờ sông, đốt vài ngọn đèn hoa đăng tự chế, ngồi tâm sự, hát hò…

 

Đến bây giờ khi về Việt Nam, đón Trung thu đầy đủ bên bạn bè, người thân thì những hình ảnh về cái Tết trông trăng ở xứ tuyết vẫn luôn trong tâm trí mình. Có dịp gặp mặt, anh em lại “ôn kỉ niệm xưa”, thú vị phết!

 

Lan Nhi (Singapore): Thèm nhất là bánh trung thu!

 

Trung Thu tại Singapore cũng náo nhiệt và sôi động lắm, không hề kém cạnh Việt Nam, thành ra những ai sống tại đảo quốc sư tử chắc chắn sẽ không quá nhớ nhà như những bạn học ở các nước phương Tây. Thế nhưng, rằm tháng Tám năm nay lại đúng vào dịp mình đang học, ôn thi, cả ngày phải tập trung bài vở nên tiếc lắm. Ngoài kia người ta đi chơi, mua sắm, ngắm trung thu, còn mình lại ở trong phòng, suốt hai ngày qua cũng chỉ dám ngủ… hai tiếng rưỡi. Hơi buồn một chút, nhưng đi học mà, mình đang cố gắng hệ thống nốt những nội dung còn lại để ít nhất, ngày mai cũng có thể cùng với bạn bè ra phố, thưởng thức không khí lễ hội mùa thu này.

 

Điều làm mình thèm thuồng nhất, chính là bánh trung thu. Ở bên này cũng có, nhưng không thể nào ngon bằng bánh nướng, bánh dẻo Việt Nam được!

 

Văn Phúc (Malaysia): Ước trở lại Trung thu của... ngày xưa

 

Nghĩa Hiệp



Sau 8 năm liền đón Trung Thu ở Hà Nội rồi đi học ở nước ngoài, mình mới có dịp “ăn” rằm tháng Tám với bố mẹ, gia đình ở quê. Nhớ lại dịp này năm ngoái, ở trong kí túc xá của trường, có lẽ bạn du học sinh nào cũng chỉ mơ được nhìn thấy chiếc lồng đèn ông sao, đèn hạt bưởi hay miếng bảnh dẻo mẹ mua cho ngày bé. Càng ngày, Trung thu càng được tổ chức “to” hơn, đồ chơi, quà bánh nhiều hơn, nhưng nếu được quay trở lại thời con trẻ, mình vẫn mong những gì thuộc về trung thu ngày xưa: giản dị, mộc mạc, nhưng ý nghĩa và vui lắm.

 

Còn bây giờ, dẫu đầy đủ hơn, hiện đại hơn, nhưng có vẻ như lại hời hợt hơn. Với mình, trung thu ngày xưa đúng là tết của thiếu nhi, lũ trẻ con chúc mình đợi đêm rằm một cách háo hức như chờ ba mươi Tết. Cả một vùng quê ít đèn điện trở nên đẹp nhất vào đêm rằm, khi những cánh đèn ông sao, những xâu đèn hạt bưởi vừa cháy vừa nổ tí tách, đám rước đèn nao nức đi khắp đường làng, ngõ xóm.

 

Hải Nam (ghi)

Ảnh: Nhân vật cung cấp