Kết nối xóa mọi rào cản

(Dân trí) - 30 sinh viên đến từ các trường ĐH hàng đầu trên thế giới và sinh viên trong nước cùng 11 bạn trẻ là người khuyết tật vừa cùng tham gia hoạt động “Nghệ thuật và sự kết nối văn hóa” tại TPHCM.

Các bạn trẻ “đa sắc màu” cùng tham gia các hoạt động nghệ thuật như hội họa, trang trí nón lá, cùng hát, cùng múa… Thông qua đó, họ mong muốn kết nối, thống nhất trong sự đa dạng của các thành viên đến từ các nền văn hóa khác nhau, vùng miền khác nhau và hoàn cảnh khác nhau.

“Chúng tôi cùng múa, cùng hát, cùng tập với nhau từng lời, từng chữ của bài hát. Ai bảo khác biệt ngôn ngữ là rào cản? Ai bảo khuyết tật là hạn chế? Khi tất cả chúng tôi đều có thể ngân nga cùng nhau bài hát tiếng Việt lẫn tiếng Anh, cùng nhau múa may, truyền đạt ngôn ngữ cơ thể”, bạn Nguyễn Thanh Nguyệt Minh, ĐH KHXH&NV TPHCM chia sẻ.

Kết nối xóa mọi rào cản

Kết nối xóa mọi rào cản
Các bạn trẻ đến từ nền văn hóa, dân tộc, hoàn cảnh khác nhau cùng xóa mọi khoảng cách thông qua nhiều hoạt động nghệ thuật. 

Toàn bộ sản phẩm được thực hiện trong chương trình sẽ được sử dụng trưng bày trong buổi triển lãm và biểu diễn nghệ thuật chiều tối ngày 16/8/2013 tại Trường KHXH&NV TPHCM. Chương trình này cũng là nơi để các bạn khuyết tật nêu lên tiếng nói của mình và tương tác với người xem để họ có thể hiểu hơn về người khuyết tật tại Việt Nam.

Hoạt động này nằm trong hoạt động dự án SEALNet (Mạng lưới các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á) - một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập tại trường ĐH Stanford, Mỹ năm 2004 với mục tiêu nuôi dưỡng và phát triển các nhà lãnh đạo trẻ để tạo ra những ảnh hưởng tích cực bằng

việc tham gia vào các hoạt động phục vụ cộng đồng và lãnh đạo tại chính đất nước của họ tại Đông Nam Á. Mục tiêu này được thông qua hai lĩnh vực chủ yếu là phục vụ cộng đồng và khả năng lãnh đạo.

Dự án năm nay tại Việt Nam diễn ra từ ngày 3/8 - 18/8/2013 tại TPHCM với chủ đề “Cùng sát cánh - Cung thay đổi” với sự tham gia của 15 bạn sinh viên quốc tế đến từ các trường ĐH Stanford, Cambridge, Bryn Mawr College…và 15 bạn sinh viên trong nước.

Mục đích nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật thông qua tương tác cộng đồng. Ngoài ra, dự án cũng đẩy mạnh hành động từ các bạn trẻ hướng tới hòa nhập và giúp đỡ những người khuyết tật tại Việt Nam.

Kết nối xóa mọi rào cản
Hoạt động giao lưu, kết nối thuộc dự án Mạng lưới các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á giúp các bạn trau dồi khả năng lãnh đạo và phục vụ cộng đồng. 

Bạn Đỗ Hồng Ngọc, phụ trách truyền thông dự án cho hay bên cạnh hoạt động nghệ thuật còn có các nội dung, hội thảo về kỹ năng lãnh đạo giữa các sinh viên quốc tế và sinh viên trong nước - là cơ hội để các thành viên truyền cảm hứng, chia sẻ và giúp đỡ nhau tăng cường kỹ năng lãnh đạo của bản thân; Hoạt động phục vụ cộng đồng, bao gồm sự hợp tác giữa dự án và các tổ chức sinh viên, doanh nghiệp tại TPHCM nhằm cung cấp nhiều hơn những sự giúp đỡ cho người khuyết tật tại địa phương về tiếng Anh, gây quỹ tủ sách, giới thiệu việc làm…

Liên tục từ năm 2005 tới nay, mỗi năm chương trình đều thực hiện một dự án tại Việt Nam. Một số dự án tiêu biểu đã được thực hiện như Dạy tiếng Anh và xây dựng phòng máy tính tại trung tâm đào tạo ngôn ngữ TPHCM (năm 2005), Dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo tại Đà Nẵng (2006); Dạy tiếng Anh và giúp tìm việc làm cho trẻ em đường phố TPHCM (2008); năm 2012 dự án nâng cao nhận thực về người khuyết tật thông qua nghệ thuật cộng đồng…

Một số hình trong hoạt động của Mạng lưới các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nám Á tại Việt Nam: 

Hoài Nam

Hoài Nam

Hoài Nam

Hoài Nam

Hoài Nam
Ảnh: Giang Phạm