Khổ như… chịu rét đi du học

(Dân trí) - Mỗi mùa tuyết lạnh là một mùa những du học sinh Việt tìm muôn vàn cách chịu đựng và chống chọi với giá rét nơi xứ người. với mọi cách chống chọi để sống, đi học và… đi chợ.

Những mùa đông không có ở Việt Nam

 

Ở Việt Nam nó không có những cơn mưa tuyết,  không có những làn nước đóng băng thì khi sang du học ở một đất nước nào đó như Nga, Anh, Mĩ… các bạn sẽ được thưởng thức những trận mưa tuyết, những đợt rét lạnh thấu ở nơi đây.

 

Nếu như ở Việt Nam nhiệt độ “lạnh lắm” chỉ trên 10 độ C hay có những nơi thấp nhất cũng chỉ dưới 10 độ nhưng nhiều nước, nhiệt độ có khi xuống âm tới 20 độ, cá biệt, có nơi đến 30, 40 độ dưới. Với cái rét như này, du học sinh Việt cũng phảii nghĩ ra muôn cách để chống chọi với cái giá rét, chống chọi với cái lạnh buốt thấu xương và cắt da cắt thịt nơi xứ người.

 

Đợt lạnh nhất ở Mỹ trong vòng 100 năm nay. Ảnh: Internet.
Đợt lạnh nhất ở Mỹ trong vòng 100 năm nay. Ảnh: Internet.



Quốc Thiên, vừa mới sang Mỹ được nửa năm chia sẻ: “Chưa bao giờ mình thấy mùa đông nào lạnh như vậy, và cũng là lần đầu tiên mình được nhìn thấy tuyết rơi, một mùa đông mà ở Việt Nam chưa bao giờ có. Khủng khiếp thật”.

 

Sốc vì rét

 

Vào mùa đông ở các nước xứ lạnh, những cơn bão tuyết là chuyện… thường xuyên, vì vậy,  “những ngày đó, mình chỉ muốn  trốn ở trong nhà không muốn ra ngoài, trừ khi phải đi học mà thôi”, Duy Cường, sinh viên năm hai tại Boston, Mỹ tâm sự .

 

Cậu cũng cho biết thêm: “Ở đây, tuyết giăng phủ kín đầy đường, ngay cả người dân bản địa cũng rất ít khi ra ngoài nên đường rất vắng có việc gì rất cần thì họ mới ra ngoài.

 

Nếu như ở Việt Nam vào những ngày mùa đông này chỉ cần mặc nhiều áo ấm, hay ngồi bên cạnh một đống lửa nào đó sẽ thấy phần nào ấm hơn, thì ở trên đất khách, trong những đợt lạnh những mùa đông lạnh như thế này, ra đường là cả một… cực hình.  

 

 “Sống chung” với rét

 

Để chống chọi với thời tiết giá lạnh như thế này thì hầu hết các khu nhà của các du học sinh đều được trang bị hệ thống lò sưởi. Chính vì vậy, ở nhà trong những ngày là phương án tối ưu nhất.

 

“Họa hoằn” lắm mới có người ra đường trong tiết trời như thế này. Ảnh minh họa: Internet.
“Họa hoằn” lắm mới có người ra đường trong tiết trời như thế này. Ảnh minh họa: Internet.



Không chỉ thời tiết khắc nghiệt mà ở đây vào những ngày này các loại thực phẩm cũng tăng cao và rất khan hiếm. Thực phẩm khan hiếm và đắt đỏ hơn, đặc biệt là rau xanh. Tại Nga, dưa chuột vào mùa đông vốn có giá ngất ngưởng 100 rúp (tương đương khoảng 70 nghìn đồng/1kg), những ngày lạnh có thể tăng gấp rưỡi, 150 rúp/1kg. Với mức giá như vậy, cộng vào kì “giáp hạt” (chờ đợt học bổng mới) thì … cải bắp và khoai tây trở thành những món ăn chính trong thực đơn hàng ngày của các du học sinh.
 

Đi chợ một lần và mua thật nhiều đồ cũng là giải pháp cho những ngày lạnh giá. “Đây là thức ăn dành  cho hai tuần tới của mình, chẳng biết lạnh kinh khủng như thế này đến bao giờ nên phải tích trữ dần thôi”, Thanh Hồng, du học sinh tại Nga vừa chỉ vào túi đồ vừa mua, vừa nói.

 

Những ngày mùa đông như thế này đang được các bạn du học sinh trải nghiệm, chống chọi cùng với người dân bản xứ - Khó khăn để vượt qua, nhưng cũng là những kỉ niệm “để đời” của quãng thời gian du học.

 

Thủy Nguyễn