Khóa học miễn phí về khởi nghiệp cho sinh viên khối Pháp ngữ

(Dân trí) - Văn phòng châu Á Thái Bình Dương - tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) mới đây đã triển khai khóa học miễn phí mang tên “Kiến thức cơ bản về khởi nghiệp” nhằm mục đích hỗ trợ các sinh viên Pháp ngữ trong quá trình thành lập dự án, kêu gọi nhà đầu tư và đi vào triển khai kế hoạch kinh doanh.

Hiện nay, khi thất nghiệp trở thành vấn đề đáng lo ngại của toàn xã hội, khởi nghiệp có lẽ đang trở thành cơ hội đối với sinh viên tốt nghiệp, cho phép các em có thể tự tạo ra việc làm cho chính mình. Tuy vậy, dù với một ý tưởng xuất sắc, việc tự thành lập doanh nghiệp với các em vẫn còn là thách thức do còn thiếu kinh nghiệm và các mối quan hệ.


Các sinh viên Pháp ngữ sẽ nắm được kiến thức về thành lập dự án, kêu gọi nhà đầu tư và đi vào triển khai kế hoạch kinh doanh với khóa học miễn phí này.

Các sinh viên Pháp ngữ sẽ nắm được kiến thức về thành lập dự án, kêu gọi nhà đầu tư và đi vào triển khai kế hoạch kinh doanh với khóa học miễn phí này.

“Thông thường, các ý tưởng khởi nghiệp đều rất xuất sắc và đem lại các giá trị tốt đẹp cho xã hội. Những người khởi xướng cũng đa phần là những nhân vật có tố chất. Tuy nhiên, thống kê cho thấy 90 % doanh nghiệp đều phá sản sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động.

Theo những nghiên cứu gần đây, việc coi nhẹ quá trình chuẩn bị là nguyên nhân thất bại chính của các doanh nghiệp trẻ”, ông Nicolas Beuvin, chuyên gia đến từ tập đoàn FrenchTech Viet, cho biết.

Nhận thức được vấn đề này, văn phòng châu Á Thái Bình Dương - tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) mới đây đã triển khai khóa học miễn phí mang tên “Kiến thức cơ bản về khởi nghiệp”.

Khóa học bắt đầu từ ngày 09/10 đến hết 05/11/2016 nhằm mục đích hỗ trợ các sinh viên Pháp ngữ trong quá trình thành lập dự án, kêu gọi nhà đầu tư và đi vào triển khai kế hoạch kinh doanh.

“Dự án của tôi là thành lập một công ty nhập khẩu và phân phối sản phẩm vải cashmere chất lượng cao sản xuất tại Mông Cổ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tôi thấy thị trường Việt Nam rất tiềm năng. Khóa học này đã thôi thúc tôi thực hiện dự án đó”, Badamkhand, sinh viên thạc sỹ năm hai tại ĐH Khoa học xã hội nhân văn chia sẻ.

Còn với Lê Quốc Khải, sinh viên tốt nghiệp thạc sỹ tại Viện Quốc Tế Pháp ngữ (IFI) - ĐHQGHN, thành viên đội tuyển Việt Nam đạt giải nhì cuộc thi quốc tế “Risk Solution 2016 cho biết: “Chúng tôi tự hào là những người đầu tiên sở hữu công nghệ tiên tiến cho phép tăng cường bảo mật của các hệ thống quản lý hành chính công.

Chúng tôi muốn phát triển ý tưởng này thành một start-up. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của những lập trình viên như chúng tôi là sự thiếu hụt các kiến thức cơ bản về kinh doanh, về quản lý, tiếp thị... Khóa học này vì thế vô cùng có ích với chúng tôi, cho phép chúng tôi nắm được những bước cơ bản của việc thành lập doanh nghiệp”.


Trò chuyện, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia.

Trò chuyện, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia.

Sự kết hợp giữa giáo dục đại học và khối kinh tế-xã hội

Sau khóa học, sinh viên có ứng dụng trực tiếp những kiến thức về marketing, quản lý, tài chính,... vừa thu thập được nhằm xây dựng một dự án khởi nghiệp hoàn chỉnh và bảo vệ kế hoạch kinh doanh của mình trước hội đồng chuyên gia đến từ phòng thương mại và công nghiệp châu Âu và những doanh nghiệp Pháp.

Khóa học này còn dành cho các bạn trẻ đã bước đầu triển khai kế hoạch, bởi “đây là cơ hội cho các doanh nhân sinh viên tiếp cận với các cộng sự tương lai”, Vũ Tuấn Anh, sáng lập viên dự án cho phép cảnh báo người tham gia giao thông về các điểm ùn tắc trong thành phố chia sẻ.

Anh giải thích: “Một mặt, nguồn lực tài chính còn non yếu không cho phép chúng tôi thuê chuyên gia từ các tập đoàn lớn. Mặt khác, chúng tôi vẫn luôn cần hợp tác với các nguồn nhân lực trong lĩnh vực truyền thông, công nghệ thông tin hay thương mại. Vậy nên, chính tại khóa học này, chúng tôi có thể tìm thấy những cộng sự tương lai”.

Khóa học này cũng đã thu hút được sự quan tâm của các giảng viên, các nhà quản lý các chương trình đào tạo thuộc các lĩnh vực, kinh tế, quản lý trên địa bàn Hà Nội. TS. Đào Tùng, Chủ nhiệm bộ môn Khoa học xã hội, kinh tế và quản lý, Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, trợ giảng của khóa học phân tích: “Để tạo giá trị mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội thì cần sự kết hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia của nhiều ngành/lĩnh vực khác nhau như Kinh tế học - Tâm lý học - Kỹ thuật - Công nghệ … để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới.

Không một ngành/lĩnh vực nào có thể làm được điều này khi hoạt động độc lập. Do vậy, một khóa đào tạo Khởi nghiệp có sự tham gia của nhiều ngành/lĩnh vực như thế này là một sự kết hợp rất hiệu quả”.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Giám đốc trung tâm nghiên cứu về Pháp luật thương mại quốc tế tại Đại học Ngoại thương, thành viên hội đồng khoa học khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của AUF cho biết các trường như Đại học Ngoại thương Hà Nội và Đại học Thương mại Hà Nội hiện đang xem xét khả năng có thể đưa mô-đun này vào giảng dạy tại trường.

Dự kiến vào năm 2017, AUF sẽ triển khai chương trình đào tạo trực tuyến, cho phép sinh viên tự học lý thuyết với công cụ giảng dạy từ xa nhằm sử dụng hiệu quả thời gian trên lớp cho việc hỏi đáp cũng như thảo luận với chuyên gia.

Linh Nga