Kỷ niệm du học "cười ra nước mắt" của bạn trẻ Việt tại Hàn Quốc

(Dân trí) - 22 tuổi nhưng sang Hàn không biết uống sữa hộp đúng cách, nuốt nước bọt nhìn đàn vịt bơi ở khuôn viên trường vì phải mang cái bụng đói cả tháng trời, đứng ngoài cửa siêu thị đắn đo có nên mua chai nước giải khát không vì giá đắt đỏ... là những kí ức đáng nhớ của các du học sinh Việt ở xứ sở kim chi.

Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, dự kiến năm 2018 lượng du học sinh Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ có sự gia tăng đột biến, từ 14.800 du học sinh (năm 2017) lên hơn 25.000 du học sinh (năm 2018).

Những kinh nghiệm kỹ năng cần thiết để du học tại Hàn Quốc là nội dung chính của hội thảo "Kế hoạch du học hoàn hảo" được tổ chức ngày 27/5 tại Hà Nội, thu hút hơn 300 bạn trẻ và phụ huynh quan tâm tham dự.

Mang cái bụng đói cả tháng trời…

Trần Thị Ngọc Ánh, sinh viên nước ngoài xuất sắc nhất Khoa Ngôn ngữ và văn học Anh Mỹ và Khoa Thương mại trường Đại học Kyonggi (Hàn Quốc) và là một trong những người có ảnh hưởng trong cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc với kênh youtube chia sẻ về cuộc sống học tập tại Hàn Quốc kể câu chuyện "cười ra nước mắt" về chuyện ăn uống khi sang Hàn Quốc du học.

Thời gian đầu, tiếng Hàn của Ánh rất tệ, người ta khen cũng không biết, chê cũng không hay nên cô chỉ biết cười, nhiều lúc lạc lõng, cô đơn ở đất nước xa lạ.

Ngọc Ánh tâm sự: "Tính mình hay xấu hổ nên không biết thì không dám hỏi ai, thường chỉ đứng gãi tai, gãi đầu nên khoảng nửa năm đầu sang Hàn là thời gian mình bị… quê trong rất nhiều tình huống".


Trần Thị Ngọc Ánh (giữa) và Nguyễn Thùy Mai (phải) chia sẻ về kinh nghiệm du học Hàn Quốc.

Trần Thị Ngọc Ánh (giữa) và Nguyễn Thùy Mai (phải) chia sẻ về kinh nghiệm du học Hàn Quốc.

"Khi sang Hàn Quốc, bữa cơm sinh viên chỉ có canh toàn nước nên mình không ăn được. May có mẹ ở nhà gửi sang 1kg ruốc, mình mua thêm cơm bán sẵn ở cửa hàng tiện lợi nhưng thậm chí không biết dùng lò vi sóng (hướng dẫn bằng tiếng Hàn) thế nào.

Hay chỉ một hộp sữa giấy thôi nhưng mình cũng không biết bóc thế nào cho giống người Hàn, kết cục là nhìn các bạn Hàn Quốc uống cũng dốc hộp uống rồi vào người làm trò cười cho cả lớp. Đến bây giờ, mình gặp giáo sư tiếng Hàn, thầy vẫn hỏi: "Mày biết uống sữa chưa"?, Ánh kể.

Lời khuyên của cô gái này cho các tân du học sinh Hàn Quốc là không biết thì phải hỏi, mạnh dạn nhờ sự giúp đỡ để học hỏi và rút kinh nghiệm.

Nguyễn Thùy Mai, cựu sinh viên khoa Culture & Digital Contents tại Đại học Konkuk (Top 15 trường Đại học lớn nhất Hàn Quốc) cho biết: "Môi trường học tập Hàn Quốc rất hỗ trợ cho sinh viên quốc tế, cơ sở vật chất tiên tiến, chương trình học gắn với thực hành, sinh viên Hàn Quốc có tinh thần học tập cao".

Cũng như Ngọc Ánh, theo Thùy Mai, khó khăn cơ bản và lớn nhất khi mới sang xứ Hàn của cô là ngôn ngữ. Vì tự ti khả năng tiếng Hàn nên Mai không dám đăng ký học tiếng Hàn mà chọn tiếng Anh ở nhiều môn. Đây chính là rào cản trong giao tiếp giữa cô với các giáo viên, sinh viên.

Thêm nữa, sinh viên Hàn tận dụng từng giây, từng phút để học tập thêm, làm thêm nên việc sinh viên quốc tế làm quen, trò chuyện, kết bạn với họ rất khó. Không ít sinh viên Việt sẽ cảm thấy cô đơn nếu không có bạn bè người Việt ở xứ người.

Mai kể chuyện ở Việt Nam quen ăn uống rẻ nên khi sang Hàn bị "đau đầu" vì chi tiêu đắt đỏ.

"Mình sống ở trong kí túc xá vì sợ thuê nhà ở ngoài gặp lừa đảo nhưng trong kí túc xá thì ăn cơm không có thịt mà chỉ có trứng và rau nên không thể đủ no. Trong khi ra ngoài ăn cái gì cũng đắt.

Kết quả, một tháng liên tục mình mang cái bụng đói, khao khát được ăn thịt. Thậm chí, mỗi lần đi qua khuôn viên trường có hồ lớn nuôi vịt mình cũng phải nhìn theo đàn vịt nuốt nước bọt vì thèm thuồng. Khoảng 1 tháng sau, Mai may mắn gặp một người bạn cũ đã du học Hàn được mấy năm và được chỉ cho cách đi ăn thịt buffet.

Hôm đó, mình được bạn dẫn đi ăn buffet 8.000 won (khoảng 160.000 đồng) nhưng được ăn no nê, đã đời. Đó là lần đầu tiên mình được ăn no đến vậy từ khi sang Hàn. Sau này khi đã thông thạo, sinh viên có thể thuê nhà ở ngoài, mua đồ về tự nấu nướng", Thùy Mai chia sẻ.

Du học Hàn và những góc khuất

Trần Thị Ngọc Ánh cho biết, mức sinh hoạt phí ở Hàn Quốc khá đắt đỏ vì tiền Hàn Quốc trị giá gấp khoảng 21 lần tiền Việt Nam. Chính phủ Hàn Quốc không cấm sinh viên làm thêm nhưng sẽ có một số điều luật cần tuần theo.

Một số bạn phá luật trốn đi làm nhưng Ánh khuyên các bạn nên đầu tư vào việc học để nhận học bổng vì bản thân mục đích đi du học lớn nhất là học thêm các kiến thức, muốn cầm bằng tử tế khi ra trường để có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt.

Không ít du học sinh Việt tại Hàn phải thốt lên rằng họ vỡ mộng rất nhiều. Và nguyên nhân chủ yếu là do các bạn không được chuẩn bị sẵn tư tưởng, hành trang, cũng như kiến thức và kỹ năng khi sinh sống và học tập tại Hàn Quốc mà chỉ nghe theo những lời tư vấn ngọt ngào.

Ở Hàn Quốc không giống như Nhật Bản, sau khi sang học phải 6 tháng sau du học sinh mới được đi làm. Với thời gian làm thêm quy định là 28 tiếng/tuần, mức lương trung bình từ 6.000-6.500 Won/giờ (tương đương 120.000 – 130.000 đồng Việt Nam). Vậy thu nhập bình quân bạn có thể kiếm được 3-4 triệu đồng/tuần.

Trong khi đó, gia đình ở nhà cứ nghĩ rằng con em sang bên Hàn là sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Rất nhiều du học sinh du học Hàn Quốc vì gánh nặng cơm – áo – gạo – tiền hoặc nghe lời dụ dỗ đã bỏ trốn ra ngoài để đi làm và cũng rất nhiều bạn đã phải hối hận về quyết định của mình.

Những bạn làm ở nhà xưởng rất dễ bị công an vào kiểm tra bất ngờ, nhiều bạn mới ra ngoài được 6 tháng đã bị công an bắt được và cho về nước. Còn những bạn sống bất hợp pháp làm ở công trường xây dựng thì thật sự cũng thiệt thòi nhiều. Dù gia đình có việc gì đi chăng nữa cũng không thể về thăm được, khi đã bị bắt thì sẽ mãi mãi không quay lại Hàn Quốc được nữa.

Thầy Park Sang Huyn - Viện Trưởng viện Quốc tế Đại học Kyonggi (Trường Đại học Hàn Quốc có nhiều sinh viên Việt Nam theo học nhất trong thời điểm hiện tại) cho hay: "Nhiều bạn hiện nay đang làm xây dựng bất hợp pháp ở Hàn Quốc sẽ rất thấm thía những bữa cơm ăn vội, bởi vì Cảnh sát Hàn Quốc chỉ ập vào kiểm tra khi công nhân đang ở trong nhà ăn.

Họ không vào công trường kiểm tra, do sợ trong quá trình kiểm tra công nhân chạy trốn rồi gây ra tai nạn lao động. Người bán hàng ăn Hàn Quốc còn phải thốt lên một cách xót xa với cảnh sát rằng: “Sao không để ăn xong rồi hãy bắt!” và nhận được câu trả lời từ cảnh sát là "Ăn xong rồi lại chạy vào công trường thì sao mà bắt được”.

Thầy Park Sang Huyn - Viện Trưởng viện Quốc tế Đại học Kyonggi, Hàn Quốc.
Thầy Park Sang Huyn - Viện Trưởng viện Quốc tế Đại học Kyonggi, Hàn Quốc.

Với những bạn gia đình có điều kiện, qua Hàn Quốc không phải lo làm thêm gửi tiền về cho gia đình thì cuộc sống nơi xứ người cũng không đẹp như trong phim ảnh.

Qua Hàn Quốc, các bạn sinh viên phải tự lo mọi việc cho mình từ sinh hoạt cá nhân, học tập, phải tự chịu trách nhiệm cho mọi quyết định và hành động của mình. Nhiều lúc ăn cơm một mình, tủi thân mà những giọt nước mắt lã chã chan lên những miếng cơm nuốt vội mặn đắng cổ họng cũng cố mà phải nuốt.

Nhưng chính những sự khó khăn và cuộc sống tự lập đó sẽ giúp các du học sinh trưởng thành, bản lĩnh hơn. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng khi các bạn sinh viên và cả gia đình đã có được sự chuẩn bị trước, xác định được những khó khăn nhất định sẽ gặp phải khi đi du học và được trang bị những kiến thức cũng như kỹ năng để vượt qua khó khăn đó.

Lệ Thu