Làm thế nào để xin việc hiệu quả ở nước ngoài qua con đường “online”?

(Dân trí) - Anh Khoa Trần (kỹ sư người Việt tại tập đoàn Voith của Đức, trụ sở bang North Carolina, Mỹ) chia sẻ kinh nghiệm xin việc, ứng tuyển vị trí mong muốn qua con đường online (mạng internet). Theo anh Khoa, khi ứng tuyển xin việc ở nước ngoài, 95% là nộp hồ sơ online, 1% là connection (qua giới thiệu), phần còn lại là đến công ty nộp trực tiếp… Sự cạnh tranh và tỷ lệ hồ sơ bị loại trên mạng cực kỳ cao.

Tích lũy kinh nghiệm, có thể thuê chuyên gia viết hồ sơ cá nhân

Tìm việc làm đòi hỏi sinh viên phải chuẩn bị ngay từ lúc sớm. Trước khi ứng tuyển vào vị trí yêu thích, trước tiên bạn trẻ phải làm resume (sơ yếu lý lịch) và chuẩn bị professional profile (lý lịch chuyên nghiệp/ hồ sơ chuyên môn).

Bước 1, để có một lý lịch chuyên môn tốt các bạn cần tích lũy kinh nghiệm, từ đó xây dựng một resume (sơ yếu lý lịch) tốt.

Khi còn là sinh viên, kinh nghiệm nghiệp vụ của bạn sẽ không nhiều, phần lớn là không có. Vì vậy, các bạn có thể tập trung vào hướng khác đó là leadership (khả năng lãnh đạo). Nói cách khác là chứng minh khả năng độc lập phát triển và tự dẫn dắt.

Để làm được việc này bạn cần tham gia tích cực những hoạt động hội nhóm, tình nguyện. Tích cực đóng góp để làm rõ vai trò của bạn trong hội.

Khi đã có nhiều kinh nghiệm hơn qua internship (thực tập), jobs (làm việc), research (nghiên cứu),... bạn cần tập trung viết một resume chuyên nghiệp. Điều này rất quan trọng. Nếu bạn giỏi mà người ta không biết, không thấy, thì cũng như không có.

Khi bạn nộp hồ sơ xin việc, 95% là nộp hồ sơ online, 1% là connection (qua giới thiệu), phần còn lại là đến công ty nộp trực tiếp. Khi nộp online, sẽ có rất nhiều ứng viên ứng tuyển như bạn. Có phải tất cả đều được nhà tuyển dụng đọc không? Tất nhiên là không!

Chỉ có những resume qua được "filtering system" (hệ thống lọc chọn) mới có được “mắt xanh“ tìm đến thôi. Vậy làm sao để vượt qua? Câu trả lời là keywords (từ khóa). Đúng rồi, bạn cần có nhiều từ khóa, liên quan đến công việc mà bạn ứng tuyển.

Vậy làm sao để biết nhiều từ khóa và xây dựng hồ sơ tốt? Mỗi trường đại học ở Mỹ đều có Career Center (Trung tâm nghề nghiệp). Đây là nơi bạn có thể hỏi về những vấn đề làm sơ yếu lý lịch xin việc. Nhưng bạn cần phải đặt lịch hẹn và thời gian thì rất hạn chế vì sinh viên rất đông.

Một lựa chọn khác là thuê người viết resume chuyên nghiệp (Professional resume writer). Bạn có thể tìm người bản địa hoặc lên trang https://fiverr.com để thuê. Mình từng làm trên này.

Những người này đích thực là chuyên gia. Họ viết hay khỏi phải bàn. Và quan trọng là họ biết dùng đúng keyword. Tin mình đi, mình bỏ rất nhiều thời gian cho resume, và khi bỏ ra $100 để thuê họ, kết quả rất khác.

Các bạn nên gửi cho họ một resume càng chi tiết càng tốt, dài 3-4 trang cũng không sao. Đằng nào mình cũng phải lọc lại cho những công việc thích hợp.

Sau khi có nguyên liệu xây dựng sơ yếu lý lịch tốt, bạn cần dành thời gian phải xây dựng hồ sơ chuyên môn. Khi nhắc đến đây là mình muốn nói về LinkedIn. Là một mạng xã hội dành cho dân chuyên nghề nghiệp trong mọi lĩnh vực. Ở đây bạn có thể kết bạn, đặt câu hỏi và ứng tuyển công việc. Bạn có thể biết ai là người đăng tuyển và có thể trực tiếp nói chuyện với họ.

Nếu họ chịu trả lời bạn thì chúc mừng, coi như bạn đã đánh bại được vòng gửi xe đầu tiên rồi. Ít nhất họ biết bạn là ai và thấy được hồ sơ của bạn, đúng không.

Làm thế nào để xin việc hiệu quả ở nước ngoài qua con đường “online”? - 1
LinkedIn là mạng nghề nghiệp chuyên nghiệp nổi tiếng để bạn trẻ tìm và ứng tuyển công việc ở nhiều lĩnh vực, quốc gia trên toàn cầu.

Chuyên gia viết sơ yếu lý lịch cũng có thể giúp bạn chỉnh sửa cho hồ sơ LinkedIn. Trả thêm $50, rất đáng. Từ LinkedIn mình có ít nhất 6 lời mời phỏng vấn và rất nhiều danh bạ của nhà tuyển dụng.

Khi bạn nghiêm túc tìm việc, bạn nên trả $25-$30/tháng cho tài khoản cao cấp trên LinkedIn. Một đặc tính quan trọng của loại tài khoản nâng cao này là cho phép bạn gửi tin nhắn cho người chưa phải là bạn bè.

Bạn có thể tự do đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, hỏi một người có chút liên hệ (cùng trường, cùng quốc gia, cùng ngành, thậm chí cùng câu lạc bộ...) cho biết thêm thông tin, hoặc nhờ họ giới thiệu cho bạn. Quan trọng là bạn không cần phải kết nối với họ. Đó là điểm cực kì lợi của tài khoản cao cấp. Khi có việc rồi thì có thể hủy nó, tháng đầu dùng loại tài khoản này còn được miễn phí nữa.

Làm sao để vượt qua “vòng gửi xe” tuyển dụng với vô số đối thủ cũng như bạn?

Bây giờ chiến thôi. Cầm đơn xin việc. Mình từng đề cập là khi xin việc thì 95% là online nhé. Vậy mình sẽ tập trung vào điểm này.

Xin việc trên mạng thường có rất nhiều nguồn cho bạn chọn như sau:

- Career Center - Trung tâm nghề nghiệp ở trường.

- Mạng chuyên nghề nghiệp: Linked, Monster, Indeed, Glassdoor...

Sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả. Cho nên mình không bàn cái nào tốt nhất, mà tập trung vào trường hợp “Làm thế nào mà mình tìm được việc tốt?"

Mình sử dụng cùng lúc 2 mạng nghề nghiệp là Monster và LinkedIn. Việc đầu tiên là tạo tài khoản trên Monster, cũng tải sơ yếu lý lịch, hồ sơ cá nhân vào đó.

Sau đó, mình tải ứng dụng Monster trên điện thoại với có những tính năng rất hay như tìm việc theo địa điểm, ứng tuyển nhanh.. bạn cần chọn địa điểm/ khu vực trước, sau đó chọn công việc mà bạn muốn tìm. Phần mềm sẽ tìm trên dữ liệu của Monster và hiện ra những công việc có liên quan.

Việc bạn cần nghiên cứu là ở đâu trên nước Mỹ (Anh, Pháp, Canada, ....) nổi tiếng về lĩnh vực của mình - cái này Google trả lời được. Rồi sau đó bạn du lịch qua màn hình nhỏ (điện thoại), và ứng tuyển việc mỗi ngày thôi. Bằng cách này Khoa apply được 20-30 công việc chất lượng mỗi ngày.

Khi bạn tìm việc, sẽ có những công việc bạn rất ưng ý. Sau khi nộp hồ sơ trên Monster, Khoa sẽ lên LinkedIn để tìm kiếm công việc của công ty đó và từ đó sẽ biết ai là người đăng tuyển việc.

Với Premium account, Khoa có thể In-mail (cách gọi việc gửi tin nhắn của LinkedIn) trực tiếp cho người đăng. Ví dụ như: giới thiệu mình, mình thích hợp với công việc này như thế nào, vui lòng kiểm tra hồ sơ của mình... Khả năng rất cao là họ sẽ kiểm tra hồ sơ của mình.

Nếu họ thích họ sẽ gửi lời mời, mình gửi thẳng một bản sơ yếu lý lịch tới email của họ. Đó là một cách bạn đánh bại "vòng lọc ngoài" để trực tiếp mời nhà tuyển dụng xem hồ sơ của bạn.

Bên cạnh đó, trong LinkedIn, mình sẽ tìm "people in the company" (người trong công ty) để tìm người có điểm chung như là: Việt Nam, tốt nghiệp cùng trường, làm giống vị trí mình muốn ứng tuyển.... Sau đó in-mail làm quen họ và nhờ họ giới thiệu mình tới ví trí công việc đó.

Bạn nghĩ nhờ người mới quen giới thiệu việc thì ngại quá? Mình cũng vậy, nhưng mình cứ làm. Nếu họ không làm cho mình thì sao, thì mình cũng chẳng mất gì. Nếu được, quá tuyệt vời. Hầu như các công ty đều có tiền thưởng cho người giới thiệu, nên thường họ đều vui vẻ làm. Chuyện có thật nhé, không phải lý thuyết đâu.

Giống như công thành trong binh pháp vậy. Có thể đánh chính diện (ứng tuyển vị trí công việc trên mạng nghề nghiệp, website công ty), thuyết phục tướng quy hàng (gửi in-mail cho người đăng tuyển), đánh từ bên trong (nhờ người quen... chút chút, nói lời hay từ bên trong). Có chắc thắng không? Không, nhưng tỉ lệ sẽ tăng cao.

Với cách làm này, trong khoảng tháng 5/2018 đến 8/2018, Khoa có khoảng 15 phỏng vấn, 3 lời mời việc làm.

Làm thế nào để xin việc hiệu quả ở nước ngoài qua con đường “online”? - 2
Anh Khoa Trần – tác giả bài viết, tốt nghiệp cử nhân Kỹ sư Dầu khí tại trường University of Houston (Mỹ) và hiện là Kỹ sư phát triển tự động hóa tại tập đoàn Voith của Đức (trụ sở bang North Carolina, Mỹ).

Câu chuyện Khoa có việc thế nào?

Xin chia sẻ một câu chuyện của riêng Khoa. Khoa được nhận vào làm một công ty đa quốc gia khá lớn gốc Đức. Ông kỹ sư trưởng đã liên lạc trực tiếp Khoa trên LinkedIn vì thấy mình có kinh nghiệm làm việc với một phần mềm hiếm có người biết ở Mỹ.

Mình học được phần mềm này khi đi thực tập cho một công ty Pháp. Họ chỉ giao dự án và Khoa phải tự tìm tòi một phần mềm bất kì có thể làm việc được với thiết bị được giao.

Khi chọn phần mềm này, không ai trong công ty có kinh nghiệm. Và mình phải học qua sách, quen với với một kỹ sư người Đức qua Skype. Công việc thực tập này mình có được thông qua lời mời trực tiếp của chính vợ chồng người chủ công ty.

Khi đó Khoa làm thêm trong nhà hàng sushi Nhật. Bà vợ là một phụ nữ Hàn Quốc trung niên, được xem là một vị khách rất khó chịu và không ai trong nhà hàng thoải mái phục vụ bà. Nhưng Khoa luôn nhã nhặn và lắng nghe để tìm ra bà ấy muốn gì. Thật ra người khó tính rất dễ làm việc vì họ luôn có một thói quen bất biến. Do đó bà ấy rất thích Khoa vì đã biết ý.

Khoa luôn chúc mừng mỗi khi có dịp lễ và bà ấy luôn lì xì mình, cho dù là lúc tốt nghiệp, năm mới, hay con được 1 tuổi. Cách đây vài năm, mình cũng lì xì lại con bà ấy trong dịp năm mới như một cách trả lễ.

Tuy rằng ngay sau đó, Khoa đã cố tránh mặt ở sau bếp vì ngại bà ấy sẽ lại lì xì, nhưng bà ấy vẫn chờ, nhờ người gọi và lì xì lại mình $200. Một số tiền khá lớn cho một phục vụ bàn như mình. Đồng thời bà ấy còn giới thiệu với chồng và vào công ty của họ để làm việc.

Cần phải nói thêm, Khoa vào làm nhà hàng sushi này thông qua sự giới thiệu của một người bạn. Đó là một ngày mưa và bạn Khoa gọi nói chỗ này cần người làm, “em thấy anh vui vẻ nhiệt tình, em nghĩ anh rất thích hợp”. Đó là một lời đề nghị hấp dẫn khi mình còn đang bưng phở trong một tiệm ăn Việt. Người bạn này quen trong lớp lịch sử, mình chủ động làm quen và chia sẻ sách học qua mạng và cách thức chuyển lên trường đại học.

Thật sự những điều này nằm ngoài mong đợi. Lúc đó chẳng nghĩ gì hơn là muốn chia sẻ kinh nghiệm mình biết với một người bạn mới, hay cố gắng làm một vị khách hài lòng với thái độ nhiệt tình.

Cuộc sống đầy những bất ngờ, nhưng cách sống là do mình chọn.


Khoa Trần

(Từ North Carolia, Hoa Kỳ)