Lỡ trùng tên Gateway, trường Ấn Độ bị dân mạng Việt "ném đá" gay gắt

(Dân trí) - Trang fanpage của trường Gateway International School (Ấn Độ) ít ngày nay ngập tràn những lời mắng chửi gay gắt của dân mạng Việt Nam vì nhiều người nhầm tưởng đây là trường tiểu học Gateway có nam sinh tử vong thương tâm nghi vì bị bỏ quên trên xe bus.

Quá phẫn nộ, thương tâm trước trường hợp bé trai lớp 1 bị phát hiện tử vong trên xe bus đưa đón của trường quốc tế Gateway, người dùng mạng xã hội Việt Nam đã tìm trang facebook của trường để kịch liệt phản đối.

Tuy nhiên, fanpage của trường Gateway (tự đặt là trường tiểu học "quốc tế" Gateway) đã được khóa ngay sau sự việc nên dân mạng Việt Nam lại tìm thấy một fanpage mang tên "Gateway International School" với hơn 6000 lượt theo dõi.

Lỡ trùng tên Gateway, trường Ấn Độ bị dân mạng Việt ném đá gay gắt - 1
Trang fanpage của trường Gateway International School (Ấn Độ) bị nhiều dân mạng Việt Nam chỉ trích oan vì nhầm lẫn là trường tiểu học Gateway ở Hà Nội.

Vì nhầm lẫn, không ít dân mạng đã vào bày tỏ cảm xúc phẫn nộ cùng hàng loạt bình luận chỉ trích gay gắt trường Gateway International School ở Ấn Độ: "Tất cả chỉ là hình thức, đồ vô trách nhiệm", "Trường này vô trách nhiệm, khiến một đứa trẻ tử vong vì sự vô trách nhiệm của mình"...

Tuy nhiên, cũng có nhiều người biết đây không phải là trang Gateway của Hà Nội (Việt Nam) nên đã vào nhắc nhở mọi người không nên "ném đá" oan cũng như gửi lời xin lỗi đến các bạn ở trường Ấn Độ vì sự “quá khích” của một số thành viên người Việt trước sự việc quá đau lòng diễn ra có sự tắc trách của ngôi trường cùng tên Gateway.

"Chịu các thanh niên Việt Nam, chuyện ở nước mình sang tận fanpage trường nước ngoài chửi", một bạn trẻ Việt bình luận.

Tuy nhiên, không ít người vẫn "bán tin bán nghi" và cho rằng, trường Gateway ở Hà Nội là một chi nhánh con của trường "Gateway International School" (Ấn Độ) hoặc chí ít là cùng hệ thống.

Lỡ trùng tên Gateway, trường Ấn Độ bị dân mạng Việt ném đá gay gắt - 2

Dân mạng Việt để lại nhiều lời bình luận chỉ trích gay gắt, bức xúc.

Lỡ trùng tên Gateway, trường Ấn Độ bị dân mạng Việt ném đá gay gắt - 3
Lỡ trùng tên Gateway, trường Ấn Độ bị dân mạng Việt ném đá gay gắt - 4

Nhiều người nhanh chóng phát hiện ra đây là trường Ấn Độ và đang bị dân mạng Việt mắng oan.

"Chi nhánh của nó, quản lý cẩu thả, gốc hư thì cành ngọn cũng hư", một tài khoản nhận xét chắc nịch.

Qua tìm hiểu thông tin, được biết ngôi trường "Gateway International School" bị cộng đồng mạng Việt chỉ trích oan được thành lập năm 2006, là một tổ chức giáo dục tại Sonipat, Ấn Độ.

Còn trên thực tế, trường tiểu học Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) không phải là trường quốc tế. Tại buổi họp báo ngày 7/8, thông tin về học sinh lớp 1 trường Gateway nghi tử vong trên xe đưa đón nhà trường, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh khẳng định, trên địa bàn quận không có trường nào gọi là trường “quốc tế”.

"Tên "trường tiểu học quốc tế Gateway" là cách mà trường tự đặt để thu hút thêm học sinh" - ông Ngọc Anh nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 7/8, một cán bộ Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay tại Việt Nam khái niệm trường quốc tế chưa có ranh giới rõ ràng. Muốn phân biệt trường quốc tế với các trường khác thì phân biệt theo chương trình giảng dạy và đối tượng học, vốn đầu tư.

Về vốn đầu tư thì có nhiều hình thức, vốn đầu tư trong nước nhưng dạy chương trình nước ngoài và vốn đầu tư nước ngoài dạy chương trình nước ngoài.

Trên địa bàn Hà Nội có các trường quốc tế do các cơ quan ngoại giao thành lập là trường Liên Hiệp Quốc UNIS, trường trung học Alexandre Yersin của Đại sứ quán Pháp, trường của Đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga.

Bên cạnh đó, còn có các trường có vốn đầu tư của nước ngoài như Kinderworld/SIS (của Singapore), Horizon (Thổ Nhĩ Kỳ)… còn nhiều trường vốn đầu tư Việt Nam nhưng dạy theo chương trình nước ngoài như BIS & BVIS, Trường chuẩn quốc tế BIS tại biệt thự Vinhomes Riverside, trường quốc tế Hà Nội…

Ngoài ra, nhiều trường mang danh "quốc tế" nhưng dạy kết hợp cả chương trình Việt Nam và chương trình nước ngoài mà Nghị định 86 cho phép đảm bảo mục tiêu giáo dục Việt Nam, dạy tích hợp.

Về việc đặt tên trường, cán bộ Bộ GD&ĐT cho rằng, Nghị định 73 và Nghị định 86 đều đã có quy định rõ ràng.

Với các trường đặt theo tên nước ngoài tự nhận là trường "quốc tế" chỉ nhằm mục đích để thu hút người học vì trong chương trình dạy của họ có một số giáo viên nước ngoài và chương trình dạy có một phần dạy theo chương trình của nước ngoài. Cách đặt tên này không sai vì không vi phạm thuần phong mỹ tục.

Vị cán bộ này cho hay, khái niệm trường quốc tế ở Việt Nam chưa định nghĩa được vì chưa có văn bản nào quy định thế nào là trường quốc tế? Do đó, Bộ GD&ĐT đã có cảnh báo phụ huynh về việc chọn trường quốc tế cho con học.

Lệ Thu