Mỹ rớt xuống vị trí thứ 27 trên thế giới về chỉ số "nguồn vốn con người"

(Dân trí) - Năm 1990, Mỹ được xếp hạng thứ 6 về “nguồn vốn con người”, dựa trên số năm làm việc năng suất dự kiến ​​của một người. Hiện nay, chỉ số này đã rớt xuống vị trí 27 và điều này khiến các nhà nghiên cứu không khỏi ngạc nhiên.

Theo một nghiên cứu mới dựa trên các báo cáo dữ liệu năm 2016, Mỹ được xếp hạng 27 trên toàn cầu về giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Nghiên cứu được tổ chức bởi Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington nhằm tìm cách xác định “số năm làm việc dự kiến của một cá nhân ở mỗi quốc gia trong độ tuổi từ 20 đến 64”. Con số này được gọi là "nguồn vốn con người" của một quốc gia.


Mỹ rớt xuống vị trí thứ 27 trên thế giới về giáo dục và chăm sóc sức khỏe (Ảnh: Freepik).

Mỹ rớt xuống vị trí thứ 27 trên thế giới về giáo dục và chăm sóc sức khỏe (Ảnh: Freepik).

Chỉ số “nguồn vốn con người” của Mỹ là 23 năm, đó là khoảng thời gian mà một người có thể làm việc ở mức năng suất cao nhất khi tính toán tuổi thọ, sức khỏe nói chung và giáo dục.

Mỹ đứng thứ 6 trên thế giới vào năm 1990, và sự sụt giảm thứ hạng rõ ràng này đã khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên.

Tiến sĩ Christopher Murray, giám đốc IHME cho biết: “Sự sụt giảm nguồn vốn con người ở Mỹ là một trong những bất ngờ lớn nhất trong nghiên cứu của chúng tôi".

Nghiên cứu cho thấy Trung Quốc lại có sự thăng tiến vượt bậc trên BXH từ năm 1990, từ vị trí thứ 69 trên thế giới đến vị trí thứ 44.

Phần Lan có số điểm cao nhất với 28,4 năm, tiếp theo là Iceland, Đan Mạch, Hà Lan và Đài Loan. Thấp nhất là Niger, chỉ số nguồn vốn con người là dưới 1,6 năm.

Thái Hằng

(Theo HuffingtonPost)