Nén hương lòng của “kỷ lục gia Olympia” dâng lên Đại tướng

(Dân trí) - “Còn non, còn nước còn dân tộc/ Ghi tạc nghìn thu Đại tướng quân” - Đó là những dòng thơ đầy cảm xúc được Phạm Vũ Lộc, “kỷ lục gia” của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 8 - ghi lại khi đến viếng Đại tướng.

Trong dòng người đổ về ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu để tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày qua, ai cũng có những cảm xúc riêng hoà vào nỗi đau chung. Cả dân tộc như lắng lại, cùng nhớ về một nhân cách lớn, một biểu tượng anh hùng của Việt Nam trong thế kỷ XX.

 

Từ tấm lòng thành kính, niềm tiếc thương vô hạn vị tướng lỗi lạc của dân tộc, kỹ sư trẻ Phạm Vũ Lộc đã ghi lại thành những vần thơ đầy ý nghĩa:

 

"Tôi muốn là một của muôn người

Muôn người lần bước lệ tuôn rơi

Muôn người một nỗi đau lặng lẽ

Một nỗi đau chung một cuộc đời…"
 
 

Địa cầu chấn động đã bao lần

Hiếu trung trí dũng, Võ mà Văn

Một tay thao lược hơn Pháp Mỹ

Muôn trượng tài hoa sánh Lý Trần

Cái thế võ công truyền quốc sử

Chí nhân văn đức cảm nhân tâm

Còn non, còn nước, còn dân tộc

Ghi tạc nghìn thu Đại tướng quân”.

 

Nói về hoàn cảnh sáng tác bài thơ, Lộc tâm sự: “Mình có kế hoạch xếp hàng vào viếng Đại tướng từ sáng, nhưng hôm nay đột nhiên đông hơn và nóng hơn các hôm trước nên mình phải nghỉ buổi học chiều và mất khoảng năm tiếng đồng hồ giữa dòng người mới có được giây phút nghiêng mình trước bàn thờ Đại tướng.

 

Khi ra về, nhìn dòng người lớp lớp đi trong im lặng vào viếng, mọi mệt mỏi đều tan biến, mình dừng lại bên bàn ghi cảm nghĩ và khi đó cảm xúc trào dâng, mình đã ngồi tạm bên đường để làm bài thơ này”.

 

Từ lâu, mỗi dịp có bạn bè đến thăm Thủ đô, Lộc đều dẫn qua đường Hoàng Diệu và tự hào giới thiệu về ngôi nhà của Đại tướng. Bản thân cậu cũng rất mong muốn được vào đây thăm vị tướng huyền thoại một lần: “Từ ngoài vào đây chỉ mấy bước chân thôi, nhưng đến lúc này mình mới vào được, khi cụ đã ra đi rồi...”.

 

Bài thơ của Lộc ghi trong sổ ghi cảm tưởng tại nhà Đại tướng

Bài thơ của Lộc ghi trong sổ ghi cảm tưởng tại nhà Đại tướng



Theo chia sẻ của Vũ Lộc, cảm xúc của bài thơ đã có từ ngay khi cậu nghe tin, sau khi Đại tướng mất một giờ, nhưng: “Nhiều nỗi bề bộn trong lòng khiến mình không viết nổi, cho đến khi hòa mình vào nỗi đau chung của dòng người tưởng như bất tận vào viếng Đại tướng, mình mới cảm nhận rõ nhất sự vĩ đại của một con người”.

Đến hôm nay, khi cả nước đã cử Lễ Quốc tang Đại tướng, ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu ngừng đón nhân dân đến viếng, Lộc vẫn nhớ như in hình ảnh: “Không ai bảo ai, mọi người đều lặng lẽ xếp hàng trong trật tự. Cả dòng người gọi nhau bằng hai tiếng “đồng bào” rất thân thương khiến mình thấy vô cùng cảm động. Hàng vạn con người, từ các cụ cựu chiến binh từ tận Miền Nam ra hay từ Tây Bắc về, đến các em học sinh. Những người xa lạ lại có thể sẵn sàng nhường nhau miếng bánh, chai nước, người trước người sau dưới cái nắng chang chang mà không một lời kêu ca, không hề chen lấn. Tất cả đều gặp nhau ở một nỗi đau chung của cả dân tộc”.

 

Bài thơ của Vũ Lộc đã ghi trang trọng trong cuốn sổ chứa đầy cảm xúc của đồng bào cả nước với Đại tướng, được nhiều bạn trẻ đồng cảm, chia sẻ trên mạng xã hội. Lộc trăn trở: “Không biết bao giờ Việt Nam mới lại có một con người vĩ đại có sức cảm hóa và gắn kết toàn dân đến như vậy?!”.

 

Là một cựu học sinh chuyên Pháp trường Hà Nội - Amsterdam, thí sinh có điểm số cao nhất của chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 8 và vừa tốt nghiệp kỹ sư trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Lộc có niềm đam mê đặc biệt với lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ.
 
“Mình không hay làm thơ, nhưng khi có cảm xúc mạnh mẽ, mình thường hay làm thơ luật như thế này. Mình chỉ đơn giản coi đó là một nén hương lòng kính dâng lên vị tướng vĩ đại của dân tộc” – Lộc nói.

 

Hải Nam