Nhà tranh biện 9X xinh đẹp trường Ams “giành vé” đến ĐH Minerva

(Dân trí) - Bảo Uyên xuất sắc trở thành 1 trong 300 ứng viên khắp thế giới chiến thắng 16.000 đối thủ để đặt chân vào học tại ngôi trường có tỉ lệ cạnh tranh ở mức nghiệt ngã nhất nước Mỹ – ĐH Minerva, Mỹ.

Thông tin cá nhân

Họ và tên: Nguyễn Hoàng Bảo Uyên

Sinh năm: 1998

Tốt nghiệp trường THPT: Chuyên Nga, THPT Hà Nội Amsterdam

Thành tích cá nhân:

- Trúng tuyển ĐH Minerva và được hỗ trợ tài chính theo nhu cầu

- Giải Ba thành phố môn tiếng Nga

- “Thủ khoa xuất sắc khối Nga” trường Hà Nội – Amsterdam niên khóa 2013-2016.

- Chủ tịch mạng lưới Tranh biện Puzzles Hanoi của 5 trường chuyên trên địa bàn Hà Nội

- Trưởng BTC Trại hè Tranh biện Aletheia 2015, trại hè tranh biện cho học sinh cấp 3 có quy mô lớn nhất ở Hà Nội.

- Cố vấn CLB Tranh biện Puzzles Ams tại trường THPT Hà Nội - Amsterdam

- Vô địch hạng mục Đội nhóm, Giải đấu tranh biện tại Ireland.


Bảo Uyên là nữ thủ lĩnh năng nổ của các hoạt động tranh biện tại Hà Nội.

Bảo Uyên là nữ thủ lĩnh năng nổ của các hoạt động tranh biện tại Hà Nội.

Thủ lĩnh của cộng đồng tranh biện trẻ Hà Nội

Sắp tới, Nguyễn Hoàng Bảo Uyên sẽ trở thành tân sinh viên ĐH Minerva, ngôi trường có mô hình giáo dục đột phá, luân chuyển sinh viên qua 18 thành phố khác nhau và có tỉ lệ nhận vào thấp nhất thế giới.

Minerva School at KGI được thành lập năm 2012. Năm đầu tiên tuyển sinh (2014), tỉ lệ trúng tuyển là 2,8%. Năm nay, trường có 16.000 đơn đăng ký và cũng chỉ nhận 306 sinh viên, tương đương tỉ lệ trúng tuyển: 1,9%, trong khi Havard là 5,2%.

Từng thuộc đội tuyển HGS tiếng Anh trường cấp 2 nhưng đến khi lên cấp 3, Bảo Uyên bất ngờ chọn lớp chuyên Nga tại trường Hà Nội – Amsterdam. Lí do đơn giản bởi em không ngại thử sức với một ngôn ngữ mới. Và, Uyên đã chứng tỏ được bản thân khi theo đuổi môn ngoại ngữ này với danh hiệu “Thủ khoa xuất sắc khối Nga” trường Hà Nội – Amsterdam niên khóa 2013-2016.

Ngoài khả năng ngoại ngữ tốt, Uyên được bạn bè ngưỡng mộ trong vai trò một nhà tranh biện trẻ. Cô gái Việt đoạt giải Nhất hạng mục Đội nhóm trong Cuộc thi Tranh biện quốc tế tại Ireland năm 2013.

Sau khi ra “chiến trường” tranh biện quốc tế với giải Nhất này, Bảo Uyên hoàn toàn quyết tâm phổ biến hoạt động này tại các trường cấp 3 Việt Nam với lí do, tư duy phản biện rất cần thiết không phải chỉ cho việc học tập ở nước ngoài mà còn ở bất cứ đâu.

Bảo Uyên giữ vị trí Chủ tịch Cộng đồng Tranh biện Puzzles của 4 trường chuyên ở Hà Nội và đang tiếp tục tham gia làm huấn luyện viên cho Cuộc thi Tranh biện tại trường Hà Nội – Amsterdam. Uyên và các thành viên điều hành cố gắng tổ chức các hoạt động phong phú (Phiên toà giả định, Giải tranh biện cho học sinh cấp 3…) song song với lịch học ở trường.


Bảo Uyên (trái) đạt “Thủ khoa xuất sắc khối Nga” trường Hà Nội – Amsterdam niên khóa 2013-2016.

Bảo Uyên (trái) đạt “Thủ khoa xuất sắc khối Nga” trường Hà Nội – Amsterdam niên khóa 2013-2016.

Bằng vốn kinh nghiệm ngày một dày dặn của mình, Uyên muốn phóng tầm ảnh hưởng của hoạt động tranh biện tới cộng đồng học sinh/ sinh viên Hà Nội. Em đứng ra tổ chức Trại hè Tranh biện Aletheia 2015, trại hè tranh biện dành cho học sinh cấp 3 có quy mô lớn nhất ở Hà Nội.

Bảo Uyên cho rằng, khả năng tranh biện thì ai cũng có, chỉ là các bạn có biết về nó hay không. Nó như học bơi hay học lái xe vậy, ai cũng có thể, nhưng phải vượt qua định kiến của chính bản thân mình về các giới hạn cá nhân.

“Tư duy phản biện sẽ giúp bất cứ ai có một cái nhìn cảm thông, đa chiều, bình tĩnh, sáng tạo trước mọi vấn đề và tình huống. Trong tranh biện, mọi người còn có tôn chỉ tôn trọng mọi lời nói của đối phương và không có cái gì đúng hoàn toàn, sai hoàn toàn mà mọi thứ đều có 2 mặt.

Em đã tự tin hơn nhờ được tiếp xúc với tranh biện, không còn so sánh bản thân một cách cực đoan mà chỉ với mục đích hoàn thiện bản thân mình. Cũng bắt nguồn từ đây mà em quyết định nộp đơn đăng ký học tại Minerva”, Uyên nói.

Khám phá giới hạn bản thân

Bí mật được nhận vào ngôi trường có “chương trình đào tạo đại học cạnh tranh nhất lịch sử nước Mỹ” – Minerva của Uyên không phải ở bài luận, không ở điểm số hay các hoạt động ngoại khóa.

Trường Minerva không yêu cầu nộp bài luận nhưng sẽ thu video phỏng vấn học sinh trả lời các câu hỏi có sẵn, sau đó đánh giá kèm với thông tin về học lực và ngoại khóa.


Nữ sinh Việt sẽ trở thành sinh viên của trường ĐH có mô hình giáo dục “đặc biệt” nhất nước Mỹ.

Nữ sinh Việt sẽ trở thành sinh viên của trường ĐH có mô hình giáo dục “đặc biệt” nhất nước Mỹ.

“Có một điều chắc chắn là yếu tố quan trọng nhất để vào trường không phải chúng em có nhiều hoạt động ngoại khóa hay có điểm trung bình trên 9 phẩy không (vì có những trường hợp chỉ có 1 hoạt động ngoại khoá hoặc có bạn thì được học ở nhà (homeschooled), mà sau này chúng em phát hiện ra yếu tố quyết định trong quá trình tuyển sinh đó là sự tự tin vào bản thân, khả năng thích ứng với thay đổi (thậm chí là yêu nó), mục tiêu rõ ràng khi theo học tại trường với lịch trình học đặc biệt như vậy”.

Ngoài ĐH Minerva, Bảo Uyên còn nhận học bổng 80% học phí từ một trường ĐH ở Nhật nhưng em đã quyết định theo đuổi Minerva. Uyên cho biết, Minerva không có chế độ thi học bổng phần trăm mà áp dụng quy chế như Harvard, nghĩa là tuỳ tình hình tài chính mà trường sẽ đáp ứng số học bổng gia đình ứng viên cần.

Lí do cô gái tài năng này chọn ứng tuyển vào Minerva – ngôi trường thậm chí chưa hề có mặt trong bảng xếp hạng vị trí các trường đại học thế giới là bởi ngôi trường này có mô hình giáo dục đột phá.

“Em cùng các bạn học sinh năm nay đều muốn tạo dựng một bước tiến trong nền giáo dục quốc tế, bởi các quan niệm xưa đã đến lúc phải thay đổi, bởi bây giờ là cơ hội để chúng em được chứng tỏ bản thân mình, tự quyết định cho tương lai”.

Mong muốn giúp mọi người khám phá các giới hạn bản thân mình, nhất là trong môi trường đang phát triển như Việt Nam và làm sao để tạo nên một xã hội phát triển? Đó là 2 câu hỏi lớn nhất của Bảo Uyên ở thời điểm hiện tại. Đó cũng là một trong những lý do em chọn học ngành Quy hoạch đô thị, nghiên cứu về phát triển văn hoá và văn mình đô thị tại Minerva.

Uyên cho biết thêm, việc di chuyển qua các quốc gia và vẫn có thể học hỏi, trao đổi và liên tục bàn luận về các nghiên cứu, tìm tòi sẽ giúp em có cái nhìn hoàn thiện nhất về hướng giải quyết cho khúc mắc của mình.

Lệ Thu