Nhìn từ một trường học Phần Lan: Thể thao và học giỏi có gì liên quan?

(Dân trí) - "Phần Lan nổi tiếng về giáo dục phổ thông hàng đầu thế giới, đó là một sự thật nhiều người biết. Tôi nghe tới rồi, đọc rồi, và đã sang tận nơi xem rồi. Nhưng điều đeo đuổi tôi từ chuyến đi đó là chúng ta có thể học được gì từ họ, một nước chỉ có 5,5 triệu dân – nhỏ hơn Hà Nội – và GDP trên đầu người cao gấp 20 lần Việt Nam?..."

"Những gì tôi được nhìn tận mắt khiến tôi nghĩ tới một trạng thái lý tưởng của một nền giáo dục quốc dân. Lấy hệ thống đó làm chuẩn mực thì liệu có tham vọng quá? Nhưng có một kinh nghiệm theo tôi nước lớn hay nhỏ đều có thể tham khảo được.

Trong chuyến đi Phần Lan năm 2017 tôi có tới thăm Makelanrinne Sports High School, trường trung học lớn nhất Helsinki và cũng là một trường chuyên thể thao. Gần 1.000 học sinh ở đây dành gần như toàn bộ buổi sáng luyện tập còn buổi chiều học văn hóa.

Nhìn từ một trường học Phần Lan: Thể thao và học giỏi có gì liên quan? - 1

Khu thể thao dưới nước của trường Makelanrinne Sports High School

Để hoàn thành bằng phổ thông các em vẫn phải học đầy đủ 75 tín chỉ như học sinh bình thường. Thời gian của các em ở trường do vậy dài cả ngày.

Nếu chúng ta hay đọc về việc ở Phần Lan học sinh học ít và không phải làm nhiều bài tập về nhà, thì Makelanrinne là ngoại lệ. Nhưng so với trường học ở Việt Nam, thì thời lượng học ở Makelanrinne cũng chỉ như học sinh của mình mà thôi.

Hàng năm trường chỉ tuyển 240 học sinh mới nên Makelanrinne cũng nổi tiếng vì khó vào. Phần Lan dành 5 triệu euros mỗi năm để vận hành một cơ sở đồ sộ với 70 huấn luyện viên nhưng lại chỉ có 50 giáo viên này.

Theo báo cáo kết quả từ thầy hiệu trưởng thì cũng dễ hiểu tại sao trường lại hấp dẫn với nhiều học sinh như vậy. Năm 2016 có 40 VĐV Phần Lan tham dự Olympic ở Rio (Brazil) thì 13 em là học sinh Makelanrinne.

Năm 2017, trường có một cựu học sinh trúng CLB hockey (khúc côn cầu) chuyên nghiệp và 3 bạn vào vị trí dự bị. Hợp đồng đầu tiên các bạn ấy ký đã lên tới triệu đô, thầy hiệu trưởng chia sẻ vui: "Tôi có làm cả đời cũng chỉ được 1/10 mức đó!".

Bức ảnh trong standee bên dưới là một cựu học sinh của trường hiện đang chơi bóng rổ chuyên nghiệp. Cô hiệu phó tự hào kể rằng lần đầu tiên bạn ấy nhận lương, bạn đã mua một chiếc xe ô tô để tặng mẹ.

Nhìn từ một trường học Phần Lan: Thể thao và học giỏi có gì liên quan? - 2

Nghe không khác gì những "giấc mơ Mỹ" mà tôi từng nghe ở bên kia bờ Thái Bình Dương. Nhưng nhìn kỹ lại, con số học sinh đạt kết quả này thực ra là khá nhỏ. Thầy hiệu trưởng cho biết khoá nào của Makelanrinne rất thành công sẽ có khoảng 10% trở thành vận động viên chuyên nghiệp.  Nghĩa là các em may lắm thì cũng chỉ có cơ hội 1 trong 10 để thành công trong nghề mình lựa chọn.

Vậy những em còn lại sẽ làm gì? “Học sinh của chúng tôi luôn có Plan A và Plan B. Những em không trúng tuyển thể thao sẽ theo Plan B là vào các trường đại học uy tín trong nước hoặc du học. Năm nào trường cũng có khoảng 20% du học ở Anh, Đức hay Mỹ”, thầy hiệu trưởng tự hào kể.

Ở các nước phát triển, thể thao từ lâu đã trở thành một phần quan trọng của các chương trình giáo dục chính khoá hoặc ngoại khoá, nhất là ở các trường tư.

Nhìn từ một trường học Phần Lan: Thể thao và học giỏi có gì liên quan? - 3

Chơi thể thao không có nghĩa chỉ để theo con đường VĐV chuyên nghiệp mà còn giúp học sinh rất nhiều trong học tập và rèn luyện kĩ năng.

Đã có nhiều nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu xuất bản tháng 1/2018 của Hiệp hội Thể thao Nữ của Mỹ, (https://bit.ly/2KLlEZo), chỉ ra rằng chơi thể thao giúp học sinh đạt kết quả học tập tốt hơn vì nó giúp các em có thái độ tích cực, giảm thiểu căng thẳng, có độ tập trung cao hơn, có kỹ năng phát triển quan hệ bạn bè và sống có mục tiêu hơn.

Khi đạt thành tích hay vượt qua được những thử thách trong thể thao, các em sẽ tự tin hơn, hào hứng hơn và dám nhận các thử thách khác trong học tập.

Hơn thế nữa, chơi thể thao khi còn ngồi ghế nhà trường sẽ giúp học sinh hình thành dễ dàng hơn thói quen sống năng động và phát triển thể lực thường xuyên. Điều này giúp các em khoẻ mạnh và làm việc tốt hơn cả đời.

Phải chăng đó là lý do mà các cha mẹ vẫn đồng ý để con học trường chuyên thể thao cho dù cơ hội cạnh tranh cao như vậy?

“Trước hết, họ đồng ý vì thể thao là đam mê của con họ”, thầy Hiệu trưởng Makelanrinne Sports High School nói. “Và sau đó là, chơi thể thao giúp các em cải thiện học thuật hơn rất nhiều!”...".

Đào Thu Hiền

Thạc sĩ ĐH Columbia và Harvard (Mỹ)