Nợ học phí "khổng lồ", sinh viên Mỹ trốn sang nước ngoài sinh sống

(Dân trí) - Chadd Haag (sinh viên Mỹ, 29 tuổi) cho biết mình "tẩu thoát" khỏi Mỹ để trốn nợ sinh viên. Bây giờ anh ta đang sống ở một ngôi làng Ấn Độ. Đó chỉ là một ví dụ điển hình cho việc nhiều sinh viên Mỹ phải rời quê hương vì không thể chi trả học phí đại học.

"Tôi đã bỏ nước Mỹ lại sau lưng", Chadd Haag nói. Trước đó, anh từng suy nghĩ việc sống trốn trong hang nhưng sau cùng, anh chon một kế hoạch ít rủi ro hơn là rời khỏi Mỹ.

Hiện Chadd Haag chuyển đến sống trong một ngôi làng ở Uchakkada, với mức sinh hoạt phí vỏn vẹn 50 USD/ tháng (khoảng hơn 1 triệu đồng). Cách ngôi nhà không xa là cây cối um tùm, những chú gà chạy bộ và voi lững thững dạo quanh.

Nỗi âu lo về món nợ học phí khổng lồ tạm lùi xa. Chàng trai Mỹ thậm chí còn hi vọng, sẽ không bao giờ đặt chân vào siêu thị Walmart (ở Mỹ) nữa.

Nợ học phí khổng lồ, sinh viên Mỹ trốn sang nước ngoài sinh sống - 1

Nợ học phí quá nhiều, Chadd Haag rời Mỹ bỏ trốn sang Ấn Độ sống ở một khu rừng (Ảnh: NVCC).

Nơi ở mới cách nơi anh trưởng thành (Colorado) đến 9.000 dặm (khoảng 14.500 km), có vẻ như khoản học phí đè nặng không còn hiện hữu trước mắt Chadd Haag.

Đây không phải là trường hợp duy nhất. Không ít sinh viên Mỹ đã "khăn gói quả mướp" chạy trốn khỏi quê hương đến một nước khác, nơi mà sinh hoạt phí rẻ hơn và những "chủ nợ" có ít quyền lực hơn với "con nợ".

Mặc dù không có dữ liệu quốc gia chính thức về việc có bao nhiêu người rời khỏi Hoa Kỳ vì nợ sinh viên, nhưng những người vay học phí đã kể câu chuyện bi đát của họ ở các nhóm trên Facebook, kênh Reddit.

Barmak Nassirian, Giám đốc đối ngoại liên bang của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng tiểu bang Hoa Kỳ cho biết, đây có thể là một vấn nạn.

Nợ học phí của sinh viên Mỹ đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua và dự đoán đạt con số 2.000 tỉ USD vào năm 2022. Trung bình một sinh viên tốt nghiệp đại học nợ khoảng 30.000 USD, tăng từ mức 16.000 USD vào đầu những năm 1990 (đã tính lạm phát). Trong khi đó, mức lương cho cử nhân mới tốt nghiệp, tính luôn lạm phát, gần như không thay đổi trong vài thập kỷ qua.

Trường hợp của Chadd Haag, anh nợ 20.000 USD, con số tuy không nhiều so với nợ của nhiều sinh viên khác nhưng theo Haag, anh khó có thể tìm việc (với mức thu nhập trung bình của bằng đại học ở Mỹ) để trả được số nợ này chỉ với tấm bằng cao đẳng.

"Nếu bạn không kiếm được tiền lương đủ sống, thì khoản nợ 20.000 đô la quả là khủng khiếp và có sức tàn phá cuộc sống", Haag nói.

Anh đã vật lộn với nhiều nghề trong thời buổi suy thoái kinh tế như bốc dỡ hàng, chế tạo tên lửa đồ chơi sau khi tốt nghiệp ĐH Bắc Colorado vào năm 2011. Sau đó, Hagg tiếp tục trở lại trường học để theo đuổi bằng thạc sĩ về Văn học tại Đại học Colorado Boulder.

Nỗ lực không ngừng, Hagg cố gắng trở thành trợ lý giáo sư, nhưng anh ta vẫn hầu như không thể kiếm sống cùng với một lớp học một học kỳ được chỉ định.

Nợ học phí khổng lồ, sinh viên Mỹ trốn sang nước ngoài sinh sống - 2
Haag đã cưới được vợ là giáo viên ở Ấn Độ vào năm ngoái và có cuộc sống ở đất nước mới (Ảnh: NVCC)

Haag lại tiếp tục nuôi hy vọng thoát nợ khi anh kiếm được công việc toàn thời gian như một người chuyển phát y tế ở Denver, giao mẫu nước tiểu và máu cho các bệnh viện. Tuy nhiên, anh đã thất vọng khi thấy rằng anh chỉ mang về 1.700 USD/tháng.

Trừ một phần vào khoản nợ sinh viên, Haag chẳng còn lại là bao. Anh ta nằm mơ cũng không thể mua một căn hộ trong thành phố, nơi mà giá thuê đang tăng mạnh. Hagg sống với mẹ và hiếm khi đi chơi với bạn bè.

Rời Mỹ, Haag đã cưới được vợ là giáo viên ở Ấn Độ vào năm ngoái, có cả visa 5 năm và có cuộc sống ổn định ở nơi mới, dù cuộc sống ở đây không hoàn toàn dễ dàng.

Tuy nhiên, Mark Kantrowitz - chuyên gia về học phí đại học cảnh báo, những sinh viên trốn nợ học phí như trên khi trở về Mỹ sẽ thấy nợ không những còn đó mà còn tăng lên thêm do tiền lãi và tiền phạt đóng chậm.

Có nhiều cách hợp lý hơn để xử lý nợ của sinh viên, chuyên gia Nassirian, tại Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng nhà nước Mỹ cho biết.

Thay vì trốn sang nước khác, những người vay đang gặp khó khăn nên tham gia vào một trong các kế hoạch trả nợ dựa trên thu nhập của chính phủ. Trong đó, hóa đơn hàng tháng của họ sẽ được giới hạn ở một phần thu nhập của họ.

Nhưng thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng quan trọng hơn cả là cần xem xét kỹ lưỡng hệ thống cho vay học phí hiện nay của Mỹ, vì sự việc đã không còn đơn giản khi hệ thống này đang khiến sinh viên, thế hệ tương lai của đất nước, phải trốn chạy đến nơi khác.

Lệ Thu

Theo CNBC