Nữ du học sinh Việt xinh đẹp diện áo dài đón Tết xa nhà đầu tiên ở Mỹ

(Dân trí) - Học tập ở nơi xa, Đinh Ngọc Thảo luôn nhớ đến không khí rạng rỡ của ngày Tết cổ truyền. Năm đầu tiên đón Tết xa nhà, nữ du học sinh xinh đẹp đã mặc áo dài, ghi lại những khoảnh khắc duyên dáng ở trường đại học Trininy – nơi em vừa kết thúc kỳ học đầu tiên ở đại học.

Mùa tuyển sinh năm 2018 vừa qua, Đinh Ngọc Thảo nộp hồ sơ 4 trường và đều đỗ. Cả 4 trường này đều chào đón cô gái Việt bằng các suất học bổng giá trị.

Cuối cùng, nữ sinh Việt chọn nhập học ở trường ĐH Trininy, đây là ngôi trường em ứng tuyển ở đợt nộp đơn sớm (ED). Trường này cấp cho cô gái Việt học bổng 55% (trị giá 2,7 tỷ đồng).

Ba trường còn lại Thảo trúng tuyển là Đại học Lawrence (học bổng trị giá 37.300 USD/năm), Đại học Augustana (học bổng trị giá 31.000USD/năm) và Đại học Beloit (học bổng trị giá 38.000 USD/năm).

Nữ du học sinh Việt xinh đẹp diện áo dài đón Tết xa nhà đầu tiên ở Mỹ - 1
Tháng 12/2017, Đinh Ngọc Thảo giành học bổng đến ĐH Trinity. Hiện, Thảo đang theo học chuyên ngành Tâm lý học tại trường đại học khai phóng này.

 

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi, PV Dân trí có cuộc trò chuyện với nữ du học sinh xinh đẹp về Tết xa nhà đầu tiên của em:

Giành học bổng rồi trở thành sinh viên ĐH Trinity, em có thể chia sẻ về chuyên ngành học tập, cuộc sống hiện tại của mình ở đất Mỹ?

Em vẫn theo đuổi chuyên ngành Tâm lý học và có hơi ngạc nhiên về số lượng lớn các sinh viên Mỹ hứng thú với ngành học này.

Theo như tháp nhu cầu con người của Maslow, sau nhu cầu thiết yếu cho sự sinh tồn và an toàn thì có rất nhiều nhu cầu về tâm lý. Câu hỏi xoay quanh tâm lý con người hiện diện liên tục trong cuộc sống hàng ngày, vậy nên có nhiều bạn trẻ cảm thấy tò mò về môn học này.

Ngoài sự lý thú, đó cũng là một bộ môn phức tạp và đòi hỏi khả năng tự học rất lớn.

Bên cạnh việc thích nghi với môi trường học tập mới, em còn phải thích nghi với cuộc sống tự lập nói chung.

Em không bị sốc văn hóa, có lẽ vì gặp được nhiều bạn bè giúp đỡ tận tình trong quá trình chuyển giao. Ở trường, mọi người rất cảm thông cho các bạn du học sinh và luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Nữ du học sinh Việt xinh đẹp diện áo dài đón Tết xa nhà đầu tiên ở Mỹ - 2
Ngoài giờ học, nữ sinh Việt tham gia vào sảnh ký túc “Hi Vọng” - là cộng đồng thường đi làm hoạt động thiện nguyện.

Kỳ vừa qua em làm thiện nguyện ở một trại trẻ em. Khi thấy các bé chạy ra ôm lấy và gọi tên em mỗi khi em tới, em tìm được ý nghĩa và yêu việc mình chọn làm rất nhiều.

Nữ du học sinh Việt xinh đẹp diện áo dài đón Tết xa nhà đầu tiên ở Mỹ - 3
Mỗi cuối tuần em đổi vài giờ đồng hồ tham gia tình nguyện thay vì ngủ nướng, vừa giúp cho cộng đồng nơi mình sống, vừa tích lũy kĩ năng xã hội cho bản thân.

 

Điểm em thấy thích thú nhất của nền giáo dục Mỹ qua trải nghiệm bản thân?

Về các Đại học ở Mỹ, em thích sự cởi mở chia sẻ của họ. Trong lớp học, mọi người không ngại nói ra quan điểm vì họ biết những người khác sẽ tôn trọng ý kiến của họ.

Giáo viên thường đi quanh lớp hay thậm chí ngồi lên bàn rất tự nhiên, khiến cho khoảng cách giữa sinh viên và giáo sư “teo” lại. Từ đó môi trường học tập trở thành một khuôn viên lý tưởng cho những ý tưởng được tự do trao đổi.

Ngoài lớp học, sự cởi mở ấy là việc thường xuyên chào hỏi, nói cảm ơn và xin lỗi. Thay vì nói chào nhau, người Mỹ hỏi “Bạn khỏe không?” Nó vừa là câu chào, cũng vừa thể hiện sự quan tâm lẫn nhau.

Người đi trước thường giữ cửa mở cho người đi sau, nhiều khi mở cho người sau đi qua rồi mới đi tiếp; họ nói cảm ơn. Và khi chỉ lỡ đụng nhẹ vào người khác, hay suýt đụng phải, họ nói xin lỗi. Em nghĩ rằng những sự cởi mở lịch sự này nên được phổ biến hơn nữa.

Nữ du học sinh Việt xinh đẹp diện áo dài đón Tết xa nhà đầu tiên ở Mỹ - 4
Trước khi đi du học, Thảo là học sinh lớp 12 chuyên Nhật, THPT Chuyên Ngoại ngữ Hà Nội.

 

Một năm qua em tập trung vào những mục tiêu gì? Nhìn lại một năm qua điều gì khiến em tâm đắc, điều gì khiến em nuối tiếc?

Nhìn lại, có lẽ 2018 là năm em trải qua nhiều sự thăng trầm nhất. Một mốc quan trọng trong thời gian đó không phải việc em đã bước qua ngưỡng cửa của tuổi 18, mà em đã đạt được ước mơ trong gần mười tám năm qua em không nghĩ tới, hoặc không nghĩ mình sẽ làm được — giành học bổng du học.

Nếu có mục tiêu là để giương cung lên và bắn, thì mũi tên của em đã phải vượt qua một chặng đường dài, có những lúc tưởng chừng sẽ chúi xuống và nằm im trong đất lạnh, nhưng cuối cùng đã cán đích. Quá trình này đã thuyết phục chính em rằng những ước mơ có thể thành hiện thực nếu đủ kiên trì, nhiệt huyết, và niềm tin.

Ngoài mục tiêu cá nhân, em còn khao khát được trực tiếp lăn xả vào hoạt động cộng đồng. Bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm cơ hội làm tình nguyện, em đăng ký làm một Định hướng viên (OGL) để có thể làm “chị lớn” dẫn dắt, chăm sóc và truyền cảm hứng cho các tân học sinh.

Dù quẩn quanh với nhiều kế hoạch, em vẫn phải dặn bản thân không được để quên việc chuẩn bị cho kỳ thi Đại học Quốc gia diễn ra vào cuối tháng 6.

 

Nữ du học sinh Việt xinh đẹp diện áo dài đón Tết xa nhà đầu tiên ở Mỹ - 5
Đón năm mới đầu tiên xa nhà, nữ du học Việt mặc bộ áo dài truyền thống của dân tộc và nhờ những người bạn quốc tế của em lưu lại những khoảnh khắc ở khuôn viên đại học Mỹ 150 năm tuổi.

Tất nhiên với toàn những mục tiêu có vẻ căng thẳng như vậy, em sẽ dễ gục ngã. Vậy nên em đan xen vào dọc hành trình những phần thưởng nhỏ như “nếu làm xong A thì được xem 1 tập phim, xong A+ thì được xem nửa bộ”. Em nghĩ em hài lòng với bản thân ở việc có dốc sức đuổi theo mục tiêu nhưng không đánh mất chính mình.

Dẫu có sống hết mình, vẫn luôn có một thứ ám ảnh khiến em không ngừng tiếc nuối: thời gian đã qua. Tuổi trẻ đến vội, nó có sự giục giã khiến em cảm giác mình vẫn chưa yêu thương đủ, chưa trân trọng đủ, chưa biết ơn đủ những người, những việc đến với em.

Dù tuổi trẻ chưa qua nhưng em đã bắt đầu đau lưng. Nó nhắc nhở em rằng, không gì có thể kéo dài mãi mãi: thời thanh xuân, hay cả những cuộc vui và nỗi buồn.

Cho nên cùng với sự nuối tiếc thời gian ấy, em luôn cố đặt tâm trí và năng lượng vào hiện tại, biết rằng mình đã làm hết sức rồi, đâu còn gì phải tiếc?

Cảm xúc của em khi đón Tết Nguyên đán năm đầu ở xứ người là gì?

Em luôn cảm thấy Tết Nguyên Đán mới thật sự là Tết, bất kể em có sinh sống ở đâu. Em hay đùa rằng Tết âm đến em có một núi lịch kiểm tra, đâu có tâm trí, nhưng thực ra trong lòng lại có nhiều sự bồi hồi và háo hức.

Em chắc chắn sẽ không buồn, bởi ở đây em cũng có những người bạn đang xa xứ. Em luôn quan niệm rằng ngày lễ hay địa điểm không quan trọng bằng việc trải nghiệm chúng với ai.

Nữ du học sinh Việt xinh đẹp diện áo dài đón Tết xa nhà đầu tiên ở Mỹ - 6
Đinh Ngọc Thảo xinh đẹp trong tài áo dài truyền thống.

 

Em sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Đặc trưng của Tết có lẽ là rất nhiều đồ ăn nên hoạt động sôi nổi nhất sẽ là dọn đồ ăn ra và liên tục rửa bát.

Nhưng quan trọng hơn, những câu chuyện và lời chúc Tết qua mâm cỗ mới thực sự là điều khiến em thấy ấm lòng. Em nhớ, rất nhớ khi xa nhà là những ngày đầu năm đi dâng hương cùng gia đình. Đó là những khoảnh khắc yên bình cầu may cho một năm đầy hạnh phúc.

Ước mơ và dự định của em trong năm mới này?

Nicholas Sparks, tác giả của “The Notebook” và vô vàn tiểu thuyết để đời khác, có câu: “Đôi khi ta phải chịu cảnh lìa xa những người ta yêu, nhưng điều đó không thể ngăn ta bớt thương họ hơn. Mà đôi khi ta còn đong đầy thêm tình cảm” (Bản Tình Ca Cuối Cùng) (Nguyên văn: “Sometimes you have to be apart from people you love, but that doesn't make you love them any less. Sometimes you love them more.”).

Nữ du học sinh Việt xinh đẹp diện áo dài đón Tết xa nhà đầu tiên ở Mỹ - 7
“Khi em mặc chiếc áo dài, em cảm thấy như một đại sứ âm thầm tuyên truyền về văn hóa của đất nước nhỏ bé nhưng mạnh mẽ mang tên Việt Nam. Có nhiều người tới hỏi em về bộ áo dài, nói với em rằng đó là một trang phục đẹp duyên dáng. Điều đó gợi cho em khao khát muốn bạn bè quốc tế hiểu thêm về Tổ quốc của mình”, Thảo tâm sự.

 

Qua một học kỳ xa xứ, em nhận ra điều này rất đúng. Em sẽ tiếp tục sống ước mơ của mình và tận dụng những cơ hội du học mang lại cũng như tự tạo nên những cơ hội cho bản thân.

Vì sự nuối tiếc thời gian trực chờ, trong năm tới, em sẽ còn trao đi nhiều hơn những yêu thương, những cống hiến và không quên vun đắp cho những mối quan hệ trân quý của mình.

Cảm ơn Ngọc Thảo đã chia sẻ, chúc em năm mới hạnh phúc, thành công!

Lệ Thu