Nữ thạc sĩ Việt tại ĐH Stanford giải mã trăn trở "khó kiếm người yêu" của du học sinh

(Dân trí) - Hôm nay cuối tuần, mấy đứa bạn của mình ở Stanford tự nhiên ngồi lo lắng rằng đã sắp tốt nghiệp rồi mà vẫn chưa có người yêu - sau này đi làm tìm người yêu còn khó hơn nữa. Sau khi ngồi nói chuyện với bọn nó cả tối, mình nhận ra rằng những băn khoăn của nó chẳng khác gì những băn khoăn của bạn bè hay độc giả của mình ở Việt Nam cả.

Huyền Chip (tên thật Nguyễn Thị Khánh Huyền) - tác giả cuốn sách từng gây tranh cãi “Xách balo lên và đi” có những chia sẻ thú vị về tình yêu du học sinh. Cô gái Việt hiện theo học bậc thạc sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại ĐH Standford (Hoa Kỳ) tiết lộ "bí kíp" tìm người yêu cũng như chỉ ra những quan niệm khiến các du học sinh khó tìm được một nửa tình yêu.

Dân trí đăng tải bài viết của Huyền Chip:

1. Làm sao để gặp được người mới?

Bọn bạn mình kêu rằng tụi nó không kiếm được người yêu vì không gặp được người mới. Đến lớp học thì ngồi nghe thầy giảng sao dám nói chuyện. Ra đường đâu dám tự nhiên chặn ai đó lại bảo “mày dễ thương quá cho tao số điện thoại đi" -- nó từ chối mình hay tát cho mình phát thì sao. Lên mạng lại gặp mấy đứa "treo đầu dê bán thịt chó". Tụi nó hỏi mình làm sao mình gặp được nhiều người mới thế. Tuần nào tụi nó cũng thấy mình hẹn hò cà phê hay ăn uống với ai đó thú vị.

Mình nhận ra rằng khi mình càng cố gắng gặp người mới, khả năng thất bại của mình càng cao. Con người rất dễ nhận ra sự “tuyệt vọng" của đối phương -- thấy ai đó càng cần mình thì càng cố gắng tránh xa người đó ra. Với lại, gặp người mới rồi biết nói chuyện gì? Bao nhiêu lần bạn gặp ai đó thú vị, dễ thương lắm mà rồi chả biết nói chuyện gì, mối quan hệ chẳng đi về đâu?

Huyền Chip - tác giả bài viết hiện theo học bậc thạc sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại ĐH Standford (Hoa Kỳ).
Huyền Chip - tác giả bài viết hiện theo học bậc thạc sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại ĐH Standford (Hoa Kỳ).

Mình không bao giờ gặp ai đó mới chỉ vì muốn gặp ai đó mới. Mình thường làm những cái mình yêu thích và trong quá trình đó, mình gặp người chia sẻ đam mê với mình. Ví dụ, mình thích leo núi, mình thường xuyên đến câu lạc bộ leo núi, đứng gần mấy người có vẻ chuyên nghiệp xin lời khuyên. Họ thấy mình có tinh thần học hỏi nên rủ mình đi leo núi ngoài trời cùng.

Hồi Bitcon còn là gì đó xa lạ, mình muốn tìm hiểu về nó nên nhờ bạn bè mình giới thiệu ai đó rành về cái đó giúp mình, qua đó gặp đứa từ hồi học năm thứ 2 đã là một trong những nhà đầu tư sớm nhất vào Ethereum. Trong 1h nó giải thích cho mình nhiều cái mà mình nghĩ nếu mình tự đọc trên mạng chắc phải mất vài ngày. Hồi đấy chẳng ai biết Ethereum là gì, nhưng giờ thì giá đã tăng gấp mấy trăm lần và tự nhiên bạn đó siêu giàu, bỏ học lập công ty luôn.

Hồi mình tìm hiểu về TensorFlow (thư viện phần mềm mã nguồn mở dành cho máy học trong nhiều loại hình tác vụ nhận thức và hiểu ngôn ngữ - PV), mình đọc được một cuốn sách về TensorFlow. Mình email anh chàng tác giả. Hai đứa gặp nhau, tranh luận chán chê về TensorFlow và giờ anh chàng đã trở thành bạn trai mình.

2. Phải gặp người phù hợp mới yêu chứ?

Nếu bạn cứ chờ gặp người phù hợp thì mới yêu thì nhiều khả năng đến già bạn vẫn còn than vãn tại sao ông trời không tạo ra ai đó dành cho bạn. Người ta ở cả đời với nhau có khi còn chưa hiểu nhau. Làm sao mà bạn hy vọng gặp ai đó thoáng qua mà biết được người đó có phù hợp với mình hay không?

Yêu ai đó là quá trình tìm hiểu người đó. Phải dành thời gian bên người ta, xem cách người ta ứng xử với những chuyện hỷ nộ ái ố, cách người ta đối đãi với mình, cách họ giao lưu với bạn bè, ... thì may ra bạn mới hiểu được phần nào con người của họ và biết họ có phù hợp với mình hay không.

Nghiên cứu của OKCupid chỉ ra rằng nhiều người hay chọn bạn bè theo tiêu chí to tát như ngoại hình, thu nhập, tôn giáo, nhưng sự thật là điều hay khiến các mối quan hệ thất bại nhất lại là những điều nhỏ nhặt mà phải qua thời gian mới phát hiện ra được.

Với Huyền, mỗi lần yêu là một lần thực tập.
Với Huyền, mỗi lần yêu là một lần thực tập.

Có bạn sẽ bảo: ô hay, thế dành thời gian yêu người ta rồi mà cuối cùng mối tình không thành thì có phải phí thời gian không? Không bạn ạ. Mỗi lần yêu, dù thành hay bại, bạn đều sẽ học được rất nhiều điều.

Chia sẻ cuộc sống của bạn với ai đó không chỉ giúp bạn hiểu về cuộc sống, con người của họ mà còn giúp bạn hiểu về cuộc sống, con người của mình.

Ví dụ, qua bạn trai hiện tại của mình, mình học được rằng mình là đứa rất hiếu chiến. Mỗi lần cãi nhau, mục đích của mình là phải thắng, còn mục đích của anh chàng là làm sao để không cãi nhau nữa. Hơn nữa, mỗi lần chia tay, mình sẽ hiểu hơn về điều gì khiến mối quan hệ đó thất bại, và qua đó sẽ biết rõ hơn bạn mong muốn gì ở mối quan hệ tiếp theo. Mỗi lần yêu là một lần thực tập. Mỗi lần chia tay là bạn đang đến gần hơn với mối quan hệ lý tưởng của mình.

3. Nếu có người yêu thì cuộc sống của mình sẽ thú vị hơn rất nhiều

Mình biết nhiều bạn cuối tuần hay than thở rằng cuộc sống độc thân thật là chán. Giá mà có người yêu thì sẽ dẫn nó đi đây đi đó, làm cái này cái kia có phải sung sướng không. Nhiều người nghĩ rằng phải có ai đó thì họ mới hạnh phúc, rằng cuộc sống của họ vì một lý do gì đó mà trống rỗng, chưa hoàn thiện.

Sự thật là ngoài phim Hàn Quốc ra, chẳng mấy ai lại yêu người khác vì muốn giúp họ thoát ra cái hố của họ cả. Mình yêu ai đó vì mình thấy rằng cuộc sống của họ thú vị -- mình muốn trở thành một phần của cái sự thú vị đó. Mình chả thấy ai nói rằng: ồ thằng đó suốt ngày ngồi nhà đánh điện tử, mình phải yêu nó để làm cuộc sống của nó thú vị lên mới được.

Ngay cả khi mình còn độc thân, chưa bao giờ mình thấy cuộc sống của mình là thiếu vắng, lẻ loi cả. Mình có đầy đủ tự do để làm cái mình thích. Hồi mới gặp bạn trai mình, tức là hồi đó mình vẫn độc thân, lúc nào nó gặp mình cũng thấy mình đang làm cái gì đó.

Hôm thì mình đi uống thử rượu vang. Hôm thì mình đi buổi lễ ra sách của bạn của bạn mình rồi đi pha trà phát sáng. Hôm thì mình lên trình bày với một nhóm giáo sư tại sao họ nên tin tưởng để mình dạy một khoá học ở Stanford. Nó mới vội bảo: “Lần sau mày làm gì đó vui rủ tao đi với nhé". Thế là nó cắn câu.

Huyền Chip ở rooftop garden (vườn trên mái nhà) ở văn phòng Facebook.
Huyền Chip ở rooftop garden (vườn trên mái nhà) ở văn phòng Facebook.

Có một cuộc sống thú vị, phong phú là bí quyết hấp dẫn người khác giới của Huyền Chip.
Có một cuộc sống thú vị, phong phú là bí quyết hấp dẫn người khác giới của Huyền Chip.

Tóm lại là các bạn đang độc thân ơi, hãy tận hưởng cuộc sống độc thân đi bởi yêu vào rồi sẽ vướng bận nhiều lắm. Tận dụng thời gian rảnh rỗi để theo đuổi những cái mình đam mê, tiếp cận những người bạn muốn học hỏi, đi đến những mảnh đất xa lạ, đọc những cuốn sách hay, khiến bản thân mỗi ngày lại trở thành một con người thú vị hơn, hiểu biết hơn, rộng lượng hơn.

Một ngày nào đó, sẽ có một anh chàng hay cô nào nào đó nhìn thấy bạn và bảo: “Ô, cuộc sống của mày hay ho quá vậy. Cho tao trở thành một phần cuộc sống đó với".

Huyền Chip

(Sinh viên bậc thạc sĩ, ĐH Stanford – Mỹ)