Phượt Siberia - thăm làng cổ bên hồ nước ngọt sâu nhất thế giới

(Dân trí) - Đó là ngôi làng cổ Angasolka, lẩn khuất sau những cánh rừng taiga và bạch dương ngút ngàn, ngày ngày nghe sóng Baikal kể về huyền thoại miền đất Siberia.

Hồ Baikal ở phía nam Siberia của nước Nga, là hồ nước ngọt sâu nhất thế giới, với độ sâu 1.642 m, nằm ở độ cao 455,5 m so với mặt nước biển. Hồ chứa đến 23.615,39 km khối nước (19% lượng nước toàn cầu).

 

Mặt hồ Baikal vào mùa hè. Ảnh: KD
Mặt hồ Baikal vào mùa hè. Ảnh: KD



Nước ở hồ Baikal là loại nước ngọt, giàu oxy, lại rất trong và sạch, bạn có thể soi mình dưới mặt nước hồ lung linh. Độ dài của nó cũng thật đặc biệt, dài 636 km bằng khoảng cách từ Mátxcơva tới Saint Petersburg. Có 336 con sông chảy vào hồ nhưng hồ chỉ chảy ra duy nhất một con sông. Đó là sông Angara, một con sông không bao giờ đóng băng vào mùa đông.

 

Baikal còn là nơi sinh sống của hơn 2630 loài động thực vật, hai phần ba trong số đó không thể tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Năm 1996, UNESCO đã công nhận hồ Baikal là một Di sản thế giới.

 

Đảo Olkhon – Hòn ngọc của hồ Baikal. Ảnh: Minh Rows
Đảo Olkhon – Hòn ngọc của hồ Baikal. Ảnh: Minh Rows



Từ trung tâm thành phố Irkutsk, bạn có thể đến thăm Baikal ở nhiều địa điểm đẹp như đảo Olkhon (đảo lớn nhất của hồ Baikal), làng Listvianka, Maloe More, hay thăm quan theo tuyến đường sắt vòng quanh Baikal,…Và một trong những địa điểm được các bạn trẻ Nga ưa thích đến khám phá trong những ngày nghỉ ngắn là làng cổ Angasolka – ngôi làng nhỏ nằm bên bờ hồ Baikal.

 

Khi những ngày hè  chớm đến, chỉ có những đồi thông thay cho mình màu áo mới sau khi tuyết tan, nhóm DHS Việt chúng tôi gồm 9 người đã quyết định tổ chức chuyến hành trình tới thăm ngôi làng cổ Angasolka nằm bên bờ hồ sâu nhất thế giới – hồ Baikal.
 
Những chàng du học sinh Việt trên hành trình đến Bailkal - Ảnh: Văn Tứ
Những chàng du học sinh Việt trên hành trình đến Bailkal - Ảnh: Văn Tứ



Để đến được đây, chúng tôi mất khoảng ba tiếng ngồi trên tàu điện từ trung tâm thành phố Irkutsk đi về hướng đông, và 1 tiếng lội bộ băng qua những ngọn đồi, cánh rừng, con suối,.. Hành trình này so với những người ưa thích mạo hiểm, khám phá thì cũng chẳng thấm vào đâu nhưng so với chúng tôi, những DHS thường mất 6 tháng “ngủ đông” trong thành phố thì lần đầu trải nghiệm như thế  cũng là sự cố gắng đáng ghi nhận.

 

Ngôi làng cổ Angasolka nằm ở km thứ 149 trên tuyến đường sắt vòng quanh Baikal. Đây là một ngôi làng nhỏ, được hình thành trong thời kì xây dựng tuyến đường sắt này. Và ngày nay, nó tiếp tục tồn tại là nhờ sự hấp dẫn với khách du lịch khắp nơi khi tới thăm Baikal.

 

Trước mặt làng cổ là hồ Baikal, xa xa là những ngọn núi mờ ảo. Ảnh: KD
Trước mặt làng cổ là hồ Baikal, xa xa là những ngọn núi mờ ảo. Ảnh: KD



Với vị thế trước mặt là hồ sâu nhất thế giới, xa xa là những ngọn núi quanh năm tuyết bao phủ mờ mờ ảo ảo, hai bên là những ngọn núi thoai thoải, sau là những cánh rừng thông, bạch dương bạt ngàn cùng tiếng nước suối chảy róc rách từ xuân sang thu, làng cổ Angasolka quả là một nơi đến lý tưởng cho những ai thích du ngoạn sơn thủy, thích tạm rời xa cái ồn ào, nhộn nhịp, khói bụi của thành phố tìm về chốn tĩnh lặng, yên bình, trong lành, tinh khiết của thiên nhiên.

 

Từ đây, chúng ta có thể ngắm toàn cảnh hồ Baikal nhờ tuyến đường sắt tham quan đi qua, hay có thể đến dãy núi Khamar-Daban, tham quan “Làng  chim”, nơi làm tổ của rất nhiều loài mòng biển Baikal.

 

Một ngôi nhà tại làng cổ Angasolka. Ảnh: KD
Một ngôi nhà tại làng cổ Angasolka. Ảnh: KD


Làng cổ Angasolka còn được biết đến với ngôi nhà của cố họa sỹ nổi tiếng của Nga và thế giới Nicholas Roerich. Ông còn là nhà thám hiểm, khảo cổ học, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Đến đây, chúng tôi được người bản địa kể rằng, từ năm 1923-1928, Nicholas Roerich cùng gia đình mình và một nhóm các nhà khoa học đã thực hiện chuyến hành trình thám hiểm Trung Á trải dài qua Mông Cổ, Trung Quốc, Tây Tạng và Ấn Độ.

 

Năm 1926, đoàn thám hiểm Nicholas Roerich  đã đi qua làng cổ  Angasolka. Một vài năm sau, ý tưởng về việc thành lập một trung tâm văn hóa và triển lãm tại ngôi nhà mà ông và gia đình mình đã nghỉ tại đây đã thành hiện thực và nó vẫn còn tồn tại tới ngày nay.

 

Còn đối với nhóm chúng tôi, chỉ có hai ngày nghỉ lễ để đến đây, không có dịp khám phá tất cả những vẻ đẹp còn hoang sơ mà kì vĩ của nơi này nhưng nó cũng để lại nhiều ấn tựợng đẹp về một vùng đất mới của nước Nga.

 

Ngoài việc du ngoạn sơn thủy, du khách có thể đến đây cùng bạn bè, gia đình để cắm trại dọc bên bờ hồ Baikal. Bạn có thể được thưởng thức đặc sản của Baikal như cá Omul hun khói gỗ thông vào mùa hè, hay tự làm món saslyk (thịt nướng) theo kiểu Nga, vừa nhấm nháp cốc bia trên những ngọn đồi, vừa ngắm nhìn Baikal hùng vĩ trước mặt.

 

Khắc Điệp

Nguồn ảnh: hoidoanhnghiep.ru