Quán quân cuộc thi khởi nghiệp tại Mỹ từng “vật lộn” kiếm tiền học phí

(Dân trí) - Chàng trai 22 tuổi Hồ Hoàng Anh Tuấn xúc động nhớ về những ngày tháng chật vật, tự bươn chải đủ cách kiếm 60.000 USD/năm để đóng học phí. Chính những gian truân đó đã giúp 9X gốc Việt nảy ra ý tưởng về Scholar Jet – dự án đoạt ngôi quán quân VietChallenge 2017.

Câu chuyện vượt khó của chính bản thân đã khơi nguồn cho Hồ Hoàng Anh Tuấn và Joshep Alim (người gốc Malaysia và Hy Lạp) bắt tay mở công ty riêng với dự án khởi nghiệp "Scholar Jet" ngay từ khi còn là sinh viên đại học. 9X gốc Việt mong muốn bạn trẻ có thể tự chi trả mọi chi phí của việc học dù đang ở bất cứ đâu và chinh phục chân trời tri thức nào.

Ý tưởng sáng tạo hỗ trợ sinh viên đại học chinh phục học bổng mà không phải viết luận của 2 chàng trai 9X này đã vượt qua 176 đối thủ, xuất sắc thuyết phục các nhà đầu tư Mỹ cấp vốn 20.000 USD (hơn 450 triệu đồng) để khởi nghiệp.


9X gốc Việt Hồ Hoàng Anh Tuấn đại diện nhóm thuyết trình về ý tưởng ScholarJet trong đêm Chung kết VietChallenge 2017 ngày 1/4.

9X gốc Việt Hồ Hoàng Anh Tuấn đại diện nhóm thuyết trình về ý tưởng ScholarJet trong đêm Chung kết VietChallenge 2017 ngày 1/4.

PV Dân trí có cuộc trò chuyện với Hồ Hoàng Anh Tuấn – 9X gốc Việt nảy ra ý tưởng về "ScholarJet":

Không quan trọng bạn là ai, hành động của bạn nói lên con người bạn…

Chúc mừng ScholarJet với ngôi vị quán quân VietChallenge 2017! Được dự án ScholarJet của hai bạn có slogan “Hành động vì giáo dục”. Cụ thể “hành động” ở đây là gì?

- Scholar Jet là con đường dẫn đến các học bồng. Chúng tôi muốn thay đổi cách sinh viên chi trả cho con đường học vấn của mình và cách các nhà hảo tâm trao học bổng cho sinh viên dựa trên công việc làm thêm mà họ tham gia.

Các học bổng này giúp sinh viên có thể thể hiện khả năng của mình qua các thử thách liên quan đến các ngành khoa học, sự sáng tạo, từ thiện và chăm sóc sức khoẻ.

Tôi tin rằng không quan trọng bạn là ai, hành động của bạn sẽ cho mọi người thấy bạn như thế nào. Đồng thời, chúng tôi cũng giúp các nhà hảo tâm truyền cảm hứng và động lực cho sinh viên.

Chắc hẳn đằng sau dự án thuyết phục được các nhà đầu tư các nhà đầu tư Mỹ cấp vốn 20.000 USD để khởi nghiệp là một câu chuyện thực tế đầy thôi thúc?

Ý tưởng về ScholarJet ra đời vào lúc tôi đăng kí vào trường đại học, khi tôi được nhận vào trường Đại học Northeastern với số tiền phải trả là 60.000 USD/năm.

Tôi biết là gia đình mình không có khả năng chi trả. Do đó, tôi phải tự thân vận động và nộp hồ sơ. Đây thực sự là một quá trình gian truân, tôi viết hơn 100 bài luận và dành hàng tháng làm việc với cố vấn.

Vì thế, tôi đã bắt đầu ScholarJet với hi vọng giúp đỡ được nhiều sinh viên tiếp cận với nền giáo dục hiện đại hơn.


Những ngày tháng gian truân bươn chải kiếm tiền học phí đã ươm mầm cho ý tưởng “hành động vì giáo dục” trong Tuấn.

Những ngày tháng gian truân bươn chải kiếm tiền học phí đã ươm mầm cho ý tưởng “hành động vì giáo dục” trong Tuấn.

Xây dựng công ty ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, các bạn chắc hẳn mất rất nhiều thời gian, tâm sức?

Một vài người nói rằng đầu tư thời gian vào việc này làm chúng tôi bỏ lỡ rất nhiều trải nghiệm về cuộc sống đại học… Nhưng theo tôi thấy họ mới chính là người đang bỏ lỡ cơ hội cả đời chỉ có một.

Chúng tôi biết rằng đây thực sự là những gì chúng tôi muốn làm và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, vượt qua mọi cản trở trước mắt.

Vì cả hai là những người trẻ vẫn còn đang đi học nên việc bắt đầu xây dựng một công ty quả thực là một thử thách lớn. Khó khăn này đã giúp chúng tôi luyện tập kĩ năng quản lí thời gian và kiểm tra xem ý chí biến ý tưởng thành hiện thực như thế nào. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng ý chí, năng lượng và đam mê cùng với sự hỗ trợ từ các cố vấn sẽ giúp chúng tôi thành công.

Chứng tỏ rằng học bổng dựa trên hành động là một điều thực tiễn

Điều lớn nhất các bạn nhận được sau khi cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt trẻ toàn cầu?

Có lẽ, không chỉ là phần thưởng vật chất 20.000 USD mà món quà quý giá nhất là những mối quan hệ không mua được bằng tiền với những nhà đầu tư, cố vấn tương lai.

Các bạn dự định dùng giải thưởng để khởi nghiệp ra sao?

Chúng tôi sẽ tập trung vào mở rộng quan hệ với các trường đại học. Tiền giải thưởng sẽ được dùng cho chi phi bán hàng và phát triển, nhưng trên hết ScholarJet sẽ xây dựng một mạng lưới đối tác để chứng tỏ rằng học bổng dựa trên hành động là một điều thực tiễn. Nói cách khác, khoản tài trợ ban đầu này sẽ đưa ScholarJet gần hơn với một giấc thành hiện thực


Ban giám khảo bị thuyết phục bởi ý tưởng sáng tạo, thiết thực của nhóm Hồ Hoàng Anh Tuấn và Joshep Alim.

Ban giám khảo bị thuyết phục bởi ý tưởng sáng tạo, thiết thực của nhóm Hồ Hoàng Anh Tuấn và Joshep Alim.

Các bạn có chút lo lắng nào không khi mang ý tưởng từ cuộc thi khởi nghiệp ra ngoài cuộc sống?

Chúng tôi nghĩ là khác biệt lớn nhất giữa đem ý tưởng đến cuộc thi và thực sự thực hiện ý tưởng khởi nghiệp trong cuộc sống là mình phải làm việc với khách hàng thật sự. Trong cuộc thi, có thể mọi người thích ý tưởng của chúng tôi nhưng không có nghĩa là họ sẵn sàng làm khách hàng hoặc hỗ trợ công ty.

Hướng đến sinh viên ở các trường đại học, đặc biệt là đối tượng sinh viên phải đối mặt với áp lực tài chính, vậy tại sao ScholarJet không phải là một tổ chức phi lợi nhuận?

Đó cũng chính là một trong những câu hỏi đáng nhớ nhất mà nhóm nhận được từ BGK VietChallenge. Câu trả lời của chúng tôi là ScholarJet là một công ty vì lợi ích công.

ScholarJet, công ty sử dụng lợi nhuận để tạo ảnh hưởng tới xã hội, sẽ giúp chúng tôi mở rộng nhanh hơn và cuối cùng, chúng tôi có thể tạo nên nền tảng vững chắc để tiến gần hơn với các nhà tài trợ.

Cám ơn Hồ Hoàng Anh Tuấn, chúc ScholarJet hiện thực ý tưởng suôn sẻ!


Giành ngôi quán quân, ScholarJet được cấp vốn 20.000 USD để khởi nghiệp.

Giành ngôi quán quân, ScholarJet được cấp vốn 20.000 USD để khởi nghiệp.

Lệ Thu

Ảnh: BTC